Là người tung hê vụ Cambridge Analytica lạm dụng dữ liệu người dùng, dẫn tới bê bối lớn nhất năm 2018 của Facebook, Chris Wylie cho rằng mình đã làm đúng với những gì được dạy từ nhỏ.
Có thể khẳng định CEO Facebook Mark Zuckerberg sẽ không kết bạn với Chris Wylie trên mạng xã hội này. Wylie giờ đây thậm chí còn chẳng có tài khoản Facebook.
Sau khi tiết lộ bí mật động trời về Cambridge Analytica, châm ngòi bê bối lớn nhất về quyền riêng tư của Facebook hồi năm 2018, các tài khoản liên quan đến mạng xã hội này của Wylie đều đã bị khóa.
Không hối hận vì làm điều đúng đắn
Wylie, cựu Giám đốc nghiên cứu tại Cambridge Analytica, chính là “người thổi còi”, tiết lộ thông tin về việc nền tảng này khai thác lỗ hổng để lấy dữ liệu của hơn 70 triệu người dùng trên Facebook. Dữ liệu này được công ty sử dụng để khai thác quảng cáo chính trị, phục vụ cho các chiến dịch tranh cử hay bỏ phiếu.
Cuộc sống của Wylie đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi tên tuổi anh được công khai. Mọi khía cạnh cuộc đời đều bị soi mói. Phải mất một lúc, Wylie mới nghĩ ra từ để diễn tả quãng thời gian đó: "Một khoảng mù mịt".
“Rất khó để diễn tả cuộc sống dưới ống kính hiển vi của cả thế giới và phải nói về một thứ tệ hại đã biến mất. Sự chú ý đó dường như trở thành lý do tôi sống. Kiểu như, tôi luôn phải trả lời câu hỏi mình là ai, đang làm gì, và tại sao lại ở đây”, Wylie kể về quãng thời gian khó khăn.
Sau 1,5 năm, mọi thứ đã chậm lại. Wylie đã có công việc mới với vị trí giám đốc nghiên cứu tại một hãng thời trang, nơi anh xây dựng hệ thống sử dụng AI để hiểu rõ khách hàng hơn. Cuộc sống của anh không còn bị quan tâm nhiều như trước.
“Tôi muốn đảm bảo mình đang làm một thứ chắc chắn sẽ giúp được người khác, những người tôi chưa hoặc sẽ không bao giờ gặp mặt”, Wylie chia sẻ về hệ thống anh đang xây dựng.
Sau khi bóc phốt Cambridge Analytica, có rất nhiều công việc đến với Wylie. Tuy nhiên, anh không lựa chọn bất kỳ nơi nào, bởi những người tìm đến anh đều có chung nhu cầu. Đó là xây dựng một hệ thống khai thác dữ liệu của người dùng giống công ty cũ, kể cả khi việc khai thác đó nằm giữa ranh giới của luật pháp.
Tôi nghĩ cha mẹ tôi đã dạy tôi điều đúng đắn. Những gì tôi làm là kết quả trực tiếp từ việc nhận ra sai lầm của mình và hành động.
Chris Wylie, cựu Giám đốc nghiên cứu của Cambridge Analytica.
Dù trải qua quãng thời gian khó khăn cả về đời sống riêng tư lẫn công việc, Wylie không bao giờ hối hận vì đã nói với cả thế giới cách công ty của mình khai thác Facebook.
Với Wylie, đối mặt với những sai lầm của Cambridge Analytica giống như đối mặt với con quỷ bên trong chính bản thân mình. Anh không thể nhắc lại câu chuyện đó mà không thừa nhận rằng mình đã làm sai khi làm việc tại Cambridge Analytica.
Do vậy, nói lên sự thật là quyết định được đưa ra từ sự ân hận của bản thân anh khi đã trực tiếp mắc sai lầm tại Cambridge Analytica. “Tôi nghĩ cha mẹ tôi đã dạy tôi điều đúng đắn. Những gì tôi làm là kết quả trực tiếp từ việc nhận ra sai lầm của mình và hành động”, Wylie nói.
Chuyên gia dữ liệu có tài hùng biện
Chris Wylie thể hiện sự quan tâm tới chính trị từ sớm. Khi chưa đầy 20 tuổi, anh đã tham gia hội đồng địa phương, sau đó tới Mỹ và tham gia chiến dịch tranh cử của Tổng thống Barack Obama.
Năm 2010, anh tới học ngành luật ở trường LSE tại London, sau đó lại thực hiện luận án tiến sĩ về dự đoán xu hướng thời trang tại Đại học Nghệ thuật London.
Giống như nhiều người làm trong ngành công nghệ, tôi đã ngây thơ tin tưởng vào lời kêu gọi đi nhanh, phá vỡ mọi thứ của Facebook.
Chris Wylie, cựu giám đốc nghiên cứu của Cambridge Analytica.
Vốn có năng khiếu về dữ liệu và chính trị, đây là nơi Wylie được giới thiệu cho SCL Group, công ty chuyên dự đoán các xu hướng dựa trên dữ liệu.
Tại đây, anh chính là một trong những người kiến tạo nên Cambridge Analytica cùng với CEO Alexander Nix và cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Steve Bannon. Công ty này tập trung vào sử dụng dữ liệu để xây dựng nên hồ sơ khai thác về mặt tâm lý với người dùng.
“Giống như nhiều người làm trong ngành công nghệ, tôi đã ngây thơ tin tưởng vào lời kêu gọi đi nhanh, phá vỡ mọi thứ của Facebook. Trong đời chưa có gì làm tôi thấy hối hận như vậy”, Wylie viết trong cuốn sách mới xuất bản của mình.
Khác với hình ảnh một chuyên gia công nghệ với mũ trùm đầu và cắm mặt vào những dòng code, Wylie thực tế là một thanh niên với gu thời trang ấn tượng. Tại H&M, công ty mới của mình, anh cũng không dành nhiều thời gian cho khía cạnh kỹ thuật. Wylie thậm chí đang lo ngại kỹ năng Python đang bị kém đi.
Phần lớn thời gian trong công việc của anh được dành để nói chuyện với mọi người, tìm hiểu cách suy nghĩ của khách hàng, hay trước đó là những người đi bầu cử nghĩ gì. Về cơ bản, mối quan tâm lớn nhất của Wylie là những trào lưu văn hóa đang tạo ra thay đổi gì trong xã hội.
“Tất nhiên, tôi cũng làm một số việc yêu cầu kỹ thuật cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề của những người làm trong ngành công nghệ là họ quên mất công nghệ cần phục vụ con người. Do vậy, phần lớn công việc của tôi là nghĩ xem ai đang bị bỏ qua”, anh chia sẻ.
David Carroll, giáo sư tại trường Parsons - người từng yêu cầu Cambridge Analytica trả lại những dữ liệu của mình đã bị thu thập - đánh giá cao khả năng diễn đạt của Wylie.
Wylie từng có lần điều trần trước Quốc hội Anh vào tháng 3/2019. |
“Tôi không ngạc nhiên về những nội dung anh ấy nói ra. Điều tôi ngạc nhiên là khả năng trình bày thuyết phục của anh ấy. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về sự phức tạp trong tính cách của Wylie, nhưng cuối cùng thì những người thổi còi luôn có tính cách phức tạp”, Carroll nhận định.
Khi Wylie xuất hiện trước Quốc hội Anh vào tháng 3/2018 để nói về tin giả, anh ví cách công ty cũ của mình hoạt động giống như sử dụng doping ở Olympic: gian lận là đủ để phải nhận sự trừng phạt, chứ chưa cần xét đến hậu quả.
“Anh ấy không chỉ trả lời câu hỏi, mà còn là thể hiện lý lẽ của mình. Cách tu từ cũng cực kỳ hiệu quả”, Carroll kể lại.
“Giá mà Zuckerberg chịu nói chuyện với tôi”
Bê bối Cambridge Analytica làm ảnh hưởng nặng nề tới danh tiếng của Facebook, nhưng những người đứng đầu của Cambridge Analytica thì không bị thiệt hại quá nhiều. Alexander Nix, CEO của công ty, không hề bị phạt khoản tiền hay trách nhiệm hình sự nào.
So với sếp cũ, dường như Wylie lại phải chịu hậu quả lâu dài hơn. Ngay sau khi danh tính được tiết lộ, tài khoản Facebook của anh bị khóa. Các tài khoản Instagram, WhatsApp và những nền tảng sử dụng Facebook như Tinder của anh cũng không truy cập được nữa.
Wylie không quá tiếc nối những tài khoản này. Điều anh tiếc là những dữ liệu, như hình ảnh từ hồi còn nhỏ, được đăng lên đó. “Đó là một phát minh tuyệt vời, cũng như TV hay điện vậy. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là chúng ta nên tạo ra những ngôi nhà để giật điện mọi người”, Wylie ví von về Facebook.
Khi được hỏi quan điểm về Mark Zuckerberg, Wylie nói anh muốn biết tại sao một nhân vật quyền lực và kiếm nhiều tiền như vậy lại không thể hiểu rõ cộng đồng mà Facebook quản lý, vì sao Facebook luôn từ chối những lời cảnh báo về tin giả.
“Anh có cơ hội, vì ai cũng sử dụng sản phẩm của anh. Vì sao không trở thành người tốt? Giá mà Zuckerberg chịu nói chuyện với tôi. Tôi không nói mình là người khôn ngoan hay tốt hơn, nhưng tôi thấy thật kỳ lạ là họ khiến mình ngày càng trở nên tệ hơn”, Wylie nói.
Anh có cơ hội, vì ai cũng sử dụng sản phẩm của anh. Vì sao không trở thành người tốt?
Chris Wylie nhận xét về Facebook.
Wylie đang rất hạnh phúc với công việc ở H&M, nhưng con đường tương lai thì anh vẫn chưa chắc chắn. Điều duy nhất anh chắc là mình sẽ không đến làm việc tại Thung lũng Silicon, nơi tưởng như phù hợp nhất cho những người như anh.
“Đó không phải nơi sinh ra những ý tưởng hay. Những ý tưởng tốt hơn nhiều về cách đối xử với con người sẽ xuất hiện từ những lĩnh vực khác, góc nhìn khác. Vấn đề ở Thung lũng Silicon là họ có thói quen rất tệ, tôi nghĩ có thể do sự thiếu đa dạng vì toàn là đàn ông da trắng, nhiều quyền lực. Họ nhìn vào con người như đối tượng để thử nghiệm”, Wylie chỉ trích.
Sau sự cố của Cambridge Analytica, chuyên gia dữ liệu này vẫn rất tin tưởng vào sức mạnh của AI và dữ liệu. Tuy nhiên, anh cũng tin rằng dữ liệu cần được sử dụng “theo cách đúng đắn”, và hướng tới những mục tiêu tốt đẹp cho con người.
“Liệu có cách nào để một công ty vừa sử dụng dữ liệu để kiếm tiền, nhưng cũng làm cho thế giới tốt hơn, và người dùng thì cảm thấy vui vẻ khi để cho bạn sử dụng dữ liệu của họ hay không”, người đã vạch trần sự lạm dụng dữ liệu của Facebook băn khoăn.