Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WHO Việt Nam khuyến cáo về triệu chứng đậu mùa khỉ

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết hiện không khuyến cáo tiêm chủng đại trà ngừa đậu mùa khỉ. Nếu có, vaccine nên dành cho người tiếp xúc gần hoặc người có rủi ro nhiễm cao.

“Hiện đã có một số loại vaccine đậu mùa khỉ nhưng hầu hết loại vaccine này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm”, BS Socorro Escalante, Quyền trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nói trong buổi thông tin báo chí chiều 26/7 tại Hà Nội.

Bà Escalante còn cho biết khi có vaccine, WHO khuyến cáo tiêm chủng cho người đã tiếp xúc gần với người mắc đậu mùa khỉ, hoặc tiêm dự phòng trước phơi nhiễm cho những người có rủi ro cao, như nhân viên y tế và người làm việc phòng thí nghiệm.

Vị quan chức đưa ra khuyến cáo trên 3 ngày sau khi tổng giám đốc WHO tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

dau mua khi o Viet Nam anh 1

Một người đàn ông được tiêm vaccine ngừa đậu mùa khỉ ở Montreal, Canada hôm 23/7. Ảnh: AP.

Khuyến cáo của WHO cho Việt Nam

Trong buổi trao đổi chiều 26/7, BS Escalante cũng khẳng định người đã mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc tiếp xúc gần với người mắc không nên du lịch quốc tế. Nhưng “WHO khuyến cáo không áp dụng thêm các giới hạn đi lại quốc tế nói chung hoặc nhằm vào bất cứ nhóm nào”, theo vị quan chức.

WHO đã phân ra 3 kịch bản ứng phó tùy thuộc vào tình hình mỗi nước và tình trạng. Theo phân loại đó, Việt Nam thuộc nhóm nước chưa từng ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc chưa ghi nhận ca bệnh trong 21 ngày qua.

Với những nước ấy, “WHO khuyến cáo cần kích hoạt và thiết lập ra cơ chế phối hợp liên ngành cùng với ngành y tế để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh trên người”, bà Escalante nói.

“Hoạt động của Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp của Bộ Y tế cần phải có sự chủ động để kích hoạt và trong trường hợp cần thì cần có sự tham gia của liên ngành để triển khai”, vị quan chức nói.

dau mua khi o Viet Nam anh 2

Tại thời điểm hôm 23/7, thế giới đã ghi nhận 16.000 ca đậu mùa khỉ ở 75 quốc gia, 5 ca trong số này đã tử vong. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, WHO cũng khuyến cáo Việt Nam tăng cường hệ thống giám sát, chẩn đoán xét nghiệm, tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ lây bệnh.

“Chúng tôi cũng đang tổ chức hoạt động hỗ trợ các sinh phẩm xét nghiệm để cung cấp cho cơ sở xét nghiệm y tế công cộng và hệ thống bệnh viện trên toàn quốc”, bà Escalante nói về những hỗ trợ của WHO dành cho Việt Nam.

Biểu hiện lâm sàng không điển hình, khó chẩn đoán

Trao đổi với báo chí chiều 26/7, bà Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ học WHO, cho biết giai đoạn ủ bệnh đậu mùa khỉ là 6-13 ngày sau phơi nhiễm, nhưng cũng có thể là 5-21 ngày.

Giai đoạn đầu tiên, người bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau lưng, đau cơ, cơ thể mệt mỏi, đặc biệt là sưng hạch. Giai đoạn thứ hai kéo dài 1-3 ngày sau khi sốt suy giảm, lúc này xuất hiện các nốt phát ban.

Các nốt phát ban này ban đầu là các nốt dẹp và đau, sau đó nổi mọng nước, mưng mủ rồi chảy vỡ. Các nốt này sau đó đóng vảy, bong vảy rồi lên da non.

dau mua khi o Viet Nam anh 3

WHO Việt Nam không khuyến cáo tiêm chủng đại trà đậu mùa khỉ. Ảnh: WHO.

Đó là những dấu hiệu điển hình của bệnh đậu mùa khỉ, theo bà Hiên. Nhưng đáng chú ý là nhiều bệnh nhân đậu mùa khỉ đợt này có biểu hiện lâm sàng không điển hình như các căn bệnh khác như sốt, đau đầu, mệt mỏi,… thậm chí không triệu chứng, bà Hiên cho biết.

Điều này khiến việc nhận biết triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán khó khăn hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, người bệnh hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh cũng thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Theo WHO, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu ở mức nguy cơ cao. Hiện WHO xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có nguy cơ thấp về bùng phát dịch. Bộ Y tế cho hay hiện Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.

“Với việc thông thương mở cửa du lịch, tại thời điểm này chúng tôi nhận định rằng nguy cơ Việt Nam có ca xâm nhập là hoàn toàn có thể”, bà Hiên nói. “Nguy cơ có các làn sóng mới và sự gia tăng mới của ca bệnh đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể”.

WHO đã đúng với tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu mới nhất

Hỗ trợ những người có nguy cơ cao nhất với căn bệnh đậu mùa khỉ đáng lo ngại này là cách duy nhất để giảm thiểu tác động và ngăn chặn sự lây lan.

WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu sau khi các ca bệnh đã xuất hiện ở 75 quốc gia.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm