Một số quốc gia châu Âu bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa hôm 11/5 khi tỷ lệ nhiễm Covid-19 tại các nước như Pháp và Tây Ban Nha đang giảm, theo Reuters.
"Tin tốt là chúng ta đã rất thành công trong việc làm chậm sự lây lan của Covid-19 và cuối cùng là cứu sống người dân", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong họp báo.
Trong khi đó, Michael Ryan, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng lệnh phong tỏa dần được dỡ bỏ là dấu hiệu của "hy vọng". Nhưng ông cảnh báo rằng "cần hết sức cảnh giác" trước Covid-19.
Nhân viên y tế khử trùng một trường học ở Seoul, Hàn Quốc để ngăn dịch Covid-19. Ảnh: AFP. |
Ông Ryan kêu gọi các nước tăng cường phản ứng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo họ có thể xác định các trường hợp nhiễm mới, theo dõi và cách ly tất cả trường hợp tiếp xúc với người bệnh để "tránh một làn sóng lớn thứ hai".
Chuyên gia này cho rằng trong khi "nhiều quốc gia đã đầu tư rất có hệ thống vào việc xây dựng nguồn lực tế công trong thời gian cách ly, các nước khác lại không làm vậy".
"Nếu bệnh dịch vẫn tồn tại ở các quốc gia, dù ca nhiễm mới không tăng cao nhưng không điều tra được ổ dịch, không xác định được cụm nhiễm bệnh, thì luôn có nguy cơ Covid-19 sẽ tái phát", ông nói.
Tính tới ngày 12/5, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới là hơn 4,1 triệu người, với hơn 285.000 người tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).