"Chúng tôi đã nhanh chóng phân phối nguồn cung cứu sinh cho các cơ sở y tế và đối tác ở Kabul, Kandahar và Kunduz, nhưng WHO hiện chỉ có đủ nguồn cung trong nước để sử dụng trong một tuần. Hôm qua (23/8), 70% nguồn cung này đã được chuyển đến các cơ sở y tế", Ahmed Al-Mandhari, Giám đốc khu vực của WHO, nói vào ngày 24/8.
WHO cho biết việc giao hơn 500 tấn vật tư y tế, bao gồm thiết bị phẫu thuật và bộ dụng cụ dành cho người suy dinh dưỡng nghiêm trọng, từ Dubai đã bị đình trệ vì những hạn chế tại sân bay Kabul, theo Reuters.
Các quan chức từ văn phòng Đông Địa Trung Hải của WHO nói rằng họ cũng lo ngại biến động hiện tại ở Afghanistan có thể làm gia tăng số ca mắc Covid-19, khi mà việc xét nghiệm ở nước này giảm 77% trong tuần qua, trong khi việc tiêm chủng cũng bị ngưng trệ.
Bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm Afghanistan - Nhật Bản ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: New York Times. |
Trong một cuộc họp trực tuyến, các quan chức WHO cho biết 95% cơ sở y tế ở Afghanistan vẫn hoạt động, nhưng một số nhân viên nữ chưa quay lại làm việc, và nhiều bệnh nhân nữ sợ hãi đã rời đất nước.
Richard Brennan, Giám đốc khẩn cấp khu vực của WHO, cho biết một số quốc gia đã phản hồi tích cực về việc hỗ trợ chuyến bay vận chuyển nguồn cung y tế.
"Chúng tôi đang đàm phán với ba hoặc bốn quốc gia. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể đảm bảo các chuyến bay", ông nói.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đã có một số dấu hiệu và thông tin liên lạc đáng khích lệ, khi chính quyền Taliban nói rõ rằng họ muốn Liên Hợp Quốc ở lại, rằng họ muốn đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ y tế”.
Sân bay Kabul chìm trong hỗn loạn kể từ khi Taliban kiểm soát thủ đô của Afghanistan vào ngày 15/8.
Trên 18 triệu người, tức hơn một nửa dân số Afghanistan, cần viện trợ nhân đạo, theo Liên Hợp Quốc. “Những nhu cầu này đang tăng lên hàng ngày”, Mandhari nói.