Sáng 18/10, Ủy ban Thường vụ Quộc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết dự án Luật sửa đổi liên quan đến 12 Luật hiện hành, bao gồm: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường, Luật quản lý thuế, Luật quảng cáo, Luật nhà ở, Luật khoáng sản, Luật điện ảnh, Luật đấu thầu và Luật quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên, qua rà soát danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dự kiến sửa đổi, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc bãi bỏ, hợp nhất, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Cụ thể, việc hợp nhất các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần dựa trên cơ sở thực tiễn, tránh việc chỉ làm giảm đầu mục trên danh mục còn khi hướng dẫn vẫn phải tách ra chi tiết, như điều kiện kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực chất là hợp nhất từ 7 ngành, nghề.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị bổ sung sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ôtô là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời có ý kiến đề nghị bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với kinh doanh dịch vụ massage.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn. |
Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và giải trình thêm về cơ sở đề xuất bãi bỏ, hợp nhất các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thống nhất với các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nhân nhưng vẫn bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và lợi ích chung của cộng đồng.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định đây chưa phải là những vấn đề “cháy nhà chết người”.
Chia sẻ với sức ép của Chính phủ, nóng lòng muốn sửa đổi, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng người đứng đầu Quốc hội phân tích những điều được đề nghị sửa đổi là những quy định thủ tục hành chính, không nhất thiết phải sửa luật mới thực hiện được.
“Dự án luật chưa đưa ra được những điều khoản cần thiết sửa. Các điều khoản trong dự án luật tôi chưa thấy là sẽ tạo động lực mới cho đầu tư, kinh doanh. Tôi thấy thực sự không yên tâm khi trình dự luật này ra Quốc hội với nội dung như hiện nay”, bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội nhận định cần hết sức cân nhắc một luật sửa nhiều luật, bởi có thể phá vỡ cấu trúc logic của các luật, vì mỗi luật có đối tượng, phạm vi điều chỉnh khác nhau.
Ông Phùng Quốc Hiển cho biết Thường vụ Quốc hội thấy rằng dự án luật này chưa đảm bảo các điều kiện trình lên kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
“Còn có nhiều ý kiến khác nhau, nếu các ý kiến này không được xem xét thận trọng có thể gây cản trở mới, gây ra các xung đột pháp lý, đồng thời đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật cẩn thận, kỹ lưỡng hơn", ông Hiển nhấn mạnh.