Ngày 25/6, Boeing thông báo đã chốt hợp đồng về việc hãng hàng không startup Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC từ Việt Nam sẽ mua của Boeing 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner. Trị giá hợp đồng là 5,6 tỷ USD, theo mức giá công bố của dòng máy bay này. FLC đã đặt cọc cho hợp đồng và thời gian bàn giao được thực hiện từ tháng 4/2020.
Tuy nhiên, chi tiết về số tiền đặt cọc không được tiết lộ.
Bamboo Airways là hãng hàng không startup đang chờ cấp phép bay của đại gia Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC và cũng là Chủ tịch Bamboo Airways.
Trả lời VTV ngay tại nhà máy của Boeing, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định đang hoàn thiện thủ tục xin phép bay cho Bamboo Airways và 99% hãng hàng không tư nhân này sẽ cất cánh trong năm 2018.
Máy bay Boeing 787 tại Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Tham vọng lớn
Việc mua Boeing 787-9, dòng máy bay thân rộng bay đường dài, theo Washington Post, cho thấy một tham vọng lớn hơn tuyên bố chở khách tới các điểm du lịch khác nhau nơi FLC có khu nghỉ dưỡng cách đây chưa lâu.
Ông Trịnh Văn Quyết cho biết ông muốn khai thác 16 đường bay nội địa và 10 đường bay quốc tế, bắt đầu với các đường bay tới quốc gia khu vực trong năm 2019, và sau đó sẽ mở rộng tới Mỹ và châu Âu.
“Thương vụ với Boeing chỉ là bước đi khởi đầu. Chúng tôi muốn sở hữu hơn 100 máy bay trong tương lai”, Washington Post dẫn lời ông Quyết.
Thương vụ trị giá 5,6 tỷ USD với Boeing này được thông báo chỉ vài tháng sau khi FLC tuyên bố đạt thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD khác với hãng máy bay đối thủ Airbus.
Hồi tháng 3, FLC đã ký với hãng Airbus thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay Airbus A321 NEO với tổng trị giá 3 tỷ USD, và đã đặt cọc 34 tỷ đồng cho thương vụ này.
Mạo hiểm
Washington Post nhận định FLC Group đang có những bước đi đầy rủi ro khi tham gia thị trường hàng không theo cách như vậy.
Và thương vụ mua 20 máy bay 787-9 được xem là “bất thường” với một hãng hàng không khởi nghiệp, ít người biết đến khi chốt đơn hàng lớn mà không có các bước kiểm tra thị trường trước đó.
Tờ báo dẫn lời Henry Harteveldt, một nhà phân tích hàng không vũ trụ thương mại với Atmosphere Research: “Việc mua 20 máy bay 787 cho thấy mức độ tự tin, thậm chí là kiêu ngạo, và việc họ có một túi tiền dồi dào. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng bỏ qua kế hoạch tài chính cơ bản cho một hãng hàng không, nơi bạn thường mua một vài chiếc bay thử và chờ phản ứng thị trường trước khi mở rộng. Đó là một động thái rất táo bạo, rất mạo hiểm”.
Còn Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không vũ trụ của Tập đoàn Teal, thì hoài nghi là thị trường hàng không Việt Nam khó còn chỗ cho một hãng khác, khi đã có 3 hãng hàng không phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau.
Và ông này cũng lo ngại là có thể khiến hãng bay mới của anh Quyết phơi thân trong chi phí và nợ nần.
“Bạn có thể mất rất nhiều tiền trong kinh doanh hàng không. Bạn đang bỏ tất cả trứng vào một cái giỏ, và phơi mình rất nhiều chi phí và nợ nần”, Aboulafia nói.