Theo WHO, dẫn đầu số ca nhiễm mới được ghi nhận là Brazil với 54.771 trường hợp, tiếp đó là Mỹ ghi nhận 36.617 ca, đứng thứ ba là Ấn Độ với 15.400 ca được báo cáo trong 24 giờ qua.
Hiện Mỹ là nước có số ca nhiễm lớn nhất thế giới với 2,2 triệu ca, đồng thời cũng là nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất, khoảng 120.000 ca, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Một bức tranh tường khắc họa hình ảnh nhân viên y tế trên bức tường của Bệnh viện Cấp cứu Thành phố ở Lviv, Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Trong buổi mít tinh ở Tulsa, Oklahoma tối 20/6, Tổng thống Donald Trump thừa nhận ông đã nói các quan chức giảm tốc độ xét nghiệm Covid-19 vì số ca nhiễm tăng lên ở Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng cũng gọi Covid-19 là “Kung Flu” với hàm ý chỉ căn bệnh xuất phát từ Trung Quốc.
Giới chức ở các bang miền nam nước Mỹ đang cảnh báo về tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ dương tính với virus corona. Sự thay đổi này được ghi nhận tại những bang như Florida, Nam Carolina, Georgia, Texas...
Ca tử vong ở Brazil vượt mốc 50.000
Trong khi đó, Bộ Y tế Brazil nói rằng tổng số ca nhiễm ở nước này tăng thêm hơn 50.000 ca mỗi ngày. Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn tiếp tục hạ thấp nguy cơ của dịch bệnh dù số ca tử vong đã vượt mốc 50.000 vào ngày 21/6 và ở mức cao thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Bộ Y tế Brazil ngày 21/6 đã xác nhận số ca tử vong nước này lên tới 50.617, tăng 641 ca từ 49.976 ca của một ngày trước đó.
Một nhân viên đào huyệt tại nghĩa trang Sao Francisco Xavier ở Rio de Janeiro. Ảnh: Reuters. |
Con số này là một cú đánh mạnh đối với Brazil, quốc gia đang chật vật trước tình hình bất ổn chính trị và nền kinh tế tê liệt. Hiện Brazil có tổng cộng 1.085.043 ca nhiễm, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Y tế.
Trước tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm virus corona, giới chuyên gia cho rằng số liệu thực tế tại Brazil còn cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định hệ thống y tế của Brazil vẫn chịu được áp lực.
Sau ca nhiễm đầu tiên vào ngày 26/2, Brazil hiện có hơn 1 triệu bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tổng thống Jair Bolsonaro đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Hôm 22/6, ông Bolsonaro tuyên bố quân đội Brazil phục vụ ý nguyện của người dân và có nhiệm vụ bảo vệ nền dân chủ. Tuyên bố trên tiếp tục làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về vai trò của lực lượng vũ trang trong bối cảnh bất ổn cả về chính trị và xã hội như hiện tại.
Tại Tây Ban Nha, giới chức trách đã chấm dứt lệnh khẩn cấp quốc gia sau 3 tháng phong tỏa, cho phép 47 triệu cư dân được tự do đi lại trên toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày 14/3. Nước này cũng gỡ bỏ quy định cách ly 14 ngày đối với du khách đến từ Anh và 26 quốc gia châu Âu cho phép đi lại miễn thị thực.
Tuy nhiên, khách du lịch tại sân bay Madrid-Barajas vẫn khá thưa thớt, khác xa với cảnh tượng thường thấy trong một ngày tháng sáu vốn rất nhộn nhịp trong những năm trước đó.
Ngày 21/6, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 334 ca nhiễm và một ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 293.352 và 28.323.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez kêu gọi mọi người đề phòng tối đa: "Virus có thể quay trở lại và nó có thể tấn công chúng ta một lần nữa trong làn sóng thứ hai và chúng ta phải làm mọi cách có thể để tránh điều đó bằng mọi giá".
Italy ghi nhận thêm 224 ca nhiễm và 24 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 238.499 và 34.634. Tương tự Tây Ban Nha, nước này đã cho phép người dân cũng được tự do di chuyển khắp đất nước. Toàn bộ cửa hàng, nhà hàng, quán bar, phương tiện công cộng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, trường học vẫn đóng cửa.
Trung Quốc và Hàn Quốc tăng ca nhiễm
Tại Anh, các biện pháp phong toả đã ngăn dòng người đổ về khu di tích Stonehenge để ngắm Mặt Trời mọc nhân ngày hạ chí, ngày dài nhất trong năm ở Bắc Bán cầu. Đơn vị quản lý khu vực, English Heritage, đã phát sóng trực tiếp khoảnh khắc đặc biệt này.
Đất nước sương mù báo cáo thêm 1.221 ca nhiễm và 43 ca tử vong trong ngày 21/6, nâng tổng số lên lần lượt 304.331 và 42.632. Giới chức Anh đã giảm cấp cảnh báo Covid-19, từ "đại dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc đang tăng theo cấp số nhân" xuống "dịch đang lây lan".
Trong khi đó, Nam Phi ghi nhận số liệu về dịch tăng kỷ lục trong ngày 20/6 với gần 5.000 ca nhiễm mới và 46 ca tử vong. Dù vậy, Tổng thống Cyril Ramaphosa vẫn nới lỏng lệnh phong toả, cho phép các sòng bạc, nhà hàng và cơ sở chăm sóc sắc đẹp được mở cửa trở lại.
Tại khu vực châu Á trong cuối tuần vừa qua, Trung Quốc và Hàn Quốc có thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 mới sau khi ghi nhận nhiều vụ bùng phát dịch. Cụ thể, giới chức Trung Quốc hôm 21/6 báo cáo nước này có thêm 25 ca nhiễm mới, bao gồm 22 trường hợp tại Bắc Kinh.
Trong tuần vừa qua, Bắc Kinh đã thắt chặt các quy định về hạn chế di chuyển, yêu cầu người dân xét nghiệm và kết quả âm tính với virus corona mới được rời thành phố.
Tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), gần 200 ca nhiễm mới có liên quan đến các nhân viên bán hàng tận nhà trong khi 70 trường hợp khác có nguồn gốc lây nhiễm từ một nhóm chơi quần vợt. Giới chức nước này tuyên bố sẵn sàng áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội một cách mạnh mẽ để giảm thiểu thiệt hại.
Tổng cộng, WHO ghi nhận 8.708.008 ca nhiễm virus corona trên toàn cầu, với 183.020 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Trong đó, số ca tử vong trên toàn cầu là 461.715, với 4.743 ca mỗi ngày. Hơn hai phần ba ca tử vong mới được ghi nhận ở châu Mỹ.
Trong khi đó, thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 9.032.065 ca nhiễm và 469.527 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 131.832 và 3.412 so với ngày trước đó. Tổng cộng 4.795.420 người đã bình phục.