Từ thế kỷ trước, số đông đã định nghĩa danh xưng hoa hậu rất lớn lao - mà ở đó, những ai giành vương miện sẽ được cả thế giới tôn vinh sắc đẹp ngoại hình lẫn chiều sâu nội tâm. Nắm trong tay cơ hội xuất hiện trên sân khấu Miss World hoặc Miss Universe là ước mơ của bao cô gái.
Đến nay, không phải cuộc thi nào cũng giữ vững độ hot. Nhiều đấu trường đã tuyên bố hoãn tổ chức năm 2020 vì dịch Covid-19 (trừ Miss Earth diễn ra online) nhưng công chúng ít bàn tán hay tỏ ra nuối tiếc.
Nguyên nhân là gì?
Hưng thịnh
Miss World ra đời năm 1951, Miss Universe tổ chức mùa đầu một năm sau đó. Hai đấu trường tuy khác tiêu chí nhưng nhìn chung thí sinh đều đóng góp tích cực cho cộng đồng và đưa bộ mặt cuộc thi ngày càng phát triển.
Miss World được phát sóng trên BBC và nhiều kênh truyền hình nổi tiếng khác. Báo cáo năm 2003 cho biết lượt xem chung kết Hoa hậu Thế giới ở Trung Quốc phải đến hàng tỷ người. Trang web www.missworld.tv được thống kê có 100 triệu lượt xem mỗi ngày. Số thí sinh tham gia mỗi năm cũng từ 100 trở lên.
Vé dự đêm chung kết Miss World thường được bán hết từ ba tháng trước khi diễn ra cuộc thi, và có giá dao động 80-2800 USD. Vé VIP được bán đấu giá cho từ thiện với con số cao ngất ngưởng.
Còn với Miss Universe - cuộc thi hút truyền thông bậc nhất hành tinh, cũng từng được kênh CBS quảng bá rộng rãi, sau đó được hãng NBC tiếp quản việc phát sóng. Hoa hậu Hoàn vũ được đánh giá tổ chức nhanh gọn, thí sinh chiến thắng đa số đều rất rực rỡ.
Aishwarya Rai (giữa) đổi đời sau khi đăng quang Miss World 1994. Ảnh: The Quint. |
Những cô gái đăng quang sẽ nhận được gì?
Không chỉ Miss World, Miss Universe mà Miss International, Miss Earth... cũng sẽ trao vương miện tiền tỷ, khoản tiền mặt cùng rất nhiều quần áo, sản phẩm làm đẹp cho người chiến thắng. Hơn thế nữa, người nắm giữ danh hiệu cao quý còn rộng đường tiến thân vào showbiz.
Lấy ví dụ Aishwarya Rai - Hoa hậu Thế giới 1994. Cô tận dụng nhan sắc được chuyên trang Global Beauties ca ngợi là “đẹp vĩnh cửu, vượt thời gian” để oanh tạc giới điện ảnh Hollywood và đạt thành công nhiều vô kể. Dù trước đó, diễn xuất của Aishwarya không được quan tâm.
Nhìn vào Aishwarya, không ít gương mặt trẻ đều muốn được như vậy. Đó là lý do vì sao Venezuela, Colombia hay Philippines đua nhau mở lò đào tạo hoa hậu. Phụ huynh các nước này sẵn sàng đầu tư tiền bạc, cho con tham gia khóa học từ nhỏ để theo đuổi giấc mơ.
Vài năm trước, New York Post có bài viết về nỗi khát khao trở thành hoa hậu của người Venezuela, trong đó tiết lộ vương miện được đánh đổi bằng cái giá "cắt cổ" - khi các cô bé 12 tuổi được khuyến khích độn mông, sửa mũi, còn những cô gái 16 tuổi nên bơm vòng một.
Năm 2014, Maria Trindad, một cô gái Venezuela tham gia chương trình đào tạo hoa hậu, kể: "Hoa hậu trong quan niệm của chúng tôi là một người phụ nữ hoàn hảo. Khi bạn sống ở đất nước mà phụ nữ đẹp có triển vọng về nghề nghiệp cao hơn một người tài giỏi, bạn sẽ buộc phải suy nghĩ rằng, không có thứ gì quan trọng hơn nhan sắc".
Nhưng hiện tại, các đấu trường nhan sắc có còn uy tín, và chiếc vương miện có còn được khao khát đến vậy?
Lao dốc
Cuộc thi hoa hậu khoảng 10 năm trở lại đây chỉ được xem là show giải trí lắm "drama" khi ồ ạt bê bối mua giải, công tác tổ chức và chất lượng thí sinh không còn như xưa.
Năm 2012, phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda giả danh khách hàng để thương lượng với Lorraine Schuck - chủ tịch Miss Earth, về chuyện “đi cửa sau”, và cái giá bà này đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD.
Cuộc thi do Philippines khởi xướng còn bị tố thiên vị khi trong 18 năm tổ chức đã có tới 4 lần đại diện nước họ chiến thắng. Trong đó, Karen Ibasco - Miss Earth 2017 người Philippines - bị "ném đá" tơi tả nhất vì gương mặt già với nước da nhăn nheo và chi chít mụn ở giây phút đăng quang.
Bỏ ra 2.000 USD phí tham gia nhưng gần 80 cô gái chỉ được ở khách sạn 3 sao, di chuyển bằng tàu điện ngầm, thậm chí buộc phải ăn bốc mất vệ sinh. Năm 2016, do kinh phí thấp nên ban tổ chức mượn sân trước của Bảo tàng Quốc gia Philippines, Sân khấu trường Đại học Quốc gia Philippines để dựng không gian biểu diễn.
Ảnh backdrop Miss Earth bị nhàu nát, sân khấu ọp ẹp như hội chợ, chưa kể dàn thí sinh thừa cân, kém sắc đứng lố nhố trong cánh gà chờ đến lượt trình diễn, cũng gây thất vọng cho khán giả xem truyền hình.
Những lý do trên khiến 90% thành viên Global Beauties nhận định Miss Earth không còn uy tín nữa.
Hình ảnh thí sinh Miss Earth 2018 ăn bóc, đứng lố nhố trong một bữa tiệc. Ảnh: Miss Earth. |
Chung số phận với Miss Earth, Miss World không tránh khỏi khâu tổ chức sơ sài. Hình ảnh đăng quang của Hoa hậu Thế giới 2018 Vanessa Ponce trên chiếc ghế nhựa đơn điệu, kém sang phần nào làm giảm giá trị cuộc thi. Nhiều diễn đàn đã chia sẻ khoảnh khắc này kèm chú thích: "Sân khấu ao làng".
Năm 2016, Miss World bị chỉ trích khi để giám đốc quốc gia Indonesia và Puerto Rico làm giám khảo. Đây được cho là một trong những lợi thế giúp đại diện Puerto Rico chiến thắng. Cùng lúc đó, Beatrice Fontoura - thí sinh người Brazil - bức xúc tố: “Không có đủ thức ăn, nước uống, có cả những cô gái còn ngủ với ban tổ chức”.
Người đẹp 30 tuổi khẳng định cô quyết định vạch trần sự thật không phải vì thua cuộc. Cô tự hào về thành tích top 10 và những giá trị của bản thân mình.
Kể từ ngày Donald Trump bán lại bản quyền cho IMG, Miss Universe cũng không còn giữ được sức hút. Hai cuộc thi năm 2016 và 2019 đều gây thất vọng với sân khấu bán kết hình chữ T chật hẹp, đường catwalk trơn và ánh sáng kém chất lượng.
"Nếu đó là quy luật chung của sự thoái trào có hệ thống từ cuộc thi nhan sắc từ châu Á sang châu Mỹ, người hâm mộ trung thành như tôi không còn gì để kỳ vọng nữa", một tài khoản bày tỏ.
Quay ngược về 2015, khoảnh khắc chiếc vương miện Miss Universe trị giá 30.000 USD được gỡ từ đầu của hoa hậu Colombia để trao lại cho người đẹp Philippines trở thành hình ảnh đáng quên tại đấu trường nhan sắc hấp dẫn nhất hành tinh.
Ngay sau chương trình kết thúc, MC Steve Harvey - người gây ra sự cố - chia sẻ trên Twitter: "Tận đáy lòng, tôi muốn gửi lời xin lỗi hai cô gái. Tôi cảm thấy thật kinh khủng. Tôi cũng muốn xin lỗi khán giả vì đã khiến các bạn thất vọng. Thực sự tôi rất tiếc. Tôi không muốn cướp mất buổi tối tuyệt vời của những cô gái xinh đẹp".
Nhưng có lẽ, ai cũng biết lời xin lỗi đó chẳng thể xoa dịu được trái tim tổn thương của nàng hậu vùng Nam Mỹ.
Hào quang vương miện có rực sáng trở lại?
Miss Universe chạm mốc 7,7 triệu người xem tại Mỹ năm 2014, vượt qua thống kê rating show The Simpsons, Family Guy, Galavant trong cùng khung giờ vàng.
Nhìn chung, đây là kỷ lục cao nhất của cuộc thi từ năm 2006. Con số bắt đầu giảm dần từ năm 2015 (6,2 triệu), năm 2016 (5,2 triệu), năm 2017 (4,46 triệu), năm 2018 (4,19 triệu) và năm ngoái chỉ 3,82 triệu lượt.
Donald Trump cũng bày tỏ thất vọng về thực tế tuột dốc của Miss Universe: "Tôi đã bán cuộc thi với cái giá kỷ lục. Điều này đáng nhẽ không bao giờ nên xảy ra".
Nhiều nhận định rằng tiêu chuẩn thay đổi gây ra sự hụt hẫng, làm mất lượng khán giả trung thành. Nếu thời Trump, cô gái toát ra vẻ nóng bỏng, phóng khoáng và tự tin khả năng cao sẽ đăng quang, thì giờ đây sân chơi chứng kiến sự lên ngôi của dàn thí sinh giàu trí tuệ.
Lập luận ấy được minh chứng bằng việc các Miss Universe là Iris Mittenaere (2016), Demi-Leigh Nel-Peters (2017) còn chẳng được quan tâm bằng những người đẹp đăng quang cách đây hơn thập kỷ như Dayana Mendoza (2008), Stefanía Fernández (2009).
Trong khi đó, Miss World ngược lại. Cuộc thi giữ hầu hết tiêu chí từ thời mới "thai nghén", kịch bản mỗi năm thường kéo dài lê thê và kém hấp dẫn.
Năm 2019, khán giả than phiền đêm chung kết Hoa hậu Thế giới trải dài 3 tiếng nhưng tiết mục mở màn Dance of the World đã chiếm hơn 60 phút. Các màn biểu diễn của ca sĩ khách mời cũng bị cho là quá nhiều.
"Tôi nghĩ Miss World nên thay đổi theo hướng hiện đại và hấp dẫn hơn. Format đang nhàm chán và cũ kỹ, sân khấu thiếu đầu tư" là ý kiến của người xem chương trình.
Trong Big 6 chỉ có Miss International duy trì phong độ. Cuộc thi theo đuổi giá trị bền vững, các cô gái tranh tài đa phần đều hài hòa về nhan sắc và toát lên sự thông minh trong cách giao tiếp, ứng xử.
Miss Universe 2016 (trái) và Miss World 2015 bị chê nhạt nhòa, không được truyền thông quan tâm sau đăng quang. Ảnh: Yahoo. |
Miss Grand International dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng nhanh chóng tạo vị thế khi có sự học hỏi từ các cuộc thi trước cũng như mang bản sắc riêng phù hợp xu hướng thời nay. Cuộc thi hướng tới thông điệp Chấm dứt chiến tranh và bạo lực, người thắng cuộc có nghĩa vụ đến nhiều quốc gia trên thế giới vận động nâng cao tinh thần đoàn kết, chấm dứt bạo lực, nâng cao nhân quyền.
Mới tổ chức 7 mùa nhưng Miss Grand thu hút số lượng thí sinh không kém cạnh Miss World, Miss Universe. Công tác truyền thông mạnh mẽ là chiêu bài thông minh để nhiều nhà tài trợ sẵn sàng rót vốn vào đấu trường này.
Thế nên, Nawat Itsaragrisil - nhà sáng lập Hoa hậu Hòa bình Quốc tế - mới tự tin tuyên bố chỉ có Miss Universe mới xứng đáng cạnh tranh với "con cưng" của ông.
Miss Supranational tuy dính ồn ào chuyện sau hậu trường nhưng cũng đang trên đà thăng tiến. Mỗi năm, cuộc thi đón tiếp vài chục cô gái đến từ khắp thế giới quy tụ về so tài.
Rất khó để khẳng định tương lai các cuộc thi hoa hậu sẽ ra sao, nhưng nhìn vào lượng rating gần nhất cùng nhiều luồng ý kiến chê bai, Miss Universe hay Miss World trước mắt đã không còn là món ăn tinh thần được đông đảo khán giả chờ đợi.