Ngày 4/9, trang On đưa tin sau 23 năm đồng hành cùng chương trình Hoa hậu Hong Kong, nhà tài trợ LukFook không tham gia trong cuộc thi vừa qua. Do đó, chiếc vương miện của người đẹp Tạ Gia Di chỉ có giá trị tượng trưng.
Các năm trước, LukFook thiết kế vương miện hoa hậu thủ công, sử dụng hàng trăm viên kim cương nhỏ, cùng một viên lớn có giá trị. Năm nay, nhãn hàng tuyên bố không tham gia với lý do dịch bệnh.
Hoa hậu Hong Kong 2020 Tạ Gia Di thiệt thòi khi có chiếc vương miện không giá trị bằng những người tiền nhiệm. |
Theo quy định của TVB, các hoa hậu có quyền giữ vương miện như một kỷ vật cá nhân và sử dụng trong các sự kiện. Hoa hậu 2005 Diệp Thúy Thúy và người chiến thắng cuộc thi năm 2012 Trương Danh Nha đều đội chiếc vương miện trong ngày cưới.
Các hoa hậu thường chia sẻ họ tự hào với chiến thắng cuộc thi và việc làm hoa hậu hơn vương miện. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa kỷ vật, nó còn là một món đồ có giá trị lớn dành cho người thắng cuộc.
Theo TOPick, Hoa hậu Hong Kong 1995 Dương Uyển Nghi là người được đội chiếc vương miện kim cương thật đầu tiên, giá ước tính hơn 10 triệu HKD (1,3 triệu USD). Năm 2017, khi việc kinh doanh của gia đình gặp khó khăn, cô đã cầm cố vương miện để vay một khoản tiền.
Hoa hậu Lý San San đăng quang năm 1996 cũng từng bán đấu giá kỷ vật lên ngôi của mình nhưng không thành công. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá trị của vương miện giảm dần. Năm 2015, vương miện của hoa hậu Mạch Minh Thi được định giá 4,28 triệu HKD.
Vương miện của Mạch Minh Thi và Hoa hậu 2016 Phùng Doanh Doanh đều được định giá 4,28 triệu HKD |
Theo Sina, vài năm trở lại đây cuộc thi Hoa hậu Hong Kong ngày càng kém thu hút. Những người giành chiến thắng không nhận được sự yêu thích của khán giả. Các hoa hậu kém tài năng, sau khi hợp tác với TVB không ai có sự nghiệp điện ảnh rực rỡ.
Bên cạnh đó, họ còn vướng nhiều scandal như Hoàng Gia Văn bị tố chen chân vào gia đình người khác, Chu Lệ Thần khiến đàn anh tức giận vì ăn vạ, sống thác loạn... Chính vì vậy, các nhà tài trợ cũng dần rút khỏi cuộc thi.