Ban đầu, sự xuất hiện của Windows 11 không có gì quá đặc biệt. Đa số mọi người vẫn nghĩ nó là bản nâng cấp lớn từ Windows 10. Để phù hợp với xu thế, giao diện Windows 11 được điều chỉnh theo hướng tinh giản, nhẹ nhàng, tương tự trên các smartphone chạy Android hoặc iOS.
Windows 11 sẽ khơi mào cuộc chiến của Microsoft và Apple trong tương lai. Ảnh: Macrumors. |
Microsoft cũng thêm vào một số điểm mới như tích hợp ứng dụng trò chuyện video, cải thiện khả năng chơi game, thiết kế lại khung viền, cách sắp xếp cửa sổ ứng dụng…
Tuy nhiên, đằng sau đó là một hướng đi mới. Microsoft mong muốn Windows hoạt động với nhiều ứng dụng khác nhau, kể cả app dành cho smartphone.
Xây dựng "nền tảng của nền tảng"
“Ngày nay, thế giới cần một hệ điều hành cởi mở hơn, cho phép các ứng dụng trở thành nền tảng theo đúng nghĩa của chúng. Windows là nền tảng để thứ lớn hơn Windows sinh ra", CEO Satya Nadella phát biểu sau khi công bố Windows 11 vào ngày 24/6.
Ông mong muốn Google mang kho ứng dụng khổng lồ của họ lên Windows, đồng thời cam kết cho phép các nhà phát triển bán phần mềm trên Microsoft Store miễn phí hoặc trả hoa hồng rất thấp. Chính sách này khác biệt rõ rệt với mức “ăn chia” tối thiểu 15% của Apple và Google.
Hơn nữa, đáp lại việc Apple cho phép chia sẻ FaceTime ra ngoài thông qua liên kết trên nền web, CEO Microsoft thiện chí chào mời Táo khuyết mang ứng dụng và các công nghệ độc quyền lên Windows 11.
Windows 11 sẽ trở thành nền tảng cho các ứng dụng, kể cả app di động. Ảnh: Microsoft. |
“Chúng tôi muốn xóa bỏ những rào cản đang tồn tại hiện nay, mang đến khả năng lựa chọn tự do và kết nối thực chất", Satya Nadella cho biết. “Hệ điều hành và thiết bị phải đáp ứng nhu cầu của người dùng, chứ không phải ngược lại".
Dự kiến Windows 11 sẽ chính thức có mặt trên thị trường vào tháng 10 tới, khá gần thời điểm Apple bán ra dòng iPhone mới cũng như phát hành iOS 15, một nền tảng bị xem là “khu vườn có tường bao quanh”.
Thế giới công nghệ sẽ chứng kiến 2 hình ảnh đối lập, một bên là Microsoft với Windows 11 sẵn sàng mở cửa chào đón mọi nhà phát triển, kể cả cho phép họ tự xây dựng phương thức thanh toán độc lập, bên kia là Apple với iOS 15 có chính sách kiểm soát chặt chẽ, độc đoán.
“Gió đổi chiều”
Hai thập kỷ trước, Microsoft nỗ lực đè bẹp các đối thủ thông qua vị thế thống trị của Windows. Với chiến thuật cạnh tranh quyết liệt và thực dụng, Microsoft bị đánh giá đề cao lợi nhuận, không lắng nghe phản hồi của người dùng.
Tòa án Liên bang Mỹ kết luận Microsoft lạm dụng vị thế độc quyền, trong khi các đối thủ thi nhau chỉ trích. Google - công cụ tìm kiếm non trẻ vào đầu những năm 2000 - đưa ra khẩu hiệu “Don't be Evil” (Đừng trở nên xấu xa) như một triết lý đối lập; trong chiến dịch quảng cáo máy tính Mac, Apple dè bĩu PC chạy Windows là “kẻ ngốc nghếch và kêu ngạo”.
Giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Sau khi lên nắm giữ vị trí CEO, Satya Nadella chèo lái Microsoft theo chiều hướng thân thiện hơn, hạn chế cạnh tranh gay gắt, tạo dựng bầu không khí hợp tác từ trong nội bộ đến hoạt động kinh doanh bên ngoài.
Ở chiều ngược lại, từ 2015, Google đổi sang slogan “Do the Right Thing” (Làm điều đúng đắn) sau khi chuyển đổi cơ cấu và lập ra tập đoàn mẹ Alphabet.
Apple xây dựng hệ sinh thái khép kín đối với iPhone và App Store. Cả hai đối diện với hàng loạt bê bối về độc quyền, những vụ kiện tụng, điều tra, xử phạt khắp nơi trên thế giới.
Với sự xuất hiện của Windows 11, Microsoft tạo nên hình ảnh tương phản rõ rệt. Đặc biệt trong bối cảnh những nhà phát triển nổi tiếng như Epic Games, Spotify đang vạch trần phương thức cạnh tranh thiếu công bằng của Apple trước tòa án và dư luận.
Chương mới của cuộc chiến Microsoft - Apple
"Đây là phiên bản khởi đầu kỷ nguyên mới của Windows", Satya Nadella tuyên bố trong buổi giới thiệu Windows 11.
Cuộc chiến Microsoft - Apple bước sang chương mới. Ảnh: Getty Images. |
Từ lâu, CEO Microsoft đã cam kết xây dựng nền tảng cởi mở hơn, dễ tiếp cận hơn. Trên thực tế Windows vẫn là hệ điều hành thống trị trên hàng trăm triệu máy tính cá nhân cho dù Windows 11 có xuất hiện hay không.
Trở ngại lớn nhất của hãng là thiếu hệ điều hành di động, trong khi ranh giới giữa các dòng thiết bị đang mờ dần. Ở đó, họ chạm mặt Apple, đối thủ đang thống trị thị trường di động và tham vọng tiếp tục mở rộng sức ảnh hưởng.
Cách đây chưa lâu, gã khổng lồ xứ Cupertino trình làng dòng vi xử lý M1 dành cho máy tính với nhiều ưu điểm vượt trội so với chip Intel. Quan trọng nhất, nó đặc biệt tương thích với hệ điều hành Mac OS, một phần trong hệ sinh thái khổng lồ của Apple.
"Bạn không thể coi thường Apple", một nhà phân tích tại Lopez Research cho biết. Ông lưu ý rằng có một "cuộc chiến" đang diễn ra cho tương lai của công nghệ.
Tuy nhiên, hai gã khổng lồ đang có cách tiếp cận hoàn toàn đối lập. Nadella muốn Microsoft "trao quyền cho mọi người và mọi tổ chức trên hành tinh để đạt được nhiều thành tựu hơn". Tập đoàn này sẽ tạo ra những nền tảng hỗ trợ sản phẩm của doanh nghiệp khác.
Microsoft giữ cho bộ công cụ Office, phần mềm trò chuyện Teams và các chương trình khác chạy tốt trên iPhone, iPad và Mac nhằm tiếp cận ngày càng nhiều người dùng hơn. Ngược lại, Apple hầu như không cập nhật iTunes trên Windows, và giữ độc quyền FaceTime trong hệ sinh thái khép kín.