Chỉ vài phút sau khi sự kiện Windows 11 bắt đầu, đoạn thuyết trình của Giám đốc Sản phẩm Microsoft, Panos Panay bị gián đoạn với những vòng tròn xoay đều ở giữa màn hình.
Đây không phải là một lỗi xảy ra ở phía người thuyết trình. Đoạn video đã được ghi hình từ trước, và giờ được phát lại như một bộ phim. Không chỉ trang web của Microsoft, nhiều kênh YouTube khác “tiếp sóng” như trang của Cnet cũng gặp vấn đề. Kết nối đã bị đứt từ nguồn phát của Microsoft.
Video giới thiệu Windows 11 gặp lỗi truyền tải khi mới bắt đầu vài phút. |
“Sự kiện Microsoft trọn vẹn thì không thể nào thiếu màn hình ‘đang tải’ được rồi”, người dùng Jamie T. bình luận. Rất nhiều người dùng khác trên Twitter đang theo dõi sự kiện ra mắt Windows 11 cũng bất ngờ vì video đã bị khựng ngay từ lúc bắt đầu.
Sự kiện của Microsoft quá sơ sài
Sự cố mở màn không phải vấn đề duy nhất của sự kiện giới thiệu Windows 11. Trên Twitter, nhiều người dùng quốc tế chê sự kiện này ngắn và nhạt nhẽo.
Toàn bộ sự kiện của Microsoft được gói gọn trong vòng 45 phút, trong đó đại diện hãng giới thiệu những tính năng mới của Windows 11. Đây là phiên bản Windows đầu tiên ra mắt trong vòng 6 năm qua, với nhiều thay đổi cho thấy tư duy cởi mở hơn của Microsoft.
Đáng tiếc là sự kiện của Microsoft không được tương xứng với những gì người dùng chờ đợi. Ngoài thời lượng khá ngắn, những đoạn nói chuyện của đại diện Microsoft hay giới thiệu tính năng của Windows 11 cũng không thuyết phục.
“Tất cả những chi tiết này, từ khung chuyển cảnh, giao diện người dùng, tới cách mà toàn bộ được kết hợp lại, nhằm đem đến cho bạn một cảm giác rất thư thái”, Giám đốc Sản phẩm, Panos Panay nói về giao diện mới của Windows 11.
Những đại diện của Microsoft tại sự kiện Windows 11 đều giới thiệu sản phẩm mà không có chút biểu cảm hào hứng nào. |
Có lẽ “thư thái” cũng là cách mà ông Panay cùng toàn bộ diễn giả xuất hiện trong buổi ra mắt Windows 11, bao gồm cả CEO kiêm Chủ tịch Microsoft, Satya Nadella lựa chọn để nói về hệ điều hành mới. Những lãnh đạo của Microsoft sử dụng tông giọng đều đều, biểu cảm không mấy hào hứng để nói về sản phẩm mới nhất của mình.
Phần xuất hiện của Satya Nadella trong video của Microsoft khác hoàn toàn phần trả lời của ông với Wall Street Journal, được đăng tải sau sự kiện. Trong bài phỏng vấn, CEO Microsoft cho thấy sự hào hứng về Windows 11 nhiều hơn.
Những phần giới thiệu tính năng của Windows 11 cũng không khá hơn. Trong các tính năng mới, đại diện của Microsoft chỉ trực tiếp thử nghiệm khả năng sắp xếp giao diện cùng với bàn phím dành cho chế độ máy tính bảng. Có lẽ một phần do tính năng của Windows rất khó trình diễn trực tiếp. Vì vậy, khi được giới thiệu, chúng không tạo được hiệu ứng “wow” như các sản phẩm công nghệ khác.
Trong video giới thiệu, Microsoft cũng “quên” không cho thông tin về ngày ra mắt, mức giá khi cập nhật Windows 11. Người dùng phải tự tìm hiểu thông tin này qua website của hãng hoặc các trang tin.
Microsoft thiếu động lực để làm một sự kiện tử tế?
Tất cả sự kiện đều tiềm ẩn những rủi ro, sự cố khó lường trước. Kể cả khi dịch Covid-19 khiến phần lớn sự kiện công nghệ chuyển sang dạng trực tuyến trong 2 năm qua, nhiều hãng cũng gặp sự cố về mặt kết nối, hình ảnh.
Trong mùa dịch, Apple nổi lên với cách làm sự kiện rất khác biệt. Dù chỉ là một đoạn phim đã quay sẵn, nhưng Apple tỏ ra rất biết cách làm phim với nhiều bối cảnh, kịch bản và hàng loạt cảnh quay hấp dẫn để biến video công bố sản phẩm thành một bộ phim hoàn chỉnh và tạo cảm hứng.
Cùng phát lại một đoạn phim, nhưng video của Microsoft dàn dựng phim khá tệ, và khâu truyền tải cũng gặp vấn đề kỹ thuật. Hãng cũng không có ý định phát trực tiếp lên YouTube, vốn là nền tảng có thể chịu được hàng triệu người xem cùng lúc. Thay vào đó, Microsoft chỉ phát sự kiện trực tiếp trên website của mình và Facebook, Twitter.
Windows gần như không có đối thủ. Có lẽ vì thế, hãng không cảm thấy phải làm một sự kiện quá thuyết phục. Ảnh: Microsoft. |
Nhìn cách Microsoft giới thiệu Windows 11, có thể cảm thấy hệ điều hành này không còn quá quan trọng với hãng. Thực tế là hệ điều hành giờ đây đã đóng góp doanh thu ít hơn các mảng khác của Microsoft.
Theo báo cáo tài chính quý I, được Microsoft công bố cuối tháng 4 vừa qua, mảng đóng góp doanh thu nhiều nhất cho Microsoft là điện toán đám mây với giải pháp Azure. Mảng này đem về 17,7 tỷ USD doanh thu cho hãng, trong tổng số 41,7 tỷ USD của cả quý.
Nhóm sản phẩm quan trọng thứ hai của Microsoft là các phần mềm văn phòng và doanh nghiệp như Office 365. Nhóm này mang về 13,6 tỷ USD doanh thu. Nhóm sản phẩm điện toán cá nhân, bao gồm doanh thu bán lẻ và bán dự án Windows đứng thứ ba với 13 tỷ USD doanh thu.
Bên cạnh đó, Windows vẫn đang là hệ điều hành phổ biến nhất hành tinh, với thị phần năm 2020 là 80,5%, theo số liệu của IDC.
Dịch Covid-19 khiến lượng máy tính bán ra tăng mạnh, mang lại nhiều lợi ích cho Microsoft. Theo báo cáo tài chính quý I của hãng, doanh thu OEM (bán cho hãng sản xuất máy tính) lẫn bán lẻ của Windows đều tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Microsoft cho biết, năm 2020, số máy tính dùng Windows đạt 1,3 tỷ chiếc, con số cao nhất từ trước tới nay.
Giao diện tự điều chỉnh khi kết nối màn hình ngoài là một trong số ít tính năng được trình diễn trong sự kiện. |
Có lẽ vì vậy mà Microsoft không cần một màn trình diễn quá thuyết phục để có thể bán được Windows 11. Khác với những mẫu smartphone hay máy chơi game vẫn có sự cạnh tranh nhất định, người dùng máy tính hầu hết đều lựa chọn Windows.
Việc nâng cấp lên phiên bản mới nhất đối với họ cũng gần như là “không phải nghĩ”, bởi Microsoft cho phép máy tính chạy Windows 10 nâng cấp miễn phí. Kể từ Windows 10 ra mắt năm 2015, Microsoft đã nới lỏng chính sách nâng cấp. Hãng cho phép người dùng bản cũ nâng cấp miễn phí lên Windows 10. Vì vậy, có thể Microsoft xem nhẹ việc thông báo giá bán và thời gian phát hành của Windows 11 trong sự kiện.