Công bố trên của WHO đang trái ngược với những thông tin từ Bình Nhưỡng nói rằng tình trạng dịch bệnh đang chuyển biến tốt, theo AFP.
Sau khi công bố những ca nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 12/5 và trải qua thời gian “ca sốt” hàng ngày tăng mạnh - với đỉnh điểm là 390.000 ca hôm 15/5, tới tuần trước, Bình Nhưỡng khẳng định đợt bùng phát Covid-19 đã được kiểm soát. Trong những ngày qua, truyền thông nhà nước Triều Tiên liên tục đăng tải thông tin cho thấy số “ca sốt” giảm mạnh từng ngày.
Tuy nhiên, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nghi vấn điều đó.
"Chúng tôi cho rằng tình hình đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn", ông Ryan nói với báo giới, đồng thời thừa nhận rằng Bình Nhưỡng chỉ cung cấp thông tin rất hạn chế.
Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO nói thêm: “Hiện tại chúng tôi không có đủ khả năng để đưa ra đánh giá rủi ro đầy đủ về tình hình trên thực địa”. Ông chỉ ra rằng “rất khó để đưa ra một phân tích thích hợp cho thế giới khi chúng tôi không được tiếp cận dữ liệu cần thiết".
Bức ảnh được công bố hôm 31/5 cho thấy các nhân viên quân y Triều Tiên trong trang phục bảo hộ tại tiệm thuốc ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove, người đứng đầu WHO về Covid-19, cho biết tới nay Triều Tiên công bố khoảng 3,7 triệu ca nghi mắc Covid-19 - hay “ca sốt”, theo cách gọi chính thức của nước này.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 27/5 nói rằng số “ca sốt” đã giảm trong ngày thứ bảy liên tiếp, với chỉ hơn 100.000 “ca sốt" mới trong 24 giờ, giảm so với mức đỉnh điểm 390.000 ca trong ngày hồi đầu tháng 5.
KCNA cũng báo cáo thêm một ca tử vong vào hôm 27/5 - nâng tổng số chính thức lên 69 người - và tuyên bố tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 0,002%.
Bà Van Kerkhove cho hay: “Có nhiều ca hồi phục đã được báo cáo, nhưng chúng tôi nhận được thông tin rất hạn chế từ nước này”.
Triều Tiên, một trong những quốc gia có hệ thống y tế đáng lo ngại nhất trên thế giới, đã không thực hiện chiến dịch tiêm chủng với dân số 25 triệu người.
Ông Ryan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khống chế đợt bùng phát dịch ở đất nước đang vật lộn với nhiều khó khăn này.
“Chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ nhiều lần. Chúng tôi đã đề nghị cung cấp vaccine cho Triều Tiên 3 lần (nhưng bất thành). Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị”, ông nói.
Cũng theo lời quan chức cấp cao của WHO này, họ đang làm việc với Trung Quốc và Hàn Quốc trong nỗ lực trợ giúp cho Triều Tiên. Ông đề cao "thái độ rất tích cực trong nỗ lực giải quyết vấn đề chung này".
WHO đã nhiều lần cảnh báo không được để Covid-19 lây lan ngoài tầm kiểm soát, vì điều đó có nguy cơ tạo điều kiện cho virus đột biến và sản sinh các biến chủng mới, có khả năng nguy hiểm hơn.
“Chúng tôi không muốn chứng kiến sự lây lan dữ dội của căn bệnh này trong một nhóm dân số nhạy cảm, trong một hệ thống y tế suy yếu”, ông Ryan nhấn mạnh.
"Điều đó rất đáng ngại, gây nguy hại đối với người dân (Triều Tiên), cũng như đối với khu vực và thế giới”.