Tại một cuộc họp báo hôm 4/1 ở Geneva, Thụy Sĩ, Abdi Mahamud, quản lý sự cố của WHO, cho biết biến chủng "đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi”, theo Bloomberg. Tuy nhiên, ông cũng cho biết "loại virus này có nhiều cơ hội lây nhiễm".
Biến chủng B.1.640.2 - được gọi là IHU - do các nhà nghiên cứu tại Viện IHU Mediterranee Infection ở Pháp báo cáo. Biến chủng này đã được xác định ở 12 người tại phía nam dãy Alps vào cùng thời điểm mà Omicron được phát hiện ở Nam Phi vào năm ngoái.
"Còn quá sớm để suy đoán về các đặc điểm virus học, dịch tễ học hoặc lâm sàng của biến chủng IHU dựa trên 12 ca nhiễm này", các nhà khoa học IHU viết trong bài báo chưa được bình duyệt.
WHO cho biết biến chủng IHU không trở thành mối đe dọa. Ảnh: Reuters. |
Trong bài báo được xuất bản vào tháng 12/2021, các nhà nghiên cứu của IHU cho biết bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến chủng này đã được tiêm vaccine và vừa trở về từ Cameroon.
Cho đến nay, B.1.640.2 vẫn chưa được xác định ở các quốc gia khác hoặc được dán nhãn là biến chủng đáng lo ngại bởi WHO. Tổ chức này vẫn đang trong quá trình điều tra về biến chủng IHU.
Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding cho biết các biến chủng mới sẽ tiếp tục xuất hiện, nhưng điều đó không có nghĩa chúng sẽ nguy hiểm hơn.
Nhiều quốc gia hiện trải qua sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron. Kể từ khi lần đầu xác định ở châu Phi, biến chủng này đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia.