Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WB: 'Kinh tế giảm tốc tăng trưởng, cần theo dõi chặt chẽ'

WB cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ tăng trưởng kinh tế, lạm phát và khu vực tài chính. Nếu cần, có thể xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam đã giảm tốc tăng trưởng trong quý I phần lớn do sự thu hẹp của ngành công nghiệp, phản ánh sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu.

GDP quý I tăng trưởng 3,3%, giảm mạnh từ mức 5,9% của quý IV/2022 và đánh dấu mức tăng trưởng quý đầu năm (so với cùng kỳ năm trước đó) thấp thứ 2 trong một thập kỷ qua.

TĂNG TRƯỞNG GDP QUÝ I SO VỚI CÙNG KỲ CÁC NĂM GIAI ĐOẠN 2011-2023
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Nhãn2011201220132014201520162017201820192020202120222023

%5.964.944.685.546.255.495.177.787.093.214.925.053.32

Công nghiệp giảm kéo tụt GDP

Ngành công nghiệp sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ, giảm từ mức tăng trưởng trung bình 5,3% trong giai đoạn 2020-2022 và kéo tụt GDP 0,1 điểm phần trăm. Sự suy giảm của lĩnh vực công nghiệp phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu khi nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Điều này phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu ở một số tiểu ngành chính như điện tử, máy móc, dệt may, giày dép và các sản phẩm đầu vào nhập khẩu liên quan.

WB chỉ ra do sự sụt giảm trong xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu linh kiện điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử và máy móc cũng giảm 23%. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của xuất khẩu công nghệ cao vào các yếu tố nhập khẩu này.

Là đầu vào chính của ngành dệt may và da giày, nhập khẩu bông, sợi dệt, vải và giày dép cũng giảm 21% quý vừa qua.

Dù vậy, một số dấu hiệu cải thiện đã được ghi nhận trong tháng cuối cùng của quý I, với xuất và nhập khẩu tăng lần lượt 13,5% và 24,4%.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục là lĩnh vực đóng góp chính vào tăng trưởng (đóng góp 2,9 điểm %) nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh và lượng lớn khách quốc tế quay trở lại.

Cả lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát cơ bản tiếp tục chậm lại vào tháng 3, lần lượt đạt 3,4% và 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. "Lạm phát tiếp tục được thúc đẩy bởi giá lương thực, thực phẩm, nhà ở, vật liệu xây dựng, trong khi giao thông không còn là yếu tố gây lạm phát lớn so với tháng 3/2022", WB nhận định.

Cần hỗ trợ tổng cầu

Theo tổ chức này, sự sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2022 tiếp tục diễn ra trong quý đầu năm nay trong bối cảnh bất định toàn cầu ở mức cao, phản ánh tác động của tình trạng không chắc chắn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt chính sách điều kiện tài chính ở các nền kinh tế phát triển.

Trong khi đó, WB cho rằng tăng trưởng tín dụng quý I giảm tốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020, phản ánh sự chậm lại của hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và bất động sản.

Nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Ngân hàng Thế giới

"Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế trong quý I cần được theo dõi chặt chẽ", WB nhấn mạnh trong báo cáo. Theo tổ chức này, nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, chính phủ có thể xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

WB cũng cảnh báo về những sức ép mới lên giá cả. "Dự kiến tăng giá điện, tiền lương khu vực công trong những tháng tới và việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể dẫn đến áp lực gia tăng mới đối với lạm phát", WB dự báo.

Ngoài ra, khả năng thắt chặt tài chính hơn nữa ở Mỹ để kiểm soát lạm phát có thể tạo ra áp lực tỷ giá, nhất là khi NHNN vừa giảm một số lãi suất chính sách để hỗ trợ nền kinh tế.

"Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản vốn chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính", WB nhấn mạnh.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Quảng Ninh dẫn đầu về năng lực cạnh tranh, Bắc Giang tăng ngoạn mục

Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng PCI năm 2022.

Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn thận trọng

Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu nhận thấy nền kinh tế Việt Nam đã có một số cải thiện nhất định, nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm