Sau nhiều tháng tranh luận, vào ngày 9/6, các thành viên của WTO đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới thỏa thuận miễn trừ bằng sáng chế hoặc các thỏa thuận cấp phép bắt buộc trong việc sản xuất vaccine Covid-19, theo AFP.
Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters. |
WTO đã phải vật lộn để đạt được bước tiến này. Quy trình thông qua một quyết định vốn yêu cầu sự đồng thuận của toàn bộ 164 quốc gia thành viên.
Theo một quan chức WTO tại Geneva, trong một cuộc họp ngày 9/6, toàn bộ quốc gia thành viên cuối cùng đã “đồng ý về tính cấp bách của cuộc thảo luận” và ủng hộ việc khởi động một quá trình hướng tới việc soạn thảo một thỏa thuận.
Mặc dù vậy, quan điểm về vấn đề này giữa các quốc gia vẫn cách xa nhau. Báo cáo ban đầu về tiến trình cuộc thảo luận dự kiến được công bố vào ngày 21 hoặc 22/7.
Kể từ tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã dẫn đầu một nhóm 60 quốc gia nhằm kêu gọi WTO loại bỏ tạm thời các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ. Các quốc gia ủng hộ cho rằng hành động này sẽ thúc đẩy việc sản xuất vaccine và các công cụ y tế quan trọng để chống lại Covid-19.
Điều này cũng có thể giúp giải quyết sự bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc tiếp cận với vaccine.
Trước kia, các nhà sản xuất dược phẩm và một số quốc gia phát triển phản đối quyết liệt hành động này. Họ khẳng định bằng sáng chế không phải rào cản chính đối với việc mở rộng quy mô sản xuất vaccine. Điều này có thể cản trở sự đổi mới và phát triển lâu dài.
Tình hình thay đổi khi Washington công khai ủng hộ việc miễn trừ bằng sáng chế vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Nhiều quốc gia khác cũng đồng loạt cởi mở hơn về vấn đề này.
Trong cuộc tranh luận hôm 9/6 tại trụ sở WTO, Đại biện Mỹ David Bisbee nhấn mạnh niềm tin mạnh mẽ của Washington vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: “Chúng ta phải làm những gì cần thiết để đẩy nhanh sản xuất và phân phối vaccine một cách công bằng. WTO phải cho thấy rằng tổ chức này có thể giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn cầu và hành động hiệu quả để cải thiện cuộc sống người dân”.
“Chúng ta phải cùng nhau tìm ra giải pháp nhanh chóng, đặc biệt là khi đại dịch tiếp tục lây lan với sự xuất hiện liên tục các biến thể mới”, ông Bisbee nói thêm.
Trước đó, vào ngày 4/6, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một đề xuất đối ứng với WTO, kêu gọi xây dựng một thỏa thuận đa phương nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine Covid-19. Cơ quan này cho rằng thay vì đình chỉ bằng sáng chế, WTO cần kêu gọi các quốc gia loại bỏ các hạn chế xuất khẩu và thông qua các thỏa thuận cấp phép bắt buộc.
Lời đề nghị của Ủy ban châu Âu cùng với đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán.