Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách. Ảnh: Lux Group. |
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), năm 2023 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch với sự bùng nổ của lượng du khách trở lại thị trường Việt Nam
Chỉ trong 11 tháng, Việt Nam đã đạt 11,2 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa mục tiêu đón 8 triệu khách từ đầu năm và đạt trên 85% mục tiêu đón 12-13 triệu lượt khách mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mới đặt kỳ vọng.
Nhiều địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận cũng "về đích sớm" và bội thu khi vượt chỉ tiêu đón khách.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định đằng sau những con số thống kê hấp dẫn, khó có thể nói 2023 là một năm thành công của du lịch Việt Nam.
Đằng sau những con số
Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings cho biết những con số thống kê khó lòng phản ánh đúng tình trạng của thị trường du lịch Việt Nam.
"Hiển nhiên năm 2023 phải tăng trưởng so với năm 2022. Năm ngoái, chúng ta chỉ mới mở cửa du lịch vào tháng 3 với rất nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nếu so với 18 triệu khách du lịch quốc tế của năm 2019, con số hiện tại còn một khoảng cách quá xa". Theo ông Đức, chỉ cần nhìn vào ngành hàng không đang "càng bay càng lỗ" sẽ thấy ngay được phần ảm đạm đang bao phủ lên toàn ngành du lịch.
Vị chuyên gia nhận định khó khăn của ngành du lịch đến từ những khó khăn chung của nền kinh tế khi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, khách từ các thị trường Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu cũng chưa trở lại như kỳ vọng do các yếu tố liên quan đến chiến tranh và tỷ giá.
Bên cạnh đó, theo ông Đức, việc các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch cùng chính sách visa thông thoáng cũng khiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Đồng quan điểm, CEO Lux Group Hà Phạm cho rằng các nước láng giềng đã có chiến lược phục hồi tốt trong khi doanh nghiệp du lịch, khách sạn Việt Nam đã trải qua một năm ảm đạm với khả năng phục hồi quá chậm.
"Du lịch Việt Nam có truyền thống đặt kế hoạch thấp nên việc đạt và vượt con số đề ra là điều hiển nhiên. Cần phải nhìn nhận rằng so với bạn bè, chúng ta thiếu các chiến lược ngắn, trung và dài hạn, thay đổi mục tiêu cùng chiến lược linh hoạt để đạt được kết quả tốt nhất".
Du lịch Việt Nam có truyền thống đặt kế hoạch thấp nên việc đạt và vượt con số đề ra là điều hiển nhiên
Ông Hà Phạm, CEO Lux Group
Theo ông Hà, các bộ ban ngành và doanh nghiệp hàng không, lữ hành, đơn vị lưu trú đang "mệnh ai nấy làm", thiếu một cơ chế phối hợp chặt chẽ.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Vietluxtour, cho rằng cần xem xét lại số liệu thống kê của ngành du lịch.
"Cơ quan thống kê cứ gom tất cả lượng khách từ nước ngoài đến Việt Nam cho rằng đó là khách du lịch. Dù vậy, cần phải làm rõ trong số gần 12 triệu lượt khách đó có bao nhiêu người đến với mục đích du lịch, bao nhiêu người về thăm thân nhân, bao nhiêu khách ngoại giao, khách công vụ… Việc tất cả không được phân loại, chỉ rõ khiến số liệu không phản ánh đúng thực tế".
Cần chú trọng cả chất và lượng
Nói về thị trường năm 2024, ông Hà Phạm nhận thấy Việt Nam cần đặt mục tiêu đạt và vượt lượng khách năm 2019 là khoảng 18-20 triệu lượt khách. Từ đó, cần nghiên cứu "rộng cửa" hơn các chính sách về visa, tạo ra các sản phẩm mới, hướng đến những thị trường tiềm năng mới.
"Với các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu... cần có các chính sách quảng bá phù hợp để thu hút nhóm khách cao cấp đi du lịch gia đình, tổ chức sự kiện, đám cưới...", ông Hà khẳng định.
Ở một góc nhìn khác, ông Trần Thế Dũng cho rằng Việt Nam cần chú trọng hơn việc tìm đến những khách hàng thực sự trọng tâm, có tiềm năng với mức chi tiêu cao.
"Với tôi, khách ít nhưng chất sẽ tốt hơn và ngược lại. Khách chất lượng là khách đi tour trọn gọi, lưu trú trong thời gian dài. 100 khách chỉ đến và ở 2-3 ngày không bằng 30 khách đi xuyên Việt trong 6-10 ngày. Từ đó, các tỉnh thành đều được hưởng lợi", ông Dũng bày tỏ.
Du lịch Việt cần chú trọng thu hút những thị trường khách "chịu chi". Ảnh: Yến Vi Vu. |
Vì vậy, Việt Nam cần định vị lại thương hiệu để du khách biết đến là một điểm đến du lịch sang trọng, giàu văn hóa và di sản, thay vì điểm đến giá rẻ.
Ông Ngô Minh Đức nhận định thị trường du lịch năm 2024 sẽ đi ngang và khó lòng về lại mức 2019.
"Hiện các bộ ban ngành đang thiếu các kế hoạch hành động cụ thể, chưa đẩy mạnh xúc tiến tại các hội chợ du lịch lớn trên thế giới nên nhiều doanh nghiệp còn loay hoay và hoang mang. Ngoài ra, khách hàng đang có xu hướng đi du lịch tự túc nên 2024 sẽ là một năm không dễ dàng cho các doanh nghiệp du lịch".
Ông Đức đề xuất các doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ, tạo thành các liên minh, các hệ sinh thái du lịch. Qua đó sẽ khai thác được tối đa nguồn lực và phát triển bền vững.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...