"Tôi hạnh phúc và rất tự hào". Đó là những gì Viktor Axelsen chia sẻ ngắn gọn sau danh hiệu tại Indonesia Open hôm 28/11.
Chức vô địch đầu tiên của anh tại giải đấu thuộc hệ thống Super 1.000 trên đất Indonesia, đồng thời có thêm 12.000 điểm thưởng để vươn lên ngôi số một thế giới. Anh có tổng điểm 113.979 trong khi Kento Momota có 112.210 điểm.
Axelsen thắng Momota, rồi đòi lại ngôi số một. Ảnh: Getty Images. |
Sự trở lại mạnh mẽ
"Thật điên rồ khi Axelsen không phải là số một thế giới khi anh ấy gần như đã giành được mọi danh hiệu", chuyên gia cầu lông Jim Laugesen của SportTV2 nhận định trước trận chung kết Indonesia Open.
Không có tay vợt nào thành công hơn Axelsen trong vòng hai năm qua. Anh vào chung kết 11 trong 13 giải gần nhất tham dự và 8 trong số đó giành chức vô địch. Trong năm 2021, tay vợt Đan Mạch đã giành huy chương vàng Olympic Tokyo, lên ngôi tại Denmark Open, Thailand Open 1, Thailand Open 2, Swiss Open và Indonesia Open.
Dấu ấn lớn nhất trong năm của Axelsen là tấm huy chương vàng Olympic Tokyo. Anh trở thành tay vợt đơn nam ngoài châu Á đầu tiên giành HCV, kể từ Thế vận hội mùa hè Atlanta 1996.
Lối chơi của Axelsen dựa nhiều vào ưu thế chiều cao 1,94 m. Tuy vậy, anh ngày càng hoàn thiện các kỹ thuật từ phòng ngự đến tấn công với các đường cầu đa dạng. Việc học tiếng Trung Quốc, sang Trung Quốc tập luyện và thi đấu đã giúp anh tiến bộ rất nhiều.
"Cậu ấy thực sự tấn công rất tốt và chơi bùng nổ, nên đôi khi có chút gây khó chịu. Axelsen của ngày trước nhưng với một phiên bản tươi mới hơn. Đó là lối đánh phòng ngự chắc chắn, và có rất nhiều biến hóa trong tấn công. Cậu ấy đã thành công trước những tay vợt hàng đầu", Laugesen nhận định.
Axelsen trở nên toàn diện. Ảnh: BWF. |
Sau tấm HCV Olympic Tokyo, Axelsen gây bất ngờ khi chuyển tới Dubai để tập luyện. Điều này khiến anh mất đi những quyền lợi như không có huấn luyện viên tuyển quốc gia hay chuyên gia vật lý trị liệu đi cùng ở các giải. Nói cách khác, anh phải tự chăm sóc bản thân.
Tuy vậy, quyết định của Axelsen giúp anh thêm thành công, khi tiết lộ bản thân không còn bị dị ứng mỗi khi tới mùa hè như ở Đan Mạch.
"Tôi rất bực bội và ức chế, vì tôi giảm 15-20% dung tích phổi khi bị dị ứng nặng nhất. Tôi không thích dùng thuốc, bởi vì tôi có ý thức về sức khỏe. Ở Dubai, tôi không cảm thấy dị ứng gì cả. Ngoài điều kiện tập luyện tốt, Dubai còn cho tôi thêm thời gian gần gia đình do cả nhà có thể dễ dàng theo tôi du đấu châu Á. Hành trình bây giờ không còn quá dài. Mỗi năm tôi phải du đấu khoảng 180 ngày. Từ nay tôi không cần phải vội vã vừa đấu ở châu Á xong liền phải quay về châu Âu", anh giải thích.
Tại Indonesia Open, tay vợt 27 tuổi được bạn gái Nathalie Koch Rhode và con gái Vega tháp tùng. Anh thiếu vắng đội ngũ, nhưng tự mình vượt qua mọi khó khăn, có những chiến thắng áp đảo và chỉ thua một set ở trận chung kết.
Ngày 27/9/2018, Axelsen mất ngôi số một thế giới vào tay Momota. Tay vợt Nhật Bản sau đó có 121 tuần liên tiếp đứng trên đỉnh bảng. Sau hơn 3 năm, Axelsen đã đòi lại được vị trí dẫn đầu.
Kẻ cơ hội
Khi làng cầu lông chia tay hai huyền thoại Lee Chong Wei và Lin Dan, Chen Long đã ở sườn dốc của sự nghiệp còn Momota gặp tai nạn, Axelsen đã tận dụng cơ hội tốt để vươn lên.
Sau khi hạ Axelsen để vô địch Malaysia Open hồi tháng 1/2020, Momota đã gặp tai nạn giao thông trên đường đến sân bay Kuala Lumpur để trở về Nhật Bản. Axelsen đã nắm bắt cơ hội để vô địch All England 2020, một trong những mảnh ghép cuối còn thiếu trong sự nghiệp, sau danh hiệu vô địch thế giới năm 2017.
Badzine đã gọi Axelsen là "kẻ cơ hội" sau khi anh lên ngôi tại All England năm 2020, một trong những giải đấu danh giá nhất của làng cầu lông thế giới. Anh phá vỡ thế thống trị của các tay vợt châu Á trong suốt 21 năm tại giải, kể từ khi đồng hương Peter Gade lên ngôi năm 1999.
Axelsen đang trở thành một thế lực. Ảnh: Badminton Photo. |
Momota phải nghỉ thi đấu hơn một năm và chỉ trở lại hồi giữa tháng 3. Người hâm mộ luôn mong ngóng cuộc đối đầu giữa Axelsen và Momota ở mọi giải đấu, nhưng họ phải chờ đến tận chung kết Denmark Open hôm 24/10. Khi đó, Axelsen đã thắng 20-22, 21-18 và 21-12.
Hai tay vợt đã quá am hiểu lối chơi của nhau và những đường cầu khó đều bị hóa giải. Cầu bền được cả hai sử dụng, khi trung bình 16 lần chạm vợt mỗi pha cầu. Momota thua trận sau 93 phút. Đó mới là chiến thắng đầu tiên của Axelsen trước Momota trong 7 năm qua, sau chuỗi 13 trận toàn thua.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về việc Axelsen có phải là một trong những tay vợt thành công nhất lịch sử hay tay vợt hay nhất của Đan Mạch từ trước đến nay? Điều khiến tay vợt 27 tuổi thành công nhất là việc anh sở hữu bộ sưu tập đồ sộ và đầy đủ nhất trong số mọi tay vợt Đan Mạch.
Trong một môn thể thao được thống trị bởi các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Indonesia, Đan Mạch là trường hợp ngoại lệ. Một đất nước với khoảng 6 triệu dân, nhưng đã luôn sản sinh ra các tay vợt thách thức những cường quốc châu Á, từ Erland Kops, Fleming Delfs, Morten Frost, Poul-Erik Hoyer, Peter Gade rồi đến Viktor Axelsen hay gần nhất là Anders Antonsen.
Thước đo cuối cùng giữa Axelsen và Momota sẽ diễn ra ở World Tour Finals, nơi quy tụ 8 tay vợt hàng đầu, khởi tranh từ 1/12. Đây cũng là giải đấu để 2 tay vợt quyết định vị trí số một thế giới khi kết thúc năm.