Zing trích dịch bài viết của SCMP và Korea Times nói về sự so sánh giữa huyền thoại The Beatles và BTS. Nhóm nhạc Hàn vừa được đề cử Grammy 2021 và xuất hiện trong một số bảng xếp hạng quốc tế. Tuy nhiên, để so sánh BTS với nhóm nhạc khởi xướng trào lưu "Cuộc xâm lăng của âm nhạc Anh" là điều khá khập khiễng.
"Không nên so sánh BTS với The Beatles".
Đây là câu mở đầu trong bài viết đánh giá sự thành công của nhóm nhạc 7 thành viên đăng trên của Korea Times.
Nhóm nhạc nổi tiếng đang leo lên các bảng xếp hạng toàn cầu, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để được so sánh với huyền thoại âm nhạc Anh.
Đến hiện tại, ban nhạc người Anh đã có 21 ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, bỏ xa thành tích của BTS. Và nếu idol Hàn có cộng đồng fan ARMY lớn mạnh, The Beatles cũng có người hâm mộ trung thành toàn cầu gọi là Beatlemania.
Vì vậy, nhiều người hâm mộ trung thành của The Beatles sẽ bác bỏ sự so sánh này. Song, với hàng triệu fan của BTS, nhóm nhạc Kpop thậm chí còn thành công và hơn hẳn Fab Four - nhóm nhạc kế thừa di sản của The Beatles.
The Beatles là huyền thoại khó thay thế trong lòng người yêu âm nhạc. |
Mọi sự so sánh đều khập khiễng
Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng thành tích của nhóm nhạc Hàn Quốc có một số điểm tương đồng với “cuộc xâm lược của âm nhạc Anh” - hiện tượng văn hóa được khởi xướng những năm 1960 do The Beatles dẫn đầu.
Trước BTS, nhiều nhóm nhạc Kpop khác đã cố gắng thâm nhập thị trường âm nhạc chính thống Mỹ, từ Wonder Girls của JYP Entertainment và SHINee, SNSD, EXO của SM Entertainment. Song, họ lại không đạt được thành công như kỳ vọng.
"BTS sẽ không thành công nếu không có sự hậu thuẫn của ARMY và mạng xã hội".
Đến khi PSY xuất hiện, nam ca sĩ đã gây tiếng vang lớn với Gangnam Style (2012). MV này đưa anh trở thành ngôi sao toàn cầu, mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Song, BTS đã thay đổi cuộc chơi, đạt được điều mà đến nay chưa nhóm nhạc Kpop nào làm được.
Thành công trước hết của 7 chàng trai trẻ là có lượng người theo dõi quốc tế khổng lồ gọi là ARMY. Và rồi, mạng xã hội đã đưa BTS đến gần hơn với người hâm mộ.
Trong khi đó, The Beatles cũng có cộng đồng Beatlemania vững mạnh. Nói đúng hơn, nếu Twitter tồn tại vào những năm 1960 khi The Beatles đến Mỹ, sự lớn mạnh của nhóm còn gấp nhiều lần những gì họ làm được.
“BTS sẽ không thành công nếu không có sự hậu thuẫn của ARMY. Các thành viên ARMY tuy có sự liên kết lỏng lẻo nhưng họ có chung đam mê, sẵn sàng đoàn kết vì thần tượng. Twitter là nơi hoạt động mạnh nhất của fandom này”, SCMP trích dẫn ý kiến của Mimyo - chuyên gia nghiên cứu thần tượng Hàn Quốc.
Theo Next Big Sound, công ty cung cấp dữ liệu âm nhạc trực tuyến có trụ sở tại New York, BTS với 36,79 triệu lượt đề cập trên Twitter vượt xa The Beatles chỉ 23.331 lượt nhắc đến, số liệu tháng 5/2019.
Tuy nhiên, những dòng tweet không thể là thước đo chính xác thể hiện sự thành công của nghệ sĩ. Sự phổ biến là yếu tố khá cần thiết nhưng chưa đủ để đánh giá tác động văn hóa của ca sĩ với khán giả đại chúng.
BTS ra đời trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ. |
Điều quan trọng hơn hết là xem phong cách âm nhạc của họ lan tỏa như thế nào trong nền văn hóa của các quốc gia khác, cụ thể là thị trường Mỹ.
Chỉ xét về các danh hiệu, BTS còn chặng đường rất dài để có thể so sánh với The Beatles. Ban nhạc người Anh đã có 21 ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, bỏ xa BTS cho đến nay.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng xuất phát điểm của đôi bên rất khác nhau.
The Beatles phải mất 10 năm hoạt động với tư cách là nhóm nhạc nhỏ, hoạt động ở những điểm diễn kém nổi tiếng. Còn các thành viên của BTS đã có nhiều năm thử giọng và đào tạo trước khi ra mắt vào năm 2013.
Đến nay, thời gian của nhóm nhạc Hàn Quốc trên thị trường âm nhạc toàn cầu ngắn hơn nhiều so với The Beatles.
Trong dữ liệu Next Big Sound đo được hồi tháng 5/2019, các bài hát của The Beatles đã đạt 550,5 triệu lượt nghe trực tuyến so với 1,42 triệu lượt của BTS.
Tính ra để thấy rằng tuy BTS đã lớn mạnh hơn nhưng chưa thể so được với The Beatles. Nhóm nhạc Anh vẫn tiếp tục được công chúng yêu thích dù không phát hành bất kỳ bản nhạc mới nào kể từ khi tan rã năm 1970.
Mất bao lâu để BTS được như The Beatles?
Theo Korea Times, các chuyên gia Hàn đánh giá thành công toàn cầu của BTS dựa nhiều vào ca từ, nội dung của ca khúc. Không giống các nhóm nhạc Kpop khác, thay vì tình yêu hoặc các mối quan hệ, BTS thường đề cập đến vấn đề xã hội như học đường, cá nhân, sức khỏe tâm thần… trong lời bài hát.
“Trong thời gian dài, các nhóm nhạc Kpop không đề cao chủ nghĩa hiện thực như BTS. Từ năm 2009-2015, họ hát về tình yêu, nỗi buồn, tình bạn và cảm xúc. Tuy nhiên, BTS nói về những khó khăn và sự đấu tranh của người trẻ tuổi trong cuộc sống. Điều này đã thành công”, Tamar Herman, cây bút âm nhạc của Billboard nói.
Đây là điểm chung của BTS và The Beatles.
Giữa những năm 1960, The Beatles bắt đầu viết những ca từ gây tranh cãi và kích thích tư duy người yêu âm nhạc. Họ hát về hòa bình và chính trị thế giới, trong đó có cả việc lên án nước Mỹ thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đến những năm 2010, chủ đề nóng bỏng của xã hội đã chuyển thành thất nghiệp, phân biệt đối xử, sức khỏe tâm thần...
Khán giả đại chúng hiện tại có thể liên tưởng đến lời bài hát để nghĩ về thành công của BTS. Thông qua việc đề cập các vấn đề xã hội, 7 chàng trai đã thể hiện cách vươn lên từ “nhóm nhạc vô danh” đến dẫn đầu trong thị trường Kpop vốn khắc nghiệt, đầy tính cạnh tranh và đào thải khốc liệt.
Nhưng suy cho cùng, thành tích của các nhóm nhạc Kpop nói chung, BTS nói riêng thường giành được nhiều lời khen ở Hàn Quốc hoặc một số nước châu Á hơn là các quốc gia phương Tây.
The Beatles và BTS có xuất phát điểm khác biệt. |
Các nhà phê bình của BTS chỉ ra rào cản ngôn ngữ là trở ngại đối với sự nổi tiếng của họ, điều mà The Beatles không phải đối mặt.
“RM có thể nói tiếng Anh, nhưng với tư cách là một nhóm nhạc, các thành viên còn lại ấp úng, thậm chí có phần thừa thãi trong các cuộc phỏng vấn. Rào cản ngôn ngữ là một vấn đề rất quan trọng để trở thành nhóm nhạc toàn cầu”, tác giả Herman nói.
Kim Young Dae - chuyên gia âm nhạc, người có 10 năm kinh nghiệm theo dõi sự lên xuống của Kpop ở Mỹ - cho biết đối tượng khán giả tại các sự kiện âm nhạc Kpop có sự đa dạng từ chủng tộc, quốc tịch cho đến nhiều tầng lớp khác nhau.
“Tại K-Con, sự kiện hòa nhạc Kpop diễn ra ở Mỹ, số lượng khán giả đã tăng đáng kể từ 20.000 lên 80.000 trong vòng một năm sau khi BTS nổi tiếng ở Mỹ. Ngay cả trẻ em trung lưu da trắng cũng mua vé máy bay để đi xem các buổi diễn của BTS”, ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng chỉ ra sự thật là số lượng người tham dự K-Con tăng lên phần vì tò mò nhóm BTS, số khác là người hâm mộ của nhóm chứ không phải họ thực sự yêu thích Kpop.
Văn hóa Kpop còn rất lâu để có thể sánh ngang với “Cuộc xâm lược của âm nhạc Anh” tiến vào đất Mỹ, trở thành âm nhạc toàn cầu mà The Beatles thành công trước đó.
Điều này đồng nghĩa với việc còn quá sớm để nói BTS sẽ trở thành The Beatles thế kỷ 21.