Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong họp báo rằng việc “gỡ bỏ các giới hạn có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại chết người”.
Ông nói đã có “sự chậm lại đáng mừng” đối với dịch bệnh ở các nước châu Âu - Italy, Đức, Tây Ban Nha và Pháp - nhưng lại có “sự gia tăng đáng báo động” ở các nơi khác, bao gồm lây nhiễm cộng đồng ở 16 nước châu Phi.
Yemen có ca nhiễm virus corona đầu tiên, giữa lúc các nhóm cứu trợ đang gồng mình lo ngại dịch bệnh bùng phát ở một đất nước mà chiến tranh đã tàn phá hệ thống y tế và gieo rắc đói kém, bệnh tật.
Ông Tedros cũng lo ngại về số lượng lớn ca nhiễm trong số các y bác sĩ. “Ở một số nước, có tới 10% y bác sĩ bị nhiễm, đó là xu hướng báo động”.
Nhiều xe cấp cứu bên ngoài bệnh viện Brookdale ở Brooklyn, New York ngày 10/4. Ảnh: New York Times. |
Một tổ công tác của Liên Hợp Quốc sẽ điều phối và đẩy mạnh việc thu mua, phân phối đồ bảo hộ, thiết bị xét nghiệm và khí ôxy đến các nước cần nhất.
“Mỗi tháng, chúng tôi cần chuyển ít nhất 100 triệu khẩu trang y tế, găng tay, 25 triệu khẩu trang N95, áo bảo hộ, kính che mặt, 2,5 triệu bộ xét nghiệm, và lượng lớn ôxy và các thiết bị khác để phục vụ chăm sóc y tế”, ông nói.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - cơ quan của Liên Hợp Quốc chuyên phụ trách hậu cần - sẽ cử 8 máy bay 747, 8 máy bay chở hàng cỡ trung, và nhiều máy bay chở khách nhỏ để vận chuyển hàng hóa và nhân viên cần thiết tới 8 trung tâm.
Ông Tedros kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp vào hoạt động hậu cần của Chương trình Lương thực Thế giới, dự kiến tốn 280 triệu USD, trong khi chi phí mua các hàng cứu trợ sẽ “lớn hơn nhiều”.
“Từ đại dịch này, chúng ta phải cố rút ra bài học... thiếu sót ở đâu, đây là thông điệp thậm chí cho cả các nước phát triển. Trên khắp thế giới, bạn thấy có sự thiếu chuẩn bị của hệ thống y tế cộng đồng”, ông Tedros nói.
“Không nước nào miễn nhiễm. Không nước nào có thể nói mình có hệ thống y tế mạnh. Chúng ta phải thật sự thẳng thắn để đánh giá và giải quyết vấn đề này”.