Trong phiên giao dịch hôm 4/8 theo giờ New York (rạng sáng 5/8 theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tiếp tục tăng vọt và lần đầu vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Trả lời Zing, ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cao cấp phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty OANDA (Mỹ), cho rằng giá kim loại quý sẽ tiếp tục đà tăng mạnh mẽ sau khi vượt ngưỡng tâm lý 2.000 USD/ounce.
Giá kim loại quý vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce. |
Sẽ tiếp tục leo dốc
Sau khi vượt ngưỡng kháng cự 2.000 USD/ounce, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đã có thời điểm tăng lên đến 2.030 USD/ounce trước khi đóng cửa ở mức 2.019,40 USD/ounce.
"Lãi suất thấp của Mỹ và đồng USD suy yếu là tất cả những gì thị trường cần để đẩy giá vàng lên cao. Trong ngày 4/8, bạc cũng tăng giá 7% lên 26 USD/ounce", ông Halley bình luận.
Theo chuyên gia tại OANDA, các đợt điều chỉnh của giá vàng sẽ diễn ra trong những ngày tới, nhất là khi giá đồng USD có thể được điều chỉnh cao hơn so với các đồng tiền mạnh khác trên thị trường ngoại hối toàn cầu. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng mua vào ở mức giá 1.980 USD/ounce.
"Tôi liên tục được hỏi rằng giá vàng còn có thể tăng cao đến ngưỡng nào. Ai ai cũng quan tâm đến nó. Chỉ cần nhìn vào thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ và quy mô của các gói kích thích kinh tế trên toàn cầu, tôi khẳng định giá kim loại quý sẽ còn tăng cao, thậm chí cao hơn rất nhiều", chuyên gia tại OANDA khẳng định.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cao cấp phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA. Ảnh: Bloomberg. |
"Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với những đợt điều chỉnh giá trong ngắn hạn. Việc bán tháo trên thị trường chứng khoán sẽ thử thách sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư kim loại quý", ông Halley nói thêm.
Theo ông Halley, nếu thâm hụt ngân sách và các chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn được duy trì, việc giá vàng chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce là hoàn toàn khả thi. "Dù vậy, đây cũng là một mục tiêu khá tham vọng trong năm 2020", chuyên gia này nhận xét.
Có thể vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce
Giới quan sát nhận định trợ lực của giá vàng là bền vững và lâu dài. "Giá vàng sẽ không trượt dốc trước những tín hiệu lạc quan của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các trợ lực chính giúp vàng tăng giá là thâm hụt ngân sách và lãi suất thực âm. Tôi tin rằng chúng vẫn được duy trì ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bước vào quá trình phục hồi", chuyên gia tại OANDA nói với Zing.
"Cùng với đó là nguy cơ siêu lạm phát do hàng loạt gói kích thích nền kinh tế của các chính phủ trên toàn cầu. Điều này cũng thúc đẩy giá vàng", ông nói thêm.
Theo giới phân tích, mọi tín hiệu phát ra từ cuộc họp chính sách tuần qua của FED đều khả quan đối với giá vàng. FED khẳng định rõ mục tiêu hàng đầu là chống khủng hoảng và chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ không thay đổi trong tương lai gần.
Tính tổng 2 quý đầu năm tài chính này, thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đã lên đến 2.700 tỷ USD, gần bằng mức thâm hụt năm kỷ lục do chính phủ Mỹ đổ hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế. Theo báo cáo của Goldman Sachs, dự kiến thâm hụt năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ USD, tương đương gần 20% GDP nước này.
Giới quan sát nhận định việc vàng chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce là khả thi. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, các chính phủ trên khắp thế giới đã công bố hàng loạt gói kích thích có tổng trị giá 20.000 tỷ USD, tương đương 20% GDP toàn cầu, để chống lại những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Bank of America cho biết tác động của dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang có thể đẩy giá vàng lên đến 3.000 USD/ounce trong vòng 18 tháng tới.
Tuy nhiên, theo ông Ronan Manly, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại BullionStar (Singapore), trong tương lai các ngân hàng trung ương sẽ cân đối lại bảng cân đối kế toán bằng cách tái định giá vàng dự trữ. "Đây được coi là thiết lập lại hệ thống tiền tệ và điều này sẽ xảy ra sớm hơn so với dự đoán của thị trường", ông Manly nói với Zing.