Tỷ phú huyền thoại Warren Buffett từ lâu nổi tiếng vì sự giản dị của mình. Theo CNBC, Buffett không bao giờ bỏ ra nhiều hơn 3,17 USD cho bữa ăn sáng và vẫn sống trong một căn nhà giá 31.500 USD mua từ năm 1958 (khoảng 260.000 USD ngày nay).
Cố chủ tịch và nhà sáng lập hãng nội thất IKEA Ingvar Kamprad từng là một trong 10 người giàu nhất thế giới theo Bloomberg nhưng vẫn lái một chiếc ôtô Volvo đời 1993 trong suốt 20 năm. Kamprad chỉ ngừng lái chiếc xe này khi con gái ông thuyết phục được rằng lái một chiếc xe cũ kỹ như vậy có thể không an toàn.
Ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, người có khối tài sản hơn 60 tỷ USD theo Forbes vẫn đi chiếc xe Acura TSX có giá khoảng 30.000 USD. Mark nói rằng anh thích chiếc xe này vì nó “an toàn, tiện lợi và không phô trương”.
Tại sao Buffett, Kamprad và Zuckerberg lại chi tiêu ít tiền như vậy? Thay vì những thứ hào nhoáng bên ngoài, những tỷ phú trên muốn tập trung vào những điều thật sự có ý nghĩa.
Căn nhà hơn 60 năm tuổi của tỷ phú Warren Buffet. Ảnh: Wikipedia. |
Trang Entrepreneur đưa ra góc nhìn cho rằng lối sống của nhiều tỷ phú có những điểm tương đồng với chủ nghĩa khắc kỷ, một trường phái triết học ra đời từ thế kỷ III trước Công nguyên do triết gia Hy Lạp Zeno khởi xướng.
Một trong những triết lý quan trọng của chủ nghĩa này là đừng kiểm soát điều xảy đến với bạn mà hãy kiểm soát cách bạn phản ứng với điều đó.
Theo The Guardian, với người theo chủ nghĩa khắc kỷ, mỗi trở ngại họ phải đối mặt đơn giản chỉ là một cơ hội để thử thách và giúp bản thân trở nên tốt hơn.
Chi tiêu ít hơn khả năng tài chính của mình
Lebron James có khối tài sản khoảng 440 triệu USD nhưng thay vì chi tiền cho các dịch vụ xa xỉ, huyền thoại bóng rổ vẫn sử dụng mạng wifi miễn phí và các dịch vụ nghe nhạc không phải trả tiền như Pandora.
Cầu thủ Trey Burke của đội New York Knicks có thu nhập khoảng 1 triệu USD mỗi năm nhưng chỉ dành ra khoảng 5.000 USD mỗi tháng để chi tiêu.
Cũng giống như việc tỷ phú Buffett đã ở trong một ngôi nhà cũ kỹ suốt 60 năm, Lebron James và Burke có thói quen chi tiêu ít hơn nhiều những gì họ kiếm được để tập trung vào những thứ thật sự quan trọng.
Xác định rõ ràng những giá trị để hướng tới giúp những người giàu này có thể tự do giữa khối tài sản khổng lồ của mình. Nếu chẳng may mất hết của cải, họ vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc. Nhiều ông trùm kinh doanh và tỷ phú cũng chọn lối sống tương tự.
Người giàu nhất hành tinh Jeff Bezos từng nói rằng: “Như nhiều điều kiện hạn chế khác, tôi nghĩ tiết kiệm kích thích sự đổi mới. Một trong những cách để thoát khỏi tình cảnh khó khăn chính là tự tìm ra lối đi cho bạn.”
Tỷ phú Mark Cuban, cá mập nổi tiếng trên chương trình truyền hình thực tế Shark Tank của Mỹ, biết rõ sức mạnh của lối sống đạm bạc. “Càng căng thẳng về các hóa đơn, bạn càng khó tập trung cho các mục tiêu. Nếu bạn chi tiêu càng ít, sẽ càng có nhiều lựa chọn hơn”, Mark Cuban chia sẻ.
Tỷ phú, "cá mập" đầu tư Mark Cuban. Ảnh: CNBC. |
Một đại diện nổi tiếng của chủ nghĩa khắc kỷ là Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius từng bán hết đồ đạc trong hoàng cung để trả các khoản nợ đang đè nặng lên vai mình và dân chúng. Khi chúng ta càng ham muốn và khát khao nhiều thứ, chúng ta càng ít có thể tập trung vào niềm vui, tự do và một cuộc sống tốt đẹp.
Đừng bao giờ nghĩ rằng mình biết hết mọi thứ
Những tỷ phú như Mark Cuban và Warren Buffett không bao giờ nói mình biết hết mọi thứ. Đây là lý do tại sao họ vẫn ham học và đọc sách.
Triết gia khắc kỷ Hy Lạp Epictetus từng cảm thấy bị làm phiền bởi những người muốn theo học ông nhưng lại nghĩ rằng mình biết tất cả. Socrates cũng từng nói rằng: “Tất cả những gì tôi biết là mình không biết gì cả.”
Tỷ phú đầu tư huyền thoại George Soros cho rằng: “Một khi chúng ta nhận ra thiếu hiểu biết là chuyện đương nhiên của con người thì không có gì xấu hổ khi sai lầm cả. Bạn chỉ nên cảm thấy như vậy khi không thể sửa lỗi.”
Kiểm soát thời gian hữu hạn
Warren Buffett cho rằng con người có thể kiểm soát được thời gian của mình, trừ khi không thể nói không. Bạn không thể để những người khác quyết định thời gian của mình.
“Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thật sự thành công là khả năng nói không với hầu hết mọi thứ”, Buffett chia sẻ. "Chỉ khi nói không, bạn mới có thể dành thời gian và năng lượng cho những thứ thật sự quan trọng".
Một trong ba nhân vật tiêu biểu nhất của trường phái khắc kỷ, triết gia La Mã Seneca, người từng là thầy giáo và cố vấn của Hoàng đế Nero, nói rằng trong khi con người có thể rất giỏi trong việc bảo vệ tài sản của mình, chúng ta lại quá mềm mỏng khi đảm bảo các giới hạn tinh thần.
“Tài sản có thể lấy lại được. Nhưng thời gian là tài sản duy nhất không thể thay thế và chúng ta không thể mua thêm”, Seneca đúc kết.
Nếu người khác cố gắng đánh cắp thời gian và sự chú ý của bạn, hãy nhắc nhở bản thân những gì mà cố chủ tịch IKEA Kamprad đã quan sát và kết luân: “Bạn có thể làm rất nhiều việc trong 10 phút. Cứ 10 phút qua đi, hãy dành nó cho những việc tốt. Chia cuộc đời của bạn thành những lần 10 phút và hy sinh chúng ít nhất có thể cho những hoạt động vô nghĩa.”
Nếu có thể áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống, cuộc sống của bạn có thể trở nên khỏe mạnh, giàu có và hạnh phúc hơn. Chủ nghĩa khắc kỷ gọi đó là Eudaimonia - hạnh phúc lâu dài.