Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền tại Singapore nhiều khả năng sẽ chỉ định Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat) làm trợ lý tổng thư ký thứ nhất của đảng này, theo truyền thông địa phương hôm 22/11. Điều này có nghĩa ông Vương, 57 tuổi, sẽ được lót đường để trở thành thủ tướng tiếp theo của đảo quốc.
Theo South China Morning Post, sau cuộc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương hôm 11/11, PAP dự kiến công bố đội ngũ lãnh đạo mới vào ngày 23/11, là chỉ dấu rõ nhất về gương mặt sẽ kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long, 66 tuổi.
Bộ trưởng Tài chính Singapore Vương Thụy Kiệt. Ảnh: Bloomberg. |
Những người trong giới cũng như các nhà quan sát nói rằng người được chọn làm trợ lý tổng thư ký thứ nhất của PAP, vị trí vốn thường được trao cho phó thủ tướng, sẽ trở thành thủ tướng thứ tư của Singapore sau ông Lý.
Nhật báo tiếng Trung Lianhe Zaobao dẫn một nguồn tin cho biết "có những chỉ dấu" rằng ông Vương Thụy Kiệt sẽ được bổ nhiệm vào vị trí trợ lý tổng thư ký thứ nhất, còn Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Trần Chấn Thanh (Chan Chun Sing) có thể sẽ là trợ lý tổng thư ký thứ hai.
Cả hai đều thuộc thế hệ "lãnh đạo 4G", tức thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi của PAP, đã giành được ghế trong Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan ra quyết định cao nhất của PAP, sau cuộc bầu cử nội bộ hôm 11/11.
Để dọn đường cho họ, hai Phó thủ tướng Trương Chí Hiền và Tharman Shanmugaratnam đã từ chức tại Ban Chấp hành Trung ương PAP.
Ngoài ra, một nguồn tin nói với South China Morning Post rằng các "lãnh đạo 4G" mới đây đã tổ chức một cuộc họp và đi đến quyết định rằng ông Vương, một người từng làm việc tại ngân hàng trung ương, sẽ là "người đầu tiên trong những người ngang hàng".
PAP, đảng cầm quyền tại Singapore từ năm 1959, áp dụng phương thức lựa chọn thủ tướng mà giới quan sát nói là tương tự cách các hồng y chọn ra giáo hoàng. Thủ tướng đương nhiệm đứng ngoài quá trình tìm người kế nhiệm và giao trách nhiệm đó cho các bộ trưởng trẻ tuổi - những người sẽ chọn ra trong số họ ai là "người đầu tiên trong những người ngang hàng".
Ông Trần Chấn Thanh, người từng được xem là ứng viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng tiếp theo, nói mô hình lãnh đạo của Singapore "vững mạnh hơn một tập hợp các thành phần riêng lẻ".
"Những nước thịnh vượng là những nước đủ may mắn để không chỉ có những cá nhân xuất sắc mà còn có một tập thể vững mạnh", ông Trần nói. "Một tập thể vững mạnh đặt lợi ích cá nhân qua một bên để hướng đến khát vọng chung của đất nước".