“Một sự kiện bị hủy vẫn tốt hơn là một đời bị hủy”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, đồng thời kêu gọi người dân tạm ngừng các buổi tụ tập, Guardian đưa tin ngày 21/12.
"2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Ông Tedros còn cho biết biến chủng Omicron đang phát tán nhanh hơn biến chủng Delta và lây bệnh cho cả người đã tiêm chủng hoặc người từng khỏi bệnh Covid-19.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AP. |
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, cũng nhận định rằng thật “không khôn ngoan” nếu kết luận Omicron là chủng nhẹ hơn các chủng trước.
Đồng quan điểm, ông Tedros chỉ ra rằng dù biến chủng Omicron gây bệnh nặng ra sao, “chỉ cần số lượng ca nhiễm cũng có thể làm hệ thống y tế quá tải”, khiến thêm nhiều người tử vong.
Biến chủng này đang có thể vượt qua một số phản ứng miễn dịch, bà Soumya nói. Điều này có nghĩa các chương trình tiêm tăng cường đang được triển khai ở nhiều nước phải tập trung vào người có hệ miễn dịch yếu.
Nhận định của ông Tedros và bà Soumya giống với những kết luận trong một nghiên cứu của Đại học Imperial London (Anh). Hồi tuần trước, trường đại học này cho biết rủi ro tái nhiễm Omicron cao hơn 5 lần Delta, đồng thời không có dấu hiệu cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn.
Dù vậy, quan chức WHO cho biết các dạng phản ứng miễn dịch khác vẫn có thể ngăn ngừa lây nhiễm và mắc bệnh. Hàng phòng ngự từ kháng thể trước một số hoạt động đã bị suy yếu, nhưng vẫn có hy vọng để cho rằng tế bào T - trụ cột thứ hai trong phản ứng miễn dịch ở người - có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng.
“Tuy chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm trong số lượng kháng thể vô hiệu hóa virus, kết quả của gần như mọi phân tích ban đầu cho thấy phản ứng miễn dịch từ tế bào T vẫn còn nguyên vẹn”, Abdi Mahamud, chuyên gia WHO, nói.