“Tại thời điểm này, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy cần thiết phải có mũi tiêm tăng cường”, Guardian dẫn lời tiến sĩ Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO.
Ông Swaminathan cho biết WHO sẽ đưa ra khuyến nghị về việc tiêm nhắc lại “dựa trên cơ sở dữ liệu và khoa học, chứ không phải từ việc tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vaccine nên được tiêm tăng cường”.
Thay vì yêu cầu tiêm mũi vaccine thứ 3, WHO yêu cầu Pfizer nên tập trung vào việc cải thiện khả năng để giúp nhiều nước tiếp cận vaccine hơn.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự chênh lệch vaccine trên thế giới hiện nay xuất phát từ “lòng tham”.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh những người chưa được tiêm chủng nên được ưu tiên và kêu gọi các hãng sản xuất vaccine Pfizer và Moderna nên “dốc sức để cung cấp cho cơ chế COVAX, Nhóm đặc nhiệm mua sắm vaccine châu Phi (AVATT), cũng như các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP. |
Ông Tedros cũng cảnh báo số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong bắt đầu tăng cao trở lại và biến chủng Delta đang "thúc đẩy làn sóng dịch thảm khốc".
Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, chia sẻ nếu các nước giàu quyết định tiêm mũi vaccine tăng cường thay vì tặng chúng cho các nước đang phát triển, “tôi nghĩ chúng ta sẽ phải nhìn lại điều này trong nỗi hổ thẹn”.
Trước đó, hôm 12/7, Pfizer cho biết họ đang yêu cầu giới chức liên bang cho phép tiêm mũi vaccine thứ 3 dưới dạng tiêm nhắc lại do lo ngại về sự xuất hiện của biến chủng Delta cũng như sự gia tăng các ca mắc tại Mỹ.
Theo dữ liệu do Bloomberg thu thập, hiện có hơn 3,41 tỷ liều vaccine đã được sử dụng tại 180 quốc gia, trong đó 334 triệu liều được tiêm ở Mỹ.