Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từng mặc quần áo tập gym đi ngủ, để có thể sẵn sàng tỉnh dậy và tham gia cuộc họp tối mật đối phó với tình huống Triều Tiên bắn tên lửa.
Ông Mattis còn phải lắp đèn báo động trong phòng tắm để biết ngay lập tức kể cả khi đang tắm. Chuông báo động cũng được lắp trong phòng ngủ và bếp. Những tình huống báo động đã xảy ra vài lần trong mùa hè năm 2017, theo cuốn sách mới của nhà báo huyền thoại Bob Woodward ở báo Washington Post.
Tổng thống Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ở Nhà Trắng vào tháng 10/2018. Ảnh: Washington Post. |
Tiến sát xung đột
Cuốn sách Rage (tạm dịch: Giận dữ) cho tới nay được chú ý nhiều ở việc Tổng thống Trump thừa nhận cố tình coi nhẹ mức độ nguy hiểm của virus corona, dù đã biết nguy cơ từ tháng 1. Nhưng tiết lộ ghê rợn nhất trong sách, lưu hành từ ngày 15/9, có lẽ là việc Mỹ và Triều Tiên đã tiến sát chiến tranh hạt nhân đến thế nào vào mùa hè 2017.
Đó là giai đoạn mà hai ông Kim Jong Un và Donald Trump liên tiếp xúc phạm nhau. Ông Kim gọi Tổng thống Trump là “lão già lẩm cẩm”, còn ông Trump gọi ông Kim là “gã tên lửa bé nhỏ”, đe dọa bao phủ “lửa và cuồng nộ” lên Triều Tiên. Nhưng không chỉ “khẩu chiến”, hai bên cũng có hàng loạt động thái leo thang căng thẳng, như phóng tên lửa hay tập trận.
Trong cuốn sách, Tổng thống Trump nói với nhà báo Woodward rằng chiến tranh với Bình Nhưỡng “tới sát hơn người ta tưởng”. Ông Trump cho rằng các cuộc gặp với ông Kim ở Singapore, Hà Nội, và tại Khu Phi quân sự (DMZ) trên bán đảo Triều Tiên đã giúp tránh được chiến tranh.
Ông Trump vẫn thường nhắc Triều Tiên là một trong những thành tựu của mình, khi không để xảy ra chiến tranh.
Tổng thống Trump bắt tay ông Kim tháng 6/2019 ở làng biên giới Bàn Môn Điếm, trong Khu Phi quân sự (DMZ). Ảnh: AP. |
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nghĩ ông Trump sẽ không ra lệnh tấn công phủ đầu Triều Tiên, nhưng ông Woodward cho biết các kế hoạch tấn công được chuẩn bị từ lâu đã được sửa soạn và sẵn sàng triển khai.
“Bộ Tư lệnh Chiến lược ở Omaha đã xem xét, nghiên cứu cẩn thận kế hoạch OPLAN 5027 để thay đổi chính thể ở Triều Tiên - phản ứng của Mỹ có thể bao gồm 80 vũ khí hạt nhân”, nhà báo Woodward viết trong sách. “Kế hoạch làm tê liệt giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, OPLAN 5015, cũng được cập nhật”.
Ông Trump đã giao cho tướng Mattis quyền bắn rơi mọi tên lửa được bắn sang Mỹ, Hàn Quốc, hoặc Nhật Bản. Nhưng nếu Mỹ bắn rơi một tên lửa, ông Mattis sợ rằng Triều Tiên sẽ bắn thêm tên lửa có thể vươn tới Mỹ, khiến vòng xoáy vượt tầm kiểm soát.
Một phòng liên lạc được lập ra tại nơi ở của ông Mattis ở khu Potomac Hill, Washington, D.C. Các cố vấn lập ra những không gian bảo mật ở mọi nơi mà ông công tác, dù là trong nước hay quốc tế. Một chiếc SUV với các thiết bị liên lạc luôn đi theo đoàn xe của ông. Bất cứ lúc nào, ông Mattis cũng có thể xem bản đồ và biết tên lửa mà Triều Tiên bắn lên sẽ bay theo quỹ đạo nào.
“Chúng tôi đều biết hai bên đang trên đường tới gần sát xung đột”, Dan Coats, người quản lý 17 cơ quan tình báo của Mỹ, cho biết.
Cuộc duyệt binh kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo Kim Nhật Thành của Triều Tiên tháng 4/2017. Ảnh: Reuters. |
“Run rẩy” khi theo dõi tên lửa Triều Tiên
Vào 5h57 ngày 29/8/2017, thông tin tình báo cho thấy Triều Tiên chuẩn bị phóng thêm một tên lửa. Ông Mattis đăng nhập vào kênh họp khẩn cấp từ nhà. Quân đội đã “sẵn sàng khai hỏa”, ông Mattis được báo cáo. Ông dõi theo biểu tượng trên bản đồ, khi mà tên lửa Triều Tiên bay qua bầu trời Nhật Bản và rơi xuống biển.
“Ông Mattis nhớ rõ một cố vấn đang run rẩy vì thiếu ngủ”, nhà báo Woodward viết trong sách. “Phải trực chiến liên tục, vừa bất an vừa khổ cực. Không có ngày nghỉ hay cuối tuần”.
Có vài lần ông Mattis đến Nhà thờ Chính tòa ở Washington sau ngày làm việc ở Lầu Năm Góc, để cầu nguyện cho sự thông thái. Ông ngày càng lo về một cuộc chiến hạt nhân với Triều Tiên, có thể khiến hàng triệu người thiệt mạng. Ông thường tới khu tưởng niệm chiến tranh ở đằng sau nhà thờ, và yêu cầu các cận vệ để ông một mình.
Những chuyến cầu nguyện này không giúp ông hoàn toàn an lòng. Khả năng phải ra lệnh dùng vũ khí hạt nhân đè nặng lên tâm trí ông Mattis mỗi ngày. Vị tướng bốn sao dằn vặt khía cạnh đạo đức của chiến tranh hạt nhân, với hàng triệu người tử nạn, sau cả sự nghiệp làm lính thủy đánh bộ đã thấy quá nhiều đồng đội ra đi. Với ông, đó không hề là tình huống giả tưởng.
“Nếu có tình huống xung đột quân sự đòi hỏi phải ra quyết định, ông ta không muốn tự đấu tranh tâm lý như Hamlet, tay nọ siết tay kia, u sầu, thiếu quyết đoán”, nhà báo Woodward viết. “Ông ta không muốn đến lúc đó thấy mình trống rỗng và nói ‘Chúa ơi, tôi chưa sẵn sàng’. Mà ông muốn tìm được sự thanh thản trước khi tình huống đó đến”.
Liên quân Mỹ - Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật vào tháng 4/2017. Giới phân tích cho rằng phải mất 3-4 ngày liên quân Mỹ - Hàn mới có thể áp đảo hỏa lực của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Trong cuốn Rage, nhà báo Woodward kể lại chặng đường của nước Mỹ từ “kiên nhẫn chiến lược” của thời Obama đến “áp lực tối đa” của thời Trump năm 2017, chuyển sang hòa hoãn với các hội nghị thượng đỉnh năm 2018-2019, để rồi ông Kim khởi động lại chương trình hạt nhân năm 2020.
Tổng thống Trump nói với nhà báo Woodward rằng ông Kim “còn hơn cả thông minh” khi gặp ở Singapore. Thậm chí, tổng thống Mỹ ví chuyện thỏa thuận với ông Kim như tán tỉnh một phụ nữ. “Bạn gặp cô gái, chỉ trong một giây, bạn biết là có được hay không”, ông Trump nói. “Không cần 10 phút, không cần 6 tuần. Ok, bạn biết không, chỉ mất dưới một giây”.
Tổng thống Mỹ cũng nói ông Kim “nói với tôi mọi thứ”, bao gồm miêu tả ông Kim đã xử tử người chú của mình như thế nào.
Quan hệ Mỹ - Triều đã xấu đi trong năm qua. Nhiều nhà phân tích lập luận rằng Mỹ không an toàn như thời điểm ông Trump lên nắm quyền. Truyền thông nhà nước mùa xuân vừa qua tuyên bố Bình Nhưỡng đang “theo đuổi chính sách mới để tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của đất nước”. Vài tuần sau, Triều Tiên cho nổ phòng liên lạc mà nước này dùng chung với Hàn Quốc ở Khu Phi quân sự (DMZ).
Chính sách đối ngoại nói chung và vấn đề chống phổ biến hạt nhân nói riêng không trở thành ưu tiên trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Thay vào đó, nước Mỹ phải đau đầu vì hàng loạt khủng hoảng chồng chất như dịch bệnh, suy thoái kinh tế, mâu thuẫn sắc tộc và thiên tai, bao gồm cháy rừng và bão, mà giới chuyên gia cho là ngày càng tệ đi do biến đổi khí hậu.
Ông Mattis từ chức tháng 12/2018, sau khi ông Trump đột ngột công bố kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria.
“Khi tôi bị chỉ đạo phải làm những điều mà tôi nghĩ còn vượt cả sự ngu ngốc, sang thành ‘ngu ngốc mang tội’, đe dọa vị trí chiến lược của chúng ta trên thế giới và mọi thứ khác - đó là lúc tôi phải từ chức”, ông Mattis cho biết, theo sách của Bob Woodward.