2020 là năm đáng quên đối với nhiều người, đặc biệt là các ông chủ rạp phim. Đại dịch Covid-19 khiến phần lớn các rạp chiếu trên toàn thế giới phải đóng cửa. Quan trọng hơn, nhiều bộ phim bom tấn bị hoãn lại đến năm 2021.
Các hãng phim Hollywood đã cố gắng tìm cách thích nghi với đại dịch toàn cầu.
Warner Bros. đã có câu trả lời.
Hãng phim thông báo có 17 bộ phim được phát hành trong năm 2021. Đây là điều đáng mừng với người hâm mộ phim ảnh. Đáng nói, hãng sẽ phát hành song song trên HBO Max lẫn các rạp chiếu phim. Đó là dấu hiệu bất thường.
Liệu cách làm này của Warner Bros. sẽ giết chết ngành công nghiệp điện ảnh?
Động thái của Warners Bros. gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Ảnh: Warner Bros. |
Điện ảnh sẽ chết dưới tay dịch vụ trực tuyến?
Theo truyền thống, sau khi ra rạp 70 ngày, các bộ phim độc quyền mới có thể xuất hiện trên DVD, đài cáp, truyền hình...
Nhưng đó là trước đại dịch Covid-19.
Theo SCMP, tuy vaccine sẽ sớm được phát hành nhưng khán giả không mạo hiểm sức khỏe để quay lại rạp chiếu phim quá sớm.
Điều đó khiến Warner Bros. với số lượng lớn các bộ phim bom tấn sắp ra mắt - như Dune và The Matrix 4 - có cơ hội thử nghiệm cách tiếp cận khán giả mới.
Đại dịch đã tạo cơ hội cho hãng phim thử nghiệm xem khán giả có đồng ý trả số tiền lớn để xem phim tại nhà hay không. Dưới góc độ người xem, đây là dấu hiệu khả quan. Nhưng với các chủ rạp chiếu phim, điều này có thể bóp nghẹt họ.
Ông Ann Sarnoff, giám đốc điều hành Warner Bros., gọi đây là “kế hoạch một năm duy nhất”. Tuy nhiên, điều đó khó xảy ra nếu hãng phim thu lợi quá nhiều từ thử nghiệm này.
Mộc Lan phát hành trực tuyến trên Disney+ giữa đại dịch. Ảnh: Disney. |
Hồi tháng 4, Universal đã phát hành Trolls World Tour trên VOD. Điều đó dẫn đến việc AMC Theatre - chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất ở Mỹ - tuyên bố ngừng hợp tác với Universal. Trong khi đó, Disney cũng tung Mộc Lan trên Disney+. Hãng cũng làm điều tương tự với Linh hồn.
Những quyết định này đã gây chấn động trong ngành công nghiệp phim điện ảnh. Tuy nhiên, nó khác hẳn so với việc tuyên bố phát hành cùng lúc 17 dự án lớn trên dịch vụ trực tuyến và tại các cụm rạp của Warner Bros..
Tuyên bố của hãng đẩy các rạp phim vào tình thế bế tắc, nhất là giữa lúc họ đối mặt với khoản lỗ lớn sau một năm đóng cửa liên tục.
“Không ai muốn phim trở lại màn ảnh rộng hơn chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi phải nhìn nhận thực tế rằng công suất hoạt động của các rạp phim ở Mỹ sẽ giảm trong năm 2021”, Sarnoff nói.
Song, Warner Bros. khó có thể bị buộc tội là đã lựa chọn dễ dàng. Hãng đã đủ can đảm phát hành Tenet giữa lúc các rạp chiếu phim đã đóng cửa ở các thị trường trọng điểm như New York và Los Angeles.
Giữa mùa dịch, phim đã thu về 359 triệu USD tại các phòng vé trên toàn thế giới. Nói đúng hơn, tác phẩm của Christopher Nolan hoàn toàn không bị thất bại.
Tuy nhiên, nếu so sánh doanh thu 57 triệu USD với 293 triệu USD tại Mỹ của Inception (2010) - cùng là phim của Christopher Nolan, con số này quá chênh lệch, khiến hãng phim kinh ngạc và phải thích nghi theo hoàn cảnh.
Điện ảnh sẽ không chết
Động thái của Warner Bros. rõ ràng là cú sốc nhưng đây chưa phải là xu hướng toàn cầu. Lấy ví dụ ở Hong Kong, HBO Max và Disney + vẫn chưa có mặt. Nghĩa là các bộ phim bom tấn, chất lượng cao vẫn còn cơ hội xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Hơn nữa, điện ảnh vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan. 2019 là năm kỷ lục của ngành công nghiệp này với tổng doanh thu toàn cầu lên đến 42,5 tỷ USD. Nói đúng hơn, các báo cáo về “cái chết của điện ảnh” thường xuyên bị phóng đại.
Từ lâu, màn ảnh rộng luôn là trải nghiệm thú vị hơn so với truyền hình, DVD hay các ứng dụng trực tuyến như Netflix và Amazon Prime.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận là điện ảnh đang đối mặt với đại dịch toàn cầu. Khán giả cảm thấy cần bảo vệ sức khỏe của chính mình hơn là trải nghiệm cá nhân. Giữa tình trạng dịch bệnh căng thẳng, việc cảm thấy không an toàn khi phải thưởng thức bộ phim yêu thích cùng người lạ, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao là điều hiển nhiên.
Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi thói quen xem phim của khán giả. Ảnh: Universal. |
Vì vậy, đây được xem là thách thức lớn nhất của điện ảnh.
Gia đình bốn người chắc chắn sẽ thấy tiết kiệm chi phí hơn khi ở nhà và trả một khoản phí để xem bộ phim bom tấn hơn là mua bốn vé ở rạp chiếu phim, chưa kể đồ ăn nhanh đắt đỏ và chi phí đi lại. Ở giai đoạn đại dịch, việc ở nhà là lựa chọn khôn ngoan hơn hẳn.
Đến cùng, điều khiến khán giả tò mò là điều gì sẽ xảy ra sau năm 2021, khi trang trực tuyến của các hãng phim được phổ biến rộng rãi hơn. HBO Max cũng đang bành trướng kế hoạch phát triển ở khu vực Latinh và châu Âu.
Câu hỏi đặt ra là với việc tivi 4K trong nước và âm thanh vòm ngày càng rẻ, liệu khán giả có từ bỏ việc đến rạp chiếu phim?
Có vẻ là không.
Dù rạp chiếu phim tại nhà được thiết lập thế nào thì cũng không thể cạnh tranh với chất lượng hình ảnh và âm thanh tại rạp phim, trừ khi người xem giàu có như triệu phú USD hoặc siêu sao Hollywood.
Hàng loạt bom tấn sẽ ra rạp trong năm 2021 sau thời gian điện ảnh đóng băng. Ảnh: Universal. |
Rạp chiếu phim vẫn là nơi để các dự án bom tấn phát triển mạnh mẽ. Sau một năm khán giả bị “bỏ đói”, 2021 sẽ là năm để khán giả giải tỏa đam mê điện ảnh. Những bộ phim bị trì hoãn như phim No Time to Die, Fast & Furious 9 cùng hàng loạt phim khác sẽ không làm người xem thất vọng.
Nhìn dưới góc độ kinh tế, khi các hãng phim tập trung vào dịch vụ trực tuyến sẽ mở ra những “phòng chiếu độc quyền” chuyên sản xuất phim trong nước hoặc phim độc lập.
Các rạp chiếu phim sẽ phải trở nên thông minh và linh loạt hơn. Các ông chủ sẽ phải nghĩ cách để biến cụm rạp của mình thành nơi độc quyền, giữ chân những khán giả khó tính.
Cuối cùng, điều này lại là cách giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Nếu muốn ở nhà, an toàn và tiết kiệm tiền thì sử dụng dịch vụ trực tuyến. Nhưng nếu muốn trải nghiệm sự hoành tráng của điện ảnh thì hãy đến rạp.
Điều đó tùy thuộc vào khán giả.