"Sự lạc quan về vaccine có thể gây nguy hiểm. Nếu bạn đã tiêm phòng, điều đó không có nghĩa là bạn nên ngừng thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, như đeo khẩu trang ở nơi công cộng hoặc giãn cách xã hội và tránh tụ tập", Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia viết trong tuyên bố hôm 12/8, theo Khmer Times.
"Chỉ riêng vaccine không phải là 'viên đạn bạc', chúng chỉ là một trong những công cụ quan trọng trong việc chống lại Covid-19 và giảm ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong", cơ quan này nói thêm.
Theo WHO tại Campuchia, chỉ có thể ngăn chặn Covid-19 lây lan nếu người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các biện pháp can thiệp phi dược phẩm (NPI) kết hợp với tiêm chủng.
Quan trọng là việc áp dụng các biện pháp này sẽ cho phép doanh nghiệp mở cửa trở lại, người dân có thể duy trì sinh kế và khởi động lại cuộc sống của họ một cách an toàn.
Người dân được tiêm vaccine Covid-19 ở Phnom Penh ngày 1/6. Ảnh: Xinhua. |
WHO đánh giá cao chính phủ Campuchia vì đã đạt được cột mốc đáng chú ý là tiêm chủng cho 8 triệu người, tương đương 80% dân số mục tiêu. Tính đến ngày 10/8, tổng cộng có 8.037.519 người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó có 6.438.770 người được tiêm đầy đủ hai mũi.
WHO tiếp tục khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ có thai và cho con bú...
"Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Mặc dù số ca mắc mới và tử vong giảm ở một số tỉnh, nguy cơ bùng phát Covid-19 trở lại do biến chủng Delta là rất cao", Văn phòng WHO tại Campuchia viết trong tuyên bố.
Theo Worldometers, hiện Campuchia ghi nhận tổng cộng 83.839 ca mắc Covid-19 kể từ đầu đại dịch, với 1.634 trường hợp tử vong.