Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xã hội thượng lưu ở New York

Bằng phương thức hôn nhân, Auguste Belmont (người đại diện gia tộc Rothschild) đã bước chân vào giới quý tộc thượng lưu ở Mỹ.

chien tranh tien te anh 1

Vận động viên thi đấu trong giải đua ngược America Triple Crown, giải thưởng do Belmont tài trợ chính vào những năm 1920.

Với tư cách đại diện cho gia tộc Rothschild tại Mỹ, gần như chỉ sau một đêm, Auguste Belmont trở thành nhân vật nổi bật khi anh đặt chân tới New York. Quy mô nguồn tiền mà anh có thể điều động không chỉ gây sốc cho cộng đồng tài chính ở New York mà còn khiến cho chính phủ Mỹ rúng động.

Belmont trở thành ngôi sao mới nổi ở New York và thường xuyên tham dự các sự kiện xã hội. Anh có thể nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italy ở mức độ tiêu chuẩn và tiếng Pháp với khẩu âm độc đáo. Vào thời điểm đó, New York luôn bị người châu Âu coi là vùng đất thô lỗ và dung tục, họ vẫn chưa thể tạo cho mình một phẩm chất cao quý và phong cách quý tộc, cũng như không phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa các khẩu âm. Vì lẽ đó, Belmont thực sự khiến cho họ thán phục.

Lúc này, New York đang ở trong giai đoạn các gia tộc giàu sang đang có nhu cầu cấp thiết trong việc xác lập vị trí của riêng mình, xã hội bắt đầu phân chia giai cấp. Người New York dần chú trọng vào lễ nghi, trang phục, vòng quan hệ xã hội và các phong cách thời thượng. Các lớp đào tạo nghi thức mọc lên như nấm, dạy ăn súp không phát ra tiếng động, không ngoáy mũi nơi công cộng, không nhìn chằm chằm vào người lạ, không tùy tiện khạc nhổ...

Vào thời điểm này, Belmont - chàng trai trẻ đến từ châu Âu được trui rèn trong môi trường văn hóa của gia tộc Rothschild với những đường đi nước bước khác biệt so với người thường lại một lần nữa xuất hiện chói lọi. Anh ngay lập tức được giới thượng lưu coi là hình mẫu điển phạm, cung cách ứng xử, phương thức đối nhân xử thế và thậm chí cả khẩu âm của anh đã trở thành đối tượng mô phỏng của quý ông giới thượng lưu.

Belmont dẫn đầu trào lưu phong cách xã hội ở New York, ví dụ thái độ xã hội mang hơi hướm "thờ ơ" của anh được noi theo rộng rãi khắp nơi. Nếu như bữa tối được mời vào lúc 7 giờ, Belmont hiếm khi xuất hiện trước 9 giờ. Đối với Belmont, việc đến đúng giờ chẳng qua chỉ là phép lịch sự của những kẻ thô lỗ.

Công việc kinh doanh của Belmont ở New York rất thuận lợi. Dưới sự điều hành của anh, nguồn vốn gia tộc Rothschild ở châu Âu liên tục chảy vào thị trường trái phiếu Mỹ. Năm 1844, sau hơn bảy năm ở Mỹ, Belmont được chính phủ Mỹ bổ nhiệm làm Công sứ tại Áo. Đây là động thái cho thấy người Mỹ muốn tiếp cận với ông trùm nguồn vốn Rothschild.

Tuy nhiên, trong mắt những nhà quý tộc thực sự, Belmont chỉ là một trọc phú mới nổi có sở thích đốt tiền. Tầng lớp thời thượng của xã hội không phải là giai cấp thượng lưu thực thụ. Tầng lớp quý tộc thực sự ở Mỹ vẫn là những lãnh chúa trang trại từ thời kỳ thuộc địa. Từ năm 1629 đến năm 1940, với tư cách là tổ chức thực dân có mặt sớm nhất tại Mỹ, công ty Tây Ấn Hà Lan đã trực tiếp phân chia đất đai ở hai bên bờ sông Hudson gần New York cho các gia tộc lớn này.

Theo một nghĩa nào đó, chế độ phân phát này tương tự như đế chế phong kiến ở châu Âu. Các gia tộc lãnh chúa trang trại này sẽ có quyền sở hữu đất đai vĩnh viễn, có thể thành lập tòa án riêng và thành lập một cơ quan quản lý có chức năng nhất định của một chính phủ. Người thuê đất sẽ phải lao động và đóng thuế cho lãnh chúa. Thời kỳ thuộc địa của Mỹ không thực thi thể chế vương quốc, do đó không có hoàng đế hay quốc vương.

Chế độ lãnh chúa trang trại đã sản sinh ra những quý tộc đầu tiên ở Mỹ, họ vẫn là những quý tộc lâu đời nhất tại xứ cờ hoa cho đến bây giờ. Vào thời điểm đó, các gia tộc lãnh chúa trang trại nổi tiếng và quan trọng bậc nhất New York bao gồm Wann, Rosell, Astor, sau đó là Koster và Morris, tất cả đều thuộc đẳng cấp cao nhất ở Mỹ.

Mặc dù Belmont có gia tộc Rothschild giàu có hậu thuẫn, khi đứng trước mặt những quý tộc lãnh chúa trang trại này, anh ta vẫn cảm thấy tự ti và hổ thẹn. Các gia tộc lớn này thường tổ chức hoạt động tiệc tùng với sự tham gia của hàng trăm người tại những khách sạn đặc biệt sang trọng, một tấm giấy mời tham dự tối đó thực sự có thể dùng để chứng minh thân phận "thượng đẳng" của một người. Belmont chưa từng được mời và rất bực mình vì điều đó.

Một lần nọ, anh ta xông vào cuộc họp lựa chọn khách mời và đe dọa rằng: "Tôi đã điều tra tài khoản của tất cả các vị. Tôi có thể đảm bảo với các vị rằng hoặc là tôi sẽ nhận được lời mời đến tham dự bữa tiệc trong năm nay, hoặc là đến khi bữa tiệc kết thúc, tôi sẽ khiến các vị thân bại danh liệt". Cuối cùng Belmont nhận được lời mời, nhưng khi đến nơi buổi tiệc diễn ra lại chẳng có ai ở đó cả. Anh ta trở thành vị khách duy nhất được mời.

Belmont lại chuyển qua phương thức hôn nhân để được gia nhập vào nhóm quý tộc của Mỹ. Sau khi xem xét và sàng lọc cẩn thận quyền thế và nền tảng tôn giáo của từng gia tộc, anh đã chọn Caroline Perry làm vị hôn thê của mình.

Bản thân Perry không phải là gia tộc đặc biệt giàu có, nhưng họ chắc chắn là thành phần thượng lưu của xã hội. Những gì gia tộc Perry đem lại cho Belmont là địa vị mà tiền bạc cũng không thể mua được. Cha của Caroline là anh hùng trong chiến tranh Mexico, đồng thời ông là một vị tướng sau này dẫn quân đi đánh phát xít Nhật. Cuộc hôn nhân này đã giúp Belmont gia nhập giới quý tộc và không bị coi là gã nhà giàu mới nổi.

Song Hong Bin/ Bách Việt Books & NXB Lao Động

SÁCH HAY