Biến chủng B.1.640.2 - được gọi là IHU - do các nhà nghiên cứu tại Viện IHU Mediterranee Infection ở Pháp báo cáo. Hiện Pháp có ít nhất 12 trường hợp liên quan đến biến chủng này, Times of India đưa tin.
Ca bệnh đầu tiên là người đàn ông đã tiêm chủng đầy đủ và có lịch sử đi lại tới Cameroon. Mẫu bệnh được thu thập vào giữa tháng 11/2021.
Nghiên cứu mới chưa được đánh giá ngang hàng và hiện được đăng dưới dạng bản in trước trên trang web khoa học sức khỏe MedRxiv vào hôm 29/12/2021. Bản báo cáo này cho biết IHU có 46 đột biến.
IHU xuất hiện đột biến N501Y và E484K - những đột biến có trên các biến chủng Beta, Gamma và Omicron. E484K giúp né tránh vaccine tốt hơn, trong khi N501Y tăng khả năng lây nhiễm của virus.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý còn quá sớm để suy đoán về cách thức hoạt động của biến chủng này, cũng như khả năng lây nhiễm và khả năng bảo vệ của vaccine.
Hiện Omicron là biến chủng SARS-CoV-2 thống trị ở Pháp. Ảnh: AFP. |
Cho đến nay, B.1.640.2 vẫn chưa được xác định ở các quốc gia khác hoặc được dán nhãn là biến chủng đáng lo ngại bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding cho biết các biến chủng mới sẽ tiếp tục xuất hiện, nhưng điều đó không có nghĩa chúng sẽ nguy hiểm hơn.
"Điều làm cho một biến chủng nguy hiểm hơn là khả năng nhân lên do số lượng đột biến mà nó có liên quan tới chủng virus gốc", ông viết trong một bài đăng trên Twitter. "Đây là lúc nó trở thành biến chủng đáng lo ngại, giống như Omicron - dễ lây lan và né tránh khả năng miễn dịch trong quá khứ. Vẫn còn phải xem biến chủng mới này thuộc loại nào".
Nhiều quốc gia hiện trải qua sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron. Kể từ khi lần đầu xác định ở châu Phi, biến chủng này đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia.