Chưa đầy hai tuần sau khi Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 kết thúc với quyết định thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, Bắc Kinh đã có một động thái khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt Nhật Bản hết sức “sững sờ” khi tuyên bố Vùng xác định phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông ngày 23/11. Theo đó, Bắc Kinh yêu cầu tất cả máy bay, vật thể qua lại khu vực này phải thông báo trước kế hoạch với giới chức Trung Quốc, phải gắn logo, cờ hiệu rõ ràng và nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của Bắc Kinh, nếu không sẽ phải đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp”.
Mặc dù Zheng Zeguang, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu, mục đích của ADIZ là để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh lãnh thổ, không gian của Trung Quốc cũng như đảm bảo an toàn cho các chuyến bay trên khu vực biển Hoa Đông, nhưng tuyên bố này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nhật Bản. Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida cho rằng, đây là hành động đơn phương không thể chấp nhận, có thể châm ngòi cho những hành động không thể tiên đoán trước.
Báo chí Nhật Bản cũng vào cuộc. Tờ Morden Tokyo Times nhận định động thái của Trung Quốc chính là phát động “cuộc tấn công xâm lược” chủ quyền Nhật Bản. Trong khi đó, tờ Sankei Shimbun đe dọa: “Nếu những sự việc không mong muốn xảy ra, Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông Valery Kistanov nhận định: “Hai vùng xác định phòng không chồng lên nhau của Nhật Bản và Trung Quốc đang tồn tại phía trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thực trạng này tất nhiên rất nguy hiểm. Tình hình rất đáng lo ngại, triển vọng tranh chấp không rõ ràng. Bởi vậy bất cứ lúc nào cũng có khả năng ai đó mất bình tĩnh và trường hợp như vậy có thể dẫn đến sự cố quân sự. Hậu quả sẽ khôn lường”.
Chia sẻ quan điểm này, nhà phân tích Hiroko Maeda tại Viện PHP (Nhật Bản) cảnh báo, động thái mới nhất của Trung Quốc có thể khiến Tokyo mất dần sự kiểm soát đối với khu vực. “Trung Quốc đã phái tàu đến đó. Giờ họ tìm cách lấn lướt trên không và xung đột có thể xảy ra”, ông Maeda nói.
Tuy nhiên, Denny Roy, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Đông - Tây có trụ sở ở Honolulu nhận định, ý định thật sự của Trung Quốc không phải là thị uy sức mạnh quân sự, mà chỉ là nhằm làm nổi bật yếu tố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ông khẳng định, thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến Tokyo sau việc thiết lập ADIZ là Bắc Kinh thực sự nghiêm túc và sẽ giữ vững thái độ cứng rắn đối với vấn đề chủ quyền, cho đến khi nhận được sự nhượng bộ. Cụ thể hơn, Trung Quốc “muốn Nhật Bản thừa nhận là có tranh chấp lãnh thổ để tiến đến các bước cùng quản lý Điếu Ngư/Senkaku trên thực tế”.
Chia sẻ quan điểm này, Li Fung, một chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Hong Kong nhấn mạnh, khả năng xung đột xảy ra tại khu vực biển Hoa Đông là không cao, vì cả hai bên sẽ đều bị tổn thất.
Theo ông, việc thiết lập vùng xác định phòng không là một bước đi của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ở một góc nhìn nào đó, ADIZ đã cụ thể hóa cho tính “chính danh” của Trung Quốc trong việc can dự sâu rộng hơn vào vùng biển tranh chấp. Việc thành lập ADIZ này sẽ cung cấp “cơ sở pháp lý” để quân đội Trung Quốc ứng phó với những trường hợp máy bay quân sự nước ngoài bay vào khu vực trên và đây là một bước nhằm khẳng định chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư.
Thời gian qua, quan hệ Trung - Nhật vô cùng căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: China Daily Mail. |
Bên cạnh đó, việc thiết lập ADIZ là phép thử của Trung Quốc đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Trong bài viết đăng trên tờ The Wall Street Journal, tác giả Andrew Erickson cho rằng, động thái của Bắc Kinh đang gây sức ép đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, và Bắc Kinh đang muốn tấn công cả ông Abe lẫn ông Obama.
Nếu căn cứ vào Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản ký năm 1960, trong đó có cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chắc chắn Washington không thể “bỏ rơi” đồng minh của họ khi sự cố phát sinh. Rõ ràng, trong bối cảnh Mỹ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng do tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, đây chính là một “hàn thử biểu” để đo giá trị của đồng minh Mỹ - Nhật hiện nay.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, toan tính sâu xa hơn cả của Trung Quốc là muốn tạo tiền lệ để thiết lập vùng xác định phòng không tại các khu vực biển khác. Ngày 25/11, trang mạng của tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời thiếu tướng Doãn Trác, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban cố vấn của Hải quân Trung Quốc, phát biểu trên Truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng, Chính phủ nước này “từ nay có thể sẽ tiến tới thiết lập ADIZ trên các vùng biển liên quan như Hoàng Hải và Biển Đông”. Việc thiết lập ADIZ là điều “tất yếu”, ông này nói thêm.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới chính phủ, cũng cho Infonet biết, trước đây, Trung Quốc từng áp dụng những phương thức tương tự ở Biển Đông thông qua việc đề nghị Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) điều chỉnh phạm vi Vùng thông báo bay (FIR) lấn vào Vùng thông báo bay của Việt Nam (FIR Hồ Chí Minh), phạm vi mà Trung Quốc đề nghị điều chỉnh bao trùm lên khoảng không của quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Rõ ràng, Trung Quốc đã có ý định từng bước mở rộng phạm vi vùng này bao trùm vùng trời ở trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Chính vì vậy, không thể nói kịch bản thiết lập ADIZ tương tự không thể xảy ra trên Biển Đông.