Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WikiLeaks và Julian Assange: Chuyện dài chưa bao giờ có hồi kết

Sau 7 năm tị nạn ở ĐSQ Ecuador, Assange đã bị nhà chức trách Anh bắt giữ, chấm dứt thời gian lẩn trốn của một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất thế giới đầu thế kỷ 21.

Đoạn video ghi lại cảnh 7 nhân viên an ninh Anh vật lộn lôi nhà sáng lập WikiLeaks khỏi Đại sứ quán Ecuador tại London nhanh chóng lan truyền trên mạng. Julian Assange, với bộ râu rậm rạp màu trắng, mặc dù đã la hét ầm ỹ và chống cự mạnh mẽ nhưng cuối cùng vẫn bị đưa vào chiếc xe tải màu xám của cảnh sát.

"Chúng ta phải chống cự. Các bạn có thể chống cự", Assange khản giọng hét lên. Đó là hình ảnh mà bản thân nhà sáng lập WikiLeaks có lẽ cũng thích thú: một thân, một mình chống lại sức mạnh của chính phủ.

Đó cũng là diễn biến mới nhất, nhưng chắc chắn không phải là cuối cùng trong sự nghiệp khét tiếng của người đàn ông gây nhiều tranh cãi, khi đan xen giữa những thành tựu đáng nể là những chỉ trích và cáo buộc nghiêm trọng. 

Julian Assange: nguoi hung hay ke lam mat on dinh the gioi anh 1
Nhân viên an ninh Anh lôi Julian Assange ra khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London. Ảnh: AP.

Nhân vật gây tranh cãi

Assange từ lâu đã tỏ rõ sở trường làm người của công chúng. Và với sự am hiểu công nghệ cũng như hiểu biết của một công dân toàn cầu, nhà sáng lập WikiLeaks sớm nắm bắt được tầm ảnh hưởng mới mà Internet có thể mang lại cho một cá nhân.

Sự ra đời của WikiLeaks đã làm nên sức mạnh của những người có khả năng tố giác, tiết lộ thông tin mật với quy mô lớn cho số đông, khiến cho chính phủ và tầng lớp quyền lực ở nhiều quốc gia bực bội.

WikiLeaks phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông và những tờ báo hàng đầu thế giới để công bố những thông tin mật về cuộc chiến của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan và Iraq, cũng như 250.000 thư tín tuyệt mật của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy nhiên, phản ứng với những hành động Assange cũng rất khác nhau Bên cạnh hàng chục giải thưởng báo chí, hacker khét tiếng đến từ Australia liên tục có tên trong danh sách đề cử giải Nobel Hòa bình kể từ năm 2010, nhưng ông cũng đối mặt với cáo buộc hiếp dâm tại Thụy Điển, bị chính phủ Anh và Mỹ săn lùng do dám tiết lộ thông tin mật.

Dựa trên các tài liệu mà WikiLeaks công bố, Assange có thể được coi là người hùng của tự do thông tin, hoặc có thể bị coi là tên tội phạm.

Dù luôn tự nhận mình là nhà báo, nhưng Julian Assange đóng vai trò gần với một nhà hoạt động xã hội hơn, vì nhiều lúc ông không thể hiện được vai trò cung cấp thông tin trung lập và công bằng mà một nhà báo cần có.

Suốt 7 năm qua, Assange lánh nạn bên trong Đại sứ quán Ecuador ở London, tránh khỏi tầm với của các công tố viên Mỹ và các nhà điều tra tội phạm tình dục Thụy Điển.

Bên trong căn phòng nhỏ ở góc tòa nhà, ông nuôi một con mèo và tiếp tục điều hành WikiLeaks, tổ chức các buổi họp báo bên ngoài ban công trước hàng trăm người ủng hộ, và thậm chí còn tiếp đón những vị khách nổi tiếng như Lady Gaga hay Pamela Anderson - "người tình tin đồn" ông trùm WikiLeaks.

Vụ bắt giữ hôm 11/4 là kết quả của cuộc chiến pháp lý dai dẳng bắt nguồn từ năm 2010, khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đang điều tra WikiLeaks.

Chính quyền Obama lúc đó đã từ bỏ kế hoạch này sau khi các cố vấn cho rằng truy tố WikiLeaks sẽ tạo thành một tiền lệ nguy hiểm, do việc công bố thông tin mật là chuyện rất bình thường với các cơ quan truyền thông đại chúng.

Julian Assange: nguoi hung hay ke lam mat on dinh the gioi anh 2
Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi WikiLeaks công bố các bức thư điện tử của đảng Dân chủ. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, mọi thứ chuyển hướng vào năm 2016, khi những người Mỹ từng ủng hộ Assange trước đây quay lưng với nhà sáng lập WikiLeaks, vì cho rằng trang web này đã biến thành một công cụ để Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Những email của đảng Dân chủ được WikiLeaks tiết lộ nhanh chóng lan tràn trên mạng xã hội, gây bất lợi cho ứng viên Hillary Clinton.

Điều này khiến cho ông Trump có những phản ứng tích cực, tổng thống Mỹ từng nói "Tôi yêu WikiLeaks" trong một bài phát biểu năm 2016. Nhưng cũng chỉ vài tháng sau khi ông Trump nhậm chức, WikiLeaks công bố một loạt tài liệu mật về các công cụ hack dữ liệu của CIA, khiến cho người đứng đầu CIA lúc đó, ông Mike Pompeo, gọi Assange là "kẻ tự yêu bản thân" và mô tả WikiLeaks là tổ chức tình báo thù địch phi chính phủ.

Phát biểu này của ông Pompeo chính là điềm báo trước của cáo buộc xâm nhập máy tính trái phép mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra chống lại nhà sáng lập WikiLeaks hôm 11/4.

Từ cậu bé vùng ngoại ô...

Sau tuổi thơ không mấy êm đềm vì cha mẹ ly dị, cậu bé Julian đã sống qua hơn 30 thành phố tại Australia trước khi chuyển tới vùng ngoại ô Melbourne. Emerald, thị trấn nhỏ nơi Assange sinh sống hết sức nhàm chán và đó là lý do chàng trai này hứng thú với máy tính.

Vào năm 1991, ở tuổi 20, Assange lần đầu tiên bị truy tố vì xâm nhập trái phép mạng máy tính. Theo New Yorker, thẩm phán kết luận hành vi này chỉ mang tính chứng tỏ bản thân và không gây thiệt hại nào, vì vậy Assange chỉ bị phạt cảnh cáo.

Julian Assange: nguoi hung hay ke lam mat on dinh the gioi anh 3
Julian Assange tại Australia, ảnh chụp năm 1995. Ảnh: Getty.

Trong cuốn sách "Underground" của Suelette Dreyfus, mô tả về cộng đồng tin tặc Australia những năm 1990 mà Assange là một trong những thành viên nổi bật, tác giả cho biết luật bất thành văn của cộng đồng này là: Không gây thiệt hại tới hệ thống máy tính mà bạn xâm nhập, không thay đổi thông tin trong hệ thống đó; và chia sẻ những thông tin này.

Những quy định này đã ảnh hưởng đến Assange khi sáng lập WikiLeaks vào năm 2006, và chỉ 2 năm sau, trang mạng đã công bố hàng triệu tài liệu mật, với nội dung đa dạng, từ bằng chứng về tham nhũng ở Kenya, thông tin về cuộc chiến Iraq và nhà tù Guantanamo, thậm chí là những chủ đề bình dân hơn như kịch bản bộ phim Indiana Jones hay hồ sơ thuế của siêu sao hành động Wesley Snipes.

Người đã đưa Assange và WikiLeaks lên đỉnh cao của sự nổi tiếng chính là Chelsea Manning, chuyên viên phân tích tình báo cấp thấp tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq. Chán nản và hoài nghi về cuộc chiến cũng như chính sách ngoại giao của Mỹ, binh sĩ này bắt đầu sao chép hàng nghìn tài liệu mật vào đĩa CD, được ngụy trang dưới vỏ bọc các bài hát của Lady Gaga.

Sau khi trở về Mỹ, Manning liên lạc với cả New York TimesWashington Post trước khi tìm đến WikiLeaks, và ngay lập tức tổ chức của Assange chớp lấy cơ hội này. Ban đầu, họ đăng tải một video gây sốc ghi lại cảnh 2 máy bay trực thăng quân đội Mỹ nổ súng vào các đối tượng nghi là kẻ thù trên mặt đất. Hai trong số những đối tượng bị giết hóa ra là phóng viên chiến trường của Reuters.

Chính Reuters cũng đã gặp khó khăn khi điều tra nguyên nhân vụ việc trước đó, nhưng lúc bấy giờ thì cả thế giới có thể chứng kiến những gì đã diễn ra.

Các quan chức quân đội chỉ trích WikiLeaks vì đã loại bỏ thông tin về bối cảnh của sự việc, bao gồm sự xuất hiện của các thiết bị phóng tên lửa dưới mặt đất, và một số vũ khí khác mà trực thăng nhắm tới. WikiLeaks đặt tên đoạn băng này là "Collateral Murder" (Vụ giết người ngoài dự kiến).

Julian Assange: nguoi hung hay ke lam mat on dinh the gioi anh 4
Binh sĩ Mỹ trên trực thăng trong cuộc chiến Iraq. Ảnh: New York Times.

Sau sự kiện đó, WikiLeaks hợp tác với tờ The Times của Anh để công bố 77.000 tài liệu từ cuộc chiến Afghanistan và 392.000 tài liệu từ cuộc chiến Iraq. Tất cả được tạm gọi là "Nhật ký Chiến tranh", được WikiLeaks xuất bản với sự phối hợp của Le Monde, GuardianDer Spiegel, những tờ báo hàng đầu châu Âu.

Các nhóm nhân quyền phàn nàn rằng việc WikiLeaks công bố toàn bộ những thông tin này sẽ gây nguy hiểm cho những công dân Afghanistan làm việc với Mỹ, vì vậy trong những tài liệu về cuộc chiến Iraq sau đó, những tên riêng đã bị bôi đen.

Khi các tài liệu ngoại giao được công bố, WikiLeaks phối hợp cùng The Times để che đi những người có khả năng bị ảnh hưởng, nhưng sau một cuộc cãi vã với biên tập viên người Anh, Assange cho xuất bản toàn bộ thông tin mà không qua biên tập.

...đến tầm ảnh hưởng quốc tế

Đến năm 2012, bộ trưởng ngoại giao Ecuador tuyên bố Assange đã yêu cầu tị nạn tại đại sứ quán nước này ở London và được chấp thuận. Từ căn phòng nhỏ bé ở góc tường, nhà sáng lập WikiLeaks vẫn tích cực bày tỏ ý kiến qua Twitter, dẫn một chương trình đối thoại trên kênh RT của Nga, và tiếp tục điều hành công việc của WikiLeaks.

Assange thậm chí còn gửi một trợ lý tới hỗ trợ "người thổi còi" Edward Snowden khi người này bay từ Hong Kong đến Nga.

Dù không phải là nhà tù, nhưng thời gian dài không thể đi ra ngoài có lẽ đã ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của nhà sáng lập WikiLeaks. Vaughan Smith, người ủng hộ lâu năm của Assange cho biết: "Đó là một căn phòng tí hon, với một cái ban công tí hon. Nhỏ, nóng và bí bách, sẽ thật sự khó khăn cho bất cứ ai ở đó".

Một người bạn của Assange chia sẻ với New York Times hôm 11/4, cho rằng cuối cùng thì sự cô đơn đã khiến người đàn ông 47 tuổi bị trầm cảm, đặc biệt là trong những ngày cuối tuần, khi có ít người ở Đại sứ quán và Assange không có ai để trò chuyện và ông cũng không thể ra ngoài.

Assange được cho là rất chán nản và suy nghĩ nhiều về việc chỉ muốn đi ra ngoài một lúc, theo lời người bạn của ông. Sự phiền muộn này cũng ảnh hưởng tới mối quan hệ với chủ nhà, khi các nhân viên ngoại giao Ecuador trở nên mệt mỏi với hành vi của Assange.

Ngay cả những người bạn thân của hacker đầu bạc cũng mô tả ông là người khó tính, tự yêu bản thân và ít quan tâm đến những vấn đề trần tục như vệ sinh cá nhân.

Trong một lá thư gửi tới bộ trưởng ngoại giao nước này năm 2014, đại sứ Ecuador tại Anh lúc đó là ông Juan Falconi Puig đã phàn nàn về thói quen chơi ván trượt trong nhà và đá bóng với những người tới thăm của Assange.

Ông Falconi cho biết Assange đã làm hỏng sàn nhà và các bức tường khi chơi ván trượt, và khi bị một nhân viên an ninh lấy quả bóng đi, nhà sáng lập WikiLeaks đã chửi bới, đòi lại quả bóng và sút vào người nhân viên này.

Julian Assange: nguoi hung hay ke lam mat on dinh the gioi anh 5

Sự hiện diện của Assange ở đại sứ quán, rất lâu sau khi Tổng thống Correa (người chấp nhận đơn tị nạn của Assange) hết nhiệm kỳ, cuối cùng đã khiến chính phủ ở Quito hết kiên nhẫn. Hồi năm ngoái, băng thông Internet của Assange bị thu hẹp, và số người đến thăm cũng được giới hạn.

Và đến ngày 11/4, Tổng thống đương nhiệm Lenin Moreno tuyên bố trên Twitter: "Trong một quyết định độc lập, Ecuador đã rút lại trạng thái tị nạn của Julian Assange, sau khi ông ta vi phạm nhiều lần các công ước quốc tế và cá quy định trong đời sống hàng ngày".

Xuất hiện tại tòa án ở Westminster, người sáng lập WikiLeaks buộc tóc gọn gàng và mặc một bộ vest màu xanh lịch lãm. Ở bên ngoài, hàng chục máy quay hướng vào cổng chính, và một nhóm những người ủng hộ hô vang: "Tự do, tự do, tự do cho Assange".

Từ vị khách được bảo vệ, ông trùm WikiLeaks đã 'thất sủng' thế nào?

Chiến dịch bảo vệ Assange của Ecuador dần biến thành chiến dịch theo dõi ông, khi nhà sáng lập WikiLeaks được cho là đã tạo dựng "lãnh địa" bất khả xâm phạm bên trong sứ quán.

Chiến dịch 36 giờ tống 'người lười tắm' từ WikiLeaks khỏi ĐSQ Ecuador

Chi 7 triệu USD trong 7 năm để phục vụ Julian Assange, nhưng Ecuador chỉ mất 36 tiếng đồng hồ để từ bỏ tất cả và trục xuất nhà sáng lập WikiLeaks khỏi đại sứ quán của họ ở London.



Sơn Trần

(Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm