Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vũng Tàu giữ đồi cát trong dự án tỷ đô

Chủ đầu tư của dự án có vốn đăng ký 4,1 tỷ USD muốn san dãy đồi cát ở TP Vũng Tàu để làm tổ hợp du lịch. Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì quyết giữ thành lũy bảo vệ cho TP này.

Dự án khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Sài Gòn Atlantis Hotel có diện tích hơn 300 ha đất trong bờ và 600 ha diện tích mặt nước do Công ty TNHH Winwest Invest VN (100% vốn Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đăng ký lên đến 4,1 tỷ USD.

Trong đó, dự án có 20 ha chạy dọc bãi biển Chí Linh - Cửa Lấp, nơi có nhiều đồi cát tự nhiên. Dãy đồi cát này có tác dụng như một bức thành lũy che chắn cho Vũng Tàu từ hướng biển.

Khu vực biển Chí Linh - Cửa Lấp nhìn từ trực thăng. Những khoảng xanh trong ảnh là những đồi cát chắn sóng, chắn gió cho Vũng Tàu từ hướng biển. Ảnh: Đông Hà.
Khu vực biển Chí Linh - Cửa Lấp nhìn từ trực thăng. Những khoảng xanh trong ảnh là những đồi cát chắn sóng, chắn gió cho Vũng Tàu từ hướng biển. 

Càng giữ nhiều đồi cát càng tốt

Ông Mai Trung Hưng, phó giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định tất cả các phương án kiến trúc trình lên, nếu có đồi cát Sở Xây dựng đều không đồng tình cho san hạ đồi cát.

Và đã có nhiều công trình, trụ sở được xây dựng trên đồi, giữ nguyên độ cao.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng thừa nhận trong thực tế xây dựng có một số khó khăn nhất định hay bất khả kháng thì phải hạ độ cao.

“Quan điểm của sở là càng giữ nhiều đồi cát càng tốt. Về mặt mỹ quan, nếu quy hoạch xây dựng tôn trọng địa hình nguyên trạng thì cảnh quan sẽ sinh động hơn, đẹp hơn” - ông Hưng nói.

 

Người dân Vũng Tàu cho rằng nếu các đồi cát dọc khu vực này bị san phẳng thì biển sẽ xâm thực nhanh vào đất liền và có thể nước biển sẽ tràn qua đường 3/2. Trên thực tế, hằng năm ở khu vực Trái Nhái, Cửa Lấp biển đã xâm thực, "ăn" dần đất trong bờ.   

Tháng 8/2009, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án này. Theo đó cho phép những công trình như khách sạn 5 sao, khu mua sắm, khu giải trí,... được nằm trên chính các đồi cát. Sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư đã đề nghị cho phép san lấp các đồi cát để xây dựng công trình.  

Tuy nhiên, với tầm quan trọng đặc biệt của các đồi cát này, tháng 11/2011, Sở Tài nguyên - Môi trường đã đề nghị tỉnh và ngành chức năng khác không cho phép chủ đầu tư san hạ đồi cát trong dự án. Sau đó, Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị chủ đầu tư phải điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết, theo đó "phải trừ đi 20ha diện tích đồi cát là không được xây dựng".

Trước sự lên tiếng của các cơ quan chức năng, đến nay dãy đồi cát trong dự án vẫn được giữ nguyên. 

Theo chủ đầu tư, hiện dự án chưa triển khai vì có nhiều vướng mắc, trong đó có việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không cho phá các đồi cát. Ông Peter Luu, tổng giám đốc Công ty TNHH Winwest Invest, cho biết vị trí những đồi cát này nằm ở khu đất được lên thiết kế để làm khu khách sạn 5 sao, vui chơi, giải trí, mua sắm và rộng khoảng 5ha.

Ông cho hay nếu tỉnh yêu cầu giữ đồi cát thì phải làm lại quy hoạch từ đầu sẽ mất thêm nhiều thời gian và tốn kém thêm. Để triển khai dự án chỉ có cách phải phá bỏ đồi cát, chứ không thể xây công trình trên hoặc cạnh đồi cát. Do đó, chủ đầu tư sẽ tiếp tục đề xuất cho san đồi cát để thi công. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hữu Lợi, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định: "Chủ trương của tỉnh rất rõ là phải giữ các đồi cát, không cho hạ độ cao và để giữ các đồi cát hiện hữu, sở ngành chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch để giữ nguyên trạng dãy đồi cát".

Ông Mai Trung Hưng, phó giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng cho hay phải giữ tất cả các đồi cát còn lại của Vũng Tàu, trong đó quan trọng nhất là hệ thống đồi cát chạy dọc bờ biển từ Chí Linh đến Cửa Lấp. "Để bảo vệ các đồi cát, từ lâu sở đã yêu cầu khi lập đồ án quy hoạch phải tôn trọng địa hình nguyên trạng, khi xây dựng hạn chế tối đa tác động đến đồi cát" - ông Hưng nói.

Phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra dự án lấp sông Đồng Nai

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến về việc thực hiện dự án tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, trong những năm qua không phải các đồi cát ở đây không bị xâm hại. Năm 2011, chính chủ đầu tư đã thuê một đơn vị thi công san hạ đồi cát nhưng bị phát hiện và phải tạm dừng.

Đầu năm 2015, chính quyền phường 11 và ngành chức năng phát hiện hai đồi cát thuộc dự án trên đã bị trộm cát "xẻ thịt". Vị trí đồi cát bị trộm chỉ cách mép biển khoảng 200m. Theo ước tính, số lượng cát bị lấy trộm lên tới hàng ngàn mét khối. 

Ông Vũ Đăng Khoa, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Vũng Tàu, cho hay để dẹp nạn phá đồi, trộm cát cần phải xử lý hình sự những người tham gia. Hiện Công an TP Vũng Tàu đang thụ lý điều tra vụ trộm cát vào đầu năm 2015. 

Báo cáo đánh giá tác động môi trường bỏ qua “đồi cát” 

Tháng 8/2008, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trên được ông Nguyễn Khắc Kinh - vụ trưởng thẩm định và đánh giá tác động môi trường (thừa ủy quyền bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường) - ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tại báo cáo này, chủ đầu tư không hề nhắc đến tác hại nếu các đồi cát trong đất dự án bị phá đi để xây công trình mà chỉ nhắc đến hệ thống "“cồn cát, đồi cát chạy dài ven biển với độ cao trung bình từ 5 - 7m, trong đó đồi cao nhất lên tới hơn 21m".

Đồng thời theo báo cáo, "trong tương lai những đồi cát này sẽ được san ủi phù hợp chung với quy hoạch của dự án". 

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150510/giu-doi-cat-trong-du-an-ti-do/744954.html

Theo Đông Hà/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm