Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

X6 - Điệp viên hoàn hảo: Bắt đầu cuộc sống kép

Sau khi học báo chí tại Mỹ, Phạm Xuân Ẩn trở về nước. Từ đây ông ở tình thế ngày càng hiểm nguy hơn.

Trở lại Sài Gòn vào cuối tháng 9 năm 1959 sau hai năm sống ở Mỹ, nỗi sợ lớn nhất của Ẩn là vừa ra khỏi máy bay đã bị bắt đưa đi và rồi vĩnh viễn biến mất. Ẩn sắp xếp để cả gia đình ra đón ông tại phi trường, bởi ông tính toán rằng trong trường hợp mình bị bắt, nếu có nhân chứng thì sẽ tốt hơn. "Khi gia đình ra đón ở sân bay, ít nhất má tôi cũng biết được việc tôi biến mất", ông Ẩn nói với tôi...

Phạm Xuân Ẩn trong một bữa tối công vụ tại Việt Tấn xã. Ảnh trong cuốn X6 - Điệp viên hoàn hảo.

Giữa lúc người nhà chạy tới chạy lui, Ẩn nhìn quanh để xem có cảnh sát hay không, nhưng không thấy ai tiến tới bắt ông cả. Bởi không nắm bắt được tình hình nên Ẩn ở nhà suốt một tháng, sợ rằng nếu ra ngoài một mình, ông có thể bị bắt... Ông gửi một lời nhắn tới bác sĩ Trần Kim Tuyến, người đã giúp ông làm thủ tục thị thực hai năm về trước và là đồng minh thân cận của Ngô Đình Nhu, em trai ông Diệm: "Yooi vừa kết thúc khóa học ở MỸ trở về và đang cần việc làm. Ông có gì cho tôi làm không?" Theo tính toán của Ẩn, nếu ông là mục tiêu bắt giữ, bác sĩ Tuyến sẽ không bao giờ bố trí việc làm cho ông bởi Tuyến chính là người giữ sổ đen Việt Cộng...

... Trần Kim Tuyến muốn Ẩn làm việc cho Việt Tấn xã để ông ta có thể kiểm soát Nguyễn Thái, nhưng Nguyễn Thái cũng muốn Ẩn làm việc cho mình. "Ông ấy là nhân viên đầu tiên của Việt Tấn xã được đào tạo báo chí tại Mỹ và thông thạo tiếng Anh. Bên cạnh đó, tôi cần một phóng viên có thể phụ trách mảng tin tức văn phòng tổng thống và đây là một nhiệm vụ rất nhạy cảm. Tôi cũng nhận thấy Ẩn rất thạo tin và có quan hệ rộng", ông Thái kể.

 

Một trong rất nhiều thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn. Ảnh trong cuốn X6 - Điệp viên hoàn hảo.

"Dường như ông ta quen tất cả các nhân vật quan trọng tại Nam Việt Nam, nhưng chẳng bao giờ khoe khoang về điều đó. Khiếu hài hước và đầu óc dí dỏm khiến cho ông ta rất dễ mến. Ẩn là bồ ruột của cánh nhà báo quốc tế tại Sài Gòn, những người cũng đánh giá rất cao ông ta và luôn sẵn sàng coi Ẩn là một người Nam Việt Nam vĩ đại. Nhưng rồi ông ta không ở lại lâu bởi có những đề nghị hấp dẫn hơn từ các hãng thông tấn và tờ báo nước ngoài. Tất cả họ đều đánh giá cao kiến thức bách khoa của ông ta về chính trị Việt Nam và các mối quan hệ rộng rãi trong nước"...

... Như vậy, trong vòng một năm sau khi từ Mỹ trở về, Ẩn đã kết thân với bác sĩ Trần Kim Tuyến, làm nhân viên trong khu vực văn phòng tổng thống, trở thành bạn của Nguyễn Thái tại Việt Tấn xã, rồi chuyển tới làm việc cho Reuters.

Thu Nhàn (vợ của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn) ngồi giữa các phóng viên Reuters là Nick Turner và Peter Smark. Ảnh trong cuốn X6 - Điệp viên hoàn hảo.

Nick Turner, phóng viên người New Zealand đã thay thế Smark làm trưởng văn phòng Reuters vào tháng 5 năm 1962, về sau đã viết: "Một trong những lợi thế nữa mà tôi có được đó là người trợ lý Việt của tôi, ông Phạm Xuân Ẩn. Tất cả chúng tôi đều phải dựa dẫm rất nhiều vào các trợ lý người Việt, họ làm biên dịch, thông dịch về tình hình chính trị Việt Nam cũng như những diễn tiến của cuộc chiến quân sự. Người trợ lý của tôi được đánh giá là xuất sắc nhất Sài Gòn, rất thạo tin và sắc sảo. Ông ta là sĩ quan tình báo của tôi. Sau này thì người ta mới biết được ông ta cũng là sĩ quan tình báo của Việt Cộng, với cấp hàm đại tá. Làm việc cho Reuters tạo cho ông ta một vỏ bọc hoàn hảo để lại lấy thông tin".

Trên thực tế, nhiệm vụ của ông với tư cách là một điệp viên chiến lược khi ấy mới sắp sửa bắt đầu. Ông sẽ sử dụng tất cả những mối quan hệ với các nhân vật chống Cộng nổi trội cũng như tất cả các kỹ năng xã hội từng học được tại trường Orange Coast để có thể tiếp cận được các tài liệu, các buổi thông báo tin tức qua đó nắm được chìa khóa để đối phó với chiến thuật mới của Mỹ tại Việt Nam.

Trích X6 - Điệp viên hoàn hảo (Đỗ Hùng dịch)

Bạn có thể quan tâm