Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị cáo buộc thông đồng với Bộ Y tế Italy gỡ bỏ một báo cáo nói về ứng phó yếu kém của nước này trong giai đoạn đầu đại dịch Covid-19. Mục đích của việc xuất bản báo cáo là ngăn chặn thiệt hại nhân mạng vì virus corona trong tương lai.
Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bị nhấn chìm bởi đại dịch. Báo cáo do nhà khoa học Francesco Zambon của WHO và 10 đồng nghiệp trên khắp châu Âu thực hiện, được chính phủ Kuwait tài trợ với mục tiêu cung cấp thông tin cho các quốc gia chưa bị ảnh hưởng, theo Guardian.
Một bệnh viện ở Lombardy, tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên tại Italy. Ảnh: AFP/Getty. |
Với tên gọi "Thách thức chưa từng có: Ứng phó đầu tiên của Italy đối với Covid-19", tài liệu đã được xuất bản trên website của WHO vào ngày 13/5 trước khi bị gỡ xuống vào ngày hôm sau.
Báo cáo dài 102 trang cho biết kế hoạch ứng phó với đại dịch của Italy đã không được cập nhật kể từ năm 2006 và do không được chuẩn bị nên phản ứng ban đầu của các bệnh viện "mang tính ứng biến, hỗn loạn và theo nhiều cách khác nhau". Báo cáo cũng cho hay Italy phải mất thêm thời gian để đưa ra được hướng dẫn chính thức.
Tài liệu được cho là đã bị xóa theo yêu cầu của Ranieri Guerra, trợ lý tổng giám đốc WHO về các sáng kiến chiến lược. Ông Guerra là người phụ trách về y tế dự phòng tại Bộ Y tế Italy từ năm 2014 đến cuối năm 2017, và do đó chịu trách nhiệm cập nhật kế hoạch ứng phó với đại dịch theo hướng dẫn mới do WHO và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đưa ra. Ông cũng là một trong những nhà khoa học thuộc nhóm chuyên trách chống Covid-19 của chính phủ Italy.
Ông Zambon tuyên bố ông Guerra đã đe dọa sẽ sa thải ông trừ khi ông chỉnh sửa một phần của báo cáo đề cập đến kế hoạch đã lỗi thời. Ông nói dù ông đã thông báo cho các quan chức cấp cao của WHO về các mối đe dọa và rủi ro đối với tính minh bạch và trung lập của tổ chức, không có cuộc điều tra nội bộ nào được thực hiện.
Hồi tháng 5, WHO không giải thích lý do báo cáo bị gỡ bỏ, nhưng trong một tuyên bố vào tuần trước, tổ chức này nói tài liệu "có những điểm không chính xác và không nhất quán".