Nhiều năm qua, Apple luôn được đánh giá là công ty tạo ra những nền tảng an toàn nhất. Hệ điều hành macOS, iOS và quy trình xét duyệt ứng dụng nghiêm ngặt giúp cho người dùng đồ Apple tránh được nhiều rủi ro về bảo mật.
Tuy nhiên, chỉ trong năm 2019 Apple đã đối mặt với 2 vụ hack làm ảnh hưởng tới danh tiếng của họ. Vào tháng 5, Financial Times tiết lộ về lỗ hổng trên ứng dụng WhatsApp, cho phép hacker cài đặt malware vào smartphone của người dùng, bao gồm cả iPhone. Chiếc điện thoại sẽ bị chiếm quyền điều khiển nếu người dùng nghe cuộc gọi từ hacker.
Không lâu sau, Google lại công bố một lỗ hổng đã tồn tại tới 2 năm và có thể ảnh hưởng tới hàng trăm triệu chiếc iPhone. Những chiếc iPhone có thể bị dính mã độc khi truy cập một website và bị cài phần mềm theo dõi.
Vì sao nền tảng của Apple trở thành mục tiêu hấp dẫn?
Trong cả hai trường hợp, Apple đều kịp thời vá lỗ hổng trước khi chúng được công khai. Tuy nhiên, đây vẫn là những tin tức khiến người dùng bất ngờ, bởi hacker không chỉ xâm nhập được hệ điều hành iOS mà còn có thể truy cập nhiều thông tin quan trọng trên một chiếc iPhone: dữ liệu địa điểm, ảnh và tin nhắn.
Ứng dụng WhatsApp trên iOS, Android bị khai thác lỗ hổng để tấn công. Đến tháng 5 vừa qua, lloox hổng này mới được tiết lộ. Ảnh: Financial Times. |
Alex Heid, giám đốc nghiên cứu và phát triển tại công ty bảo mật SecurityScorecard cho rằng Apple giờ đây đã trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của các hacker. Mục đích của những vụ hack không chỉ là tiền mà còn là quyền lực.
Trong quá khứ, Apple được "an toàn" trước hacker một phần vì thị phần của họ thấp hơn các đối thủ. Trong cả ngành smartphone lẫn máy tính, Apple đều không phải công ty bán được nhiều sản phẩm nhất.
Tuy nhiên, thị phần khoảng trên 10% smartphone toàn cầu của iPhone vẫn là con số quá hấp dẫn với hacker. Trong vài năm qua, có nhiều thời điểm thị phần của Apple tăng mạnh, đỉnh điểm là đạt vị trí thứ 2 vào quý IV/2018 với 18% thị phần toàn cầu.
"Apple có sức ảnh hưởng tới thị trường mạnh hơn nhiều so với trước đây. Càng nhiều người dùng, hacker càng có động lực tấn công", ông Heid nhận xét.
Không chỉ số lượng, đối tượng người dùng đồ Apple cũng rất hấp dẫn đối với hacker.
Hacker ngày càng nhắm tới Apple nhiều hơn. Ảnh: Reuters. |
Một lý do khác khiến các nền tảng của Apple trở nên hấp dẫn chính là tiền. Với sản phẩm được định giá ở phân khúc cao cấp, người dùng đồ Apple có thể chấp nhận chi nhiều hơn để bảo vệ dữ liệu.
Chính Apple cũng nhận biết được điều này. Họ bỏ rất nhiều tiền thưởng cho các hacker mũ trắng để tìm kiếm lỗ hổng trong các sản phẩm của mình. Vào tháng 8, Apple công bố treo thưởng đến 1 triệu USD cho bài hack vào chiếc iPhone.
"Khi mà mã nguồn của bạn là duy nhất, thì mỗi lỗ hổng được tìm ra sẽ được bán hoặc sử dụng để kiếm rất nhiều tiền", ông Heid nhận xét.
Những gã khổng lồ đều phải trải qua giai đoạn này
Trước Apple, Microsoft mới là công ty phải đau đầu về những lỗ hổng của hệ điều hành bị hacker tập trung khai thác. Windows là mục tiêu hấp dẫn với hacker, bởi nó là hệ điều hành máy tính phổ biến nhất, được sử dụng cho cả mục đích cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Năm 2018, cuộc khảo sát 300 hacker tại hội nghị Blackhat USA cho thấy các hacker đều nhìn nhận Windows là nền tảng dễ tấn công nhất, trong khi Apple được coi là khó tấn công hơn.
Các thiết bị cho phép can thiệp sâu hơn vào hệ điều hành iOS, như chiếc iPhone đặc biệt này, đều được hacker săn đón và bán với giá cao. Ảnh: Motherboard. |
Tuy nhiên, những vụ tấn công trong năm 2019 đã cho thấy nền tảng của Apple không phải bất khả xâm phạm. Cả 2 vụ hack đều cho thấy lỗ hổng tồn tại trong thời gian dài, sử dụng mã độc để thâm nhập mà người dùng không hề hay biết. Theo ông Heid, đây có thể là phương thức tấn công những hacker sẽ tập trung trong thời gian tới.
"Chắc chắn số vụ tấn công nền tảng Apple dựa trên malware sẽ tăng lên", chuyên gia bảo mật này nhận xét.