Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

X 6 - Điệp viên hoàn hảo: CIA chiêu mộ

Không lâu sau khi gia nhập vào quân đội Việt Nam Cộng hòa, Phạm Xuân Ẩn được người của CIA chiêu mộ, bắt đầu bằng việc cho ông qua Mỹ học báo chí.

Những mối quan hệ sơ khởi này về sau đã trở nên cực kỳ giá trị. Một trong những chiến thuật được xây dựng rất thận trọng của Ẩn đó là không bao giờ chơi thân với những người mà ông biết hoặc cho là cảm tình viên của Cộng sản; thay vào đó, ông tìm kiếm và kết bạn với những nhân vật được coi là chống Cộng hăng hái và nổi tiếng nhất nhằm bảo vệ vỏ bọc của ông cũng như hiểu sâu hơn về tư duy của người Mỹ. Ông bắt đầu với Đại tá Edward Lansdale, người đến Sài Gòn vào năm 1954, trong khoảng thời gian giữa trận chiến Điện Biên Phủ và việc ký kết hiệp định Geneva, chia đôi Bắc và Nam Việt Nam theo đường giới tuyến tạm thời tại vĩ tuyến 17...

Phạm Xuân Ẩn (bên trái) ăn tối cùng bạn bè và đồng nghiệp. Hình ảnh đăng tải trong cuốn X6 - Điệp viên hoàn hảo.

... Lansdale là giám đốc của Phái bộ Quân sự ở Sài Gòn (SMM), một đơn vị của CIA nhưng gần như tách hẳn khỏi cơ quan thường trực. Việt Nam lúc bấy giờ có hai nhóm CIA hoạt động, một trực thuộc trưởng chi nhánh Sài Gòn, phụ trách các hoạt động tình báo thông thường và hoạt động dưới vỏ bọc là các nhà ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Mỹ; nhóm kia là Phái bộ Quân sự của Lansdale, chuyên trách các hoạt động bán vũ trang và làm việc dưới vỏ bọc là các nhiệm vụ của MAAG tại Đông Dương. Đã trở thành nhân vật huyền thoại với vai trò to lớn trong chiến dịch dẹp quân nổi dậy Cộng sản Huk tại Philippines và góp phần tạo dựng nên anh hùng dân tộc Ramon Magsaysay, Lansdale được Ngoại trưởng John Foster Dulles chỉ thị “cứ làm như anh đã từng làm ở Philippines”, “Chúa phù hộ anh”, Giám đốc CIA Allen Dulles, và là em trai của ngài ngoại trưởng, nói thêm.

Hoạt động dưới vỏ bọc là trợ lý tùy viên không quân, Lansdale tìm cách thiết lập một chính quyền không Cộng sản ở miền Nam.

Chính ngay tại tổng hành dinh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, điệp viên CIA Rufus Phillips đã lần đầu tiên gặp Ẩn, lúc bấy giờ đang làm trợ lý cho người anh họ, Đại úy Phạm Xuân Giai, giúp dịch thuật và thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong vai trò thư ký tổng hợp tại Phòng quân huấn phụ trách tâm lý chiến.

Phillips đến Sài Gòn vào ngày 8 tháng 8 năm 1954, ngay trước khi Hiệp định Geneva có hiệu lực. Với những công lao đóng góp cho Phái bộ Quân sự ở Sài Gòn, Phillips sau này đã được tặng thưởng Huân chương Công trạng của CIA. Còn Giai từng kinh qua trường đào tạo tâm lý chiến của Pháp và sau đó đi Mỹ tu nghiệp tại trường chiến tranh tâm lý ở căn cứ Fort Bragg, North Carolina.

Edward Lansdale và bằng lái quân xa được cấp cho Phạm Xuân Ẩnvào năm 1956, khi ông làm việc cho Phòng quân huấn của Việt Nam Cộng hòa. Hình ảnh đăng tải trong cuốn sách.

Ông này từng là trưởng Phòng 5 (G-5), là phòng trực thuộc Bộ tổng tham mưu, phụ trách về thông tin lực lượng, huấn luyện, tuyên truyền và tâm lý chiến – vốn là một chương trình tuyên truyền tổng hợp với mục tiêu là dân vận và tâm lý chiến nhằm vào Việt Minh. “Chính nhờ làm việc cho Giai mà Phạm Xuân Ẩn đã được giới thiệu cho Lansdale trước rồi sau đó đến tôi”, Phillips nhớ lại.

Phillips, Conein, và những người khác trong nhóm của Lansdale nhanh chóng thích Ẩn bởi ông có bản tính khiêm tốn và khiếu hài hước. Bởi vì ông nằm trong số những người Việt nói tiếng Anh giỏi nhất nên rất hữu ích. Những việc Ẩn làm cho Lansdale hoặc Phillips không liên quan gì đến các vấn đề cấp cao hoặc tiếp cận tài liệu bí mật. Ẩn chỉ phát triển thêm mối quan hệ với các nhân viên tình báo nhằm củng cố vỏ bọc, học cách nói chuyện thân thiện và tán gẫu với người Mỹ, tạo cho họ có cảm giác dễ chịu và dần tạo dựng lòng tin để phục vụ cho nhiệm vụ lâu dài.

Ông Ẩn đã kể với tôi câu chuyện về lần đầu gặp Lansdale. Lúc đó Ẩn đang làm việc một mình tại Phòng 5 thì một trợ lý của Lansdale tới và đề nghị cung cấp tên của tất cả nhân viên phòng này. Cuối ngày hôm đó, khi Giai trở về, Ẩn báo cáo với người anh họ việc mình đã cung cấp cho Đại úy Roderick danh sách đầy đủ.

“Ôi, Ẩn, chú ngu quá đi. Chú chả biết quái gì về tình báo cả. Sao lại đưa toàn bộ danh sách cho tay Lansdale?”. Ẩn kết thúc câu chuyện kể bằng lời diễn giải, “Ông thấy đấy, sau vụ đó thì Lansdale kết tôi ngay lập tức vì tôi đã cho ông ta danh sách kia, dù điều đó xuất phát từ sai lầm của tôi. Sau này ông ta hay đùa tôi, "Ẩn, cậu sẽ là một điệp viên kinh khủng đấy’”.

Rufus Phillips và Ẩn đã có một tình bạn kéo dài tới cuối đời Ẩn. “Tôi nghĩ Ẩn là một trong những người sắc sảo và cân bằng nhất trong số những người Việt Nam mà tôi từng biết, là một người quan sát tinh tế đối với cả nhân dân Mỹ lẫn Việt Nam trong suốt cuộc chiến dài lâu ấy,” Phillips chia sẻ với tôi. “Tôi chỉ không nghĩ rằng ông ấy từng được đưa vào bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản. Tôi biết đến ông ta như một người ái quốc, chứ không phải một người Cộng sản, và đó là điều tôi luôn nghĩ về ông ấy”.

Lansdale muốn chiêu mộ Ẩn để phục vụ cho cuộc chiến chống Cộng của mình, nên đưa ra đề nghị tài trợ cho ông đi học tại Trường Hạ sĩ quan Tình báo và Tâm lý chiến. Điều này có thể giúp Ẩn thăng tiến nhanh sau khi trở lại Việt Nam. Ẩn đem lời đề nghị của Lansdale đến xin ý kiến những thượng cấp thực sự tại Củ Chi, và người chỉ huy trực tiếp, ông Mười Hương, nói rằng ông nên tránh vụ này vì quá rủi ro.

Lúc bấy giờ Cộng sản đã cài được người vào hàng ngũ lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hòa và có người về sau được phong hàm đại tá, nhưng không ai được chuẩn bị để thực hiện một sứ mệnh kiểu như của Ẩn. Bằng việc học nghề báo, Ẩn có thể vào đại học ở Mỹ. Nếu ông nhập ngũ thì cơ hội nói trên sẽ không còn.

“Phạm Xuân Ẩn là điệp viên duy nhất được chúng tôi đưa tới Mỹ”, ông Mai Chí Thọ, khi đó là Trưởng ban địch tình Xứ ủy Nam Bộ, nói. Ông Thọ và những người khác đã làm mọi cách để đảm bảo rằng Ẩn được huấn luyện đúng cách và được bảo vệ an toàn cho sứ mệnh của ông.

Khi Ẩn thổ lộ với Lansdale rằng mình muốn đi học báo chí, Lansdale lập tức đề nghị tài trợ cho ông và liên hệ với Quỹ Á Châu.

Trích X6 - Điệp viên hoàn hảo (Đỗ Hùng dịch)

Bạn có thể quan tâm