Theo CNN, trong bài phát biểu tại Davos, Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng đáng kể, và điều quan trọng với nước này là tập trung vào kế hoạch lâu dài.
"Sẽ có nhiều sự không chắc chắn trong năm 2019, nhưng một điều chắc chắn là kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng bền vững", ông Vương tuyên bố.
Hồi đầu tuần này, chính phủ Trung Quốc công bố số liệu cho thấy kinh tế nước này tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, con số thấp nhất trong gần ba thập kỷ.
Các hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do chính phủ nỗ lực để kiểm soát mức nợ cao, với mục đích giúp nền kinh tế có những bước đi ổn định hơn. Mọi thứ cũng trầm trọng thêm từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, khi hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế.
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người được coi là "cánh tay phải" của Chủ tịch Tập Cận Bình trong các vấn đề kinh tế. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Vương bày tỏ sự lạc quan với con số 6,6% được đưa ra.
"Tôi nghĩ đó là một con số khá đáng kể. Không thấp. Không hề thấp", phó chủ tịch Trung Quốc nhận định.
Ông Vương cho rằng đảng và chính phủ Trung Quốc đang "cố gắng nhắc nhở mọi người rằng tốc độ rất quan trọng, nhưng điều thật sự quan trọng vào lúc này là chất lượng và hiệu quả" của sự phát triển.
Mặc dù vậy, thị trường vẫn phản ứng tiêu cực trước thông tin kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, và lo ngại cho tác động của điều này tới tăng trưởng toàn cầu.
Ông Trần Hưng Đông, kinh tế gia trưởng phụ trách Trung Quốc của ngân hàng BNP Paribas, cho rằng Bắc Kinh đang đối mặt với tình huống khó khăn nhất cho nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.
"Tăng trưởng chậm lại khá đột ngột, mức độ chậm lại cũng rất đáng kể", chuyên gia này nhận định.
Chính phủ Trung Quốc theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng một sự kết hợp của chính sách tiền tệ nới lỏng và các biện pháp kích thích tài khóa như cắt giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ.
Điều này tiếp tục tạo ra những điểm sáng trong nền kinh tế. Sản lượng bán lẻ ở Trung Quốc được dự kiến sẽ đạt 5,6 nghìn tỷ USD trong năm nay, hơn 100 tỷ USD so với Mỹ, theo một báo cáo của công ty nghiên cứu eMarketer.
Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu thì đang bị bao trùm bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Bắc Kinh và Washington đang cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn 1/3, nếu không mức thuế 10% Mỹ áp lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc sẽ được tăng lên 25%. Các cuộc đàm phán cấp cao đã được lên kế hoạch vào cuối tháng này tại Washington, mặc dù lời mời của Bắc Kinh nhằm tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ trong tuần này đã bị Nhà Trắng từ chối.
BNP Paribas cho rằng có 60-70% khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận. Việc không đạt được thỏa thuận nào sẽ "khiến cho rất nhiều việc làm bị mất", theo lời chuyên gia Trần.
Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn tỏ ý khiển trách chính quyền ông Trump nhưng đồng thời cũng cho thấy mong muốn hòa bình với Washington.
"Việc đổ lỗi cho người khác với những vấn đề của chính mình sẽ không giải quyết được vấn đề", ông Vương phát biểu nhưng sau đó trong phiên hỏi đáp với chủ tịch diễn đàn kinh tế thế giới, phó chủ tịch Trung Quốc cho rằng hai nền kinh tế dựa vào nhau, vì vậy "cần có lợi ích chung và cùng có lợi".