Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vực sâu tuyệt vọng ở Afghanistan

Thảm họa nhân đạo đang khiến nhiều bậc cha mẹ Afghanistan phải bán con nhỏ, thậm chí bán cả nội tạng để có tiền mua thực phẩm, tránh nguy cơ cả gia đình chết đói.

afghanistan taliban anh 1

Trong một khu định cư dành cho dân tị nạn ở miền Tây Afghanistan, người phụ nữ tên Aziz Gul đang tuyệt vọng tìm mọi cách bảo vệ các con gái của cô.

Chồng của Aziz đã bán con gái 10 tuổi vào làm dâu cho một gia đình khác mà không bàn bạc với vợ. Đổi lại, gia đình với 5 người con khác của Aziz có được một khoản tiền để mua đồ ăn, tránh cảnh cả nhà cùng chết đói. Người chồng nói buộc phải hy sinh một người con để cứu những đứa trẻ còn lại.

Gia đình của Aziz không phải cá biệt. Trong bối cảnh Afghanistan đang chìm sâu trong nghèo khổ và nạn đói, nhiều bậc làm cha mẹ nước này buộc phải tìm tới giải pháp cuối cùng, bán đi những đứa con mà họ dứt ruột sinh ra, theo AP.

Hy sinh một đứa trẻ để cứu cả gia đình

Nền kinh tế "què quặt" của Afghanistan đã nhanh chóng lụn bại sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước giữa tháng 8 trong bối cảnh Mỹ và NATO rút quân.

Cộng đồng quốc tế đóng băng tài sản của chính phủ Afghanistan ở nước ngoài, tạm dừng mọi khoản viện trợ, không muốn làm việc với chính quyền do Taliban lập ra bởi chế độ cai trị hà khắc đầy tai tiếng của lực lượng này từ 20 năm trước.

Hậu quả nhanh chóng ập đến, khiến người dân Afghanistan vốn đã kiệt quệ bởi chiến tranh, hạn hán và đại dịch Covid-19 càng thêm khốn cùng.

Công chức nhà nước đã bị chậm lương suốt nhiều tháng. Nạn đói và suy dinh dưỡng hoành hành đe dọa sự sống của những nhóm người dễ tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em.

Các tổ chức cứu trợ quốc tế cho biết khoảng 24 triệu người, tương đương 60% dân số Afghanistan, thường xuyên đói ăn. Khoảng 8,7 triệu người Afghanistan có nguy cơ chết đói.

Cơn tuyệt vọng của hàng triệu người Afghanistan ngày càng hiển hiện rõ hơn bởi nạn đói. Liên Hợp Quốc cho biết khoảng 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng cấp tính.

"Tình hình ngày một trở nên tồi tệ hơn ở Afghanistan, đặc biệt là đối với trẻ em. Hôm nay tôi đã phải chứng kiến thảm kịch các gia đình bán đi con ruột của chính họ để nuôi sống những đứa con còn lại", Asuntha Charles, giám đốc tổ chức cứu trợ World Vision ở Afghanistan, nói.

Hôn nhân sắp đặt đối với các thiếu nữ là một tập tục truyền thống ở Afghanistan. Gia đình nhà trai trả tiền như một hình thức đặt cọc cho con dâu tương lai. Bé gái sẽ ở với cha mẹ cho tới khi đủ 15 tuổi, sau đó được nhà chồng đón về.

Nhưng trong bối cảnh nhiều gia đình không đủ khả năng tự nuôi sống bản thân, nhiều cha mẹ sẵn sàng cho con gái về nhà trai khi cô gái còn rất nhỏ. Một số gia đình thậm chí bán cả con trai để có tiền mua thực phẩm.

Bất chấp sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ, gia trưởng sâu sắc, Aziz - người có con gái 10 tuổi vừa bị bán đi - quyết chống trả.

afghanistan taliban anh 2

Cô bé 10 tuổi Qandi nhiều khả năng sẽ bị gả cho một người đàn ông 21 tuổi. Ảnh: AP.

Bản thân Aziz kết hôn ở tuổi 15. Cô nói sẽ tự sát nếu con gái mình, Qandi Gul, bị nhà trai đưa đi. Chồng tương lai của Qandi năm nay đã 21 tuổi.

"Tim tôi như ngừng đập (khi người chồng nói đã bán Qandi). Tôi ước mình có thể chết ngay thời điểm đó, nhưng có lẽ Chúa trời không muốn tôi chết", Aziz thổn thức nói.

Mỗi khi nghĩ về cái nhìn ngơ ngác của con gái vào cái đêm khi chồng cô thông báo việc bán con, Aziz nói cô như chết đi sống lại.

Người chồng khăng khăng số tiền bán con gái Qandi có thể giúp cứu mạng cả gia đình, rằng nếu không cả nhà cô sẽ chết đói. Nhưng Aziz nói với chồng chết đi còn tốt hơn điều mà gia đình cô đã làm.

Aziz đã nhờ cậy anh trai cô và báo cáo với các chức sắc trong làng. Với sự giúp sức của những người này, cô đã giúp con gái Qandi có được thỏa thuận ly dị nếu nhà gái trả đủ 1.000 USD, tương đương số tiền nhà trai đã trả ban đầu. Nhưng Aziz không có đủ 1.000 USD.

Chồng của Aziz lúc này đã bỏ trốn bởi sợ sẽ bị tố cáo với chính quyền. Trước đó, chính quyền Taliban đã cấm cưỡng bức hôn nhân.

Aziz cho biết cô không chắc có thể ngăn cản gia đình chú rể tương lai trong bao lâu.

"Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Nếu không thể trả họ tiền, tôi sẽ không thể bảo vệ được con gái. Tôi từng nói sẽ tự sát, nhưng tôi còn những đứa con khác. Ai sẽ bảo vệ chúng, ai sẽ nuôi dưỡng chúng", Aziz nói.

Ngoài Qandi, Aziz còn 5 người con khác. Đứa con lớn nhất của cô năm nay 12 tuổi, trong khi đứa nhỏ nhất mới chỉ 2 tháng tuổi.

Lựa chọn cuối cùng

Cùng sống trong khu trại của gia đình Aziz là Hamid Abdullah, cha của 4 đứa trẻ. Abdullah cũng chấp nhận bán con gái đi làm dâu cho các gia đình khác, bởi ông cần tiền chữa bệnh nan y cho vợ đang mang bầu đứa con thứ 5.

Vài năm trước, Abdullah phải mượn số tiền lớn để chữa trị cho vợ. Để trang trải nợ nần, Abdullah phải bán rẻ con gái lớn nhất tên Hoshran, hiện mới chỉ 7 tuổi, làm vợ một người năm nay 18 tuổi.

Gia đình mua Hoshran lúc này đang chờ cho tới khi cô bé lớn thêm vài tuổi rồi mới trả toàn bộ số tiền và đón về. Nhưng bởi hiện cần tiền gấp, Abdullah đang tìm cách bán con gái thứ 2 tên Nazia năm nay mới 6 tuổi để đổi lấy 200-300 USD.

Abdullah cho biết ông không còn tiền mua đồ ăn cho gia đình, không thể trả tiền điều trị cho vợ. Bibi Jan, vợ của Abdullah, cho biết họ không có lựa chọn nào khác dù rất đau lòng.

afghanistan taliban anh 3

Ông Abdullah phải bán con gái để có tiền mua đồ ăn cho gia đình và chữa bệnh cho vợ. Ảnh: AP.

"Khi đưa ra quyết định này, chúng tôi rất đau đớn, giống như ai đó đến và lấy đi một phần máu thịt của tôi", Bibi cho biết.

Trong khi đó tại tỉnh Badghis, một gia đình tị nạn khác cũng đang tính chuyện bán đi đứa con trai mới chỉ 8 tuổi tên Salahuddin.

Bà Guldasta, mẹ của đứa trẻ, nói hai vợ chồng đã bàn việc đưa Salahuddin đến chợ và bán đi để có tiền mua thức ăn cho những đứa con khác. Đã nhiều ngày trôi qua, gia đình của Guldasta không có gì để ăn.

"Tôi không muốn bán con trai, nhưng tôi phải làm vậy. Chẳng người mẹ nào nỡ làm như thế với chính con mình, nhưng khi không còn lựa chọn nào khác, tôi phải đưa ra quyết định trái với mong muốn của bản thân", Guldasta nói.

Shakir, cha của Salahuddin, bị mù một mắt và mắc bệnh thận. Ông nói lũ trẻ trong nhà đã kêu khóc nhiều ngày vì đói ăn. Đã hai lần ông đưa Salahuddin ra đến chợ, nhưng cả hai lần không nỡ rời xa con.

"Nhưng lúc này, tôi nghĩ là mình chẳng còn lựa chọn nào khác", Shakir nói.

Ở Afghanistan, mua bán trẻ em trai ít phổ biên hơn so với trẻ em gái. Chỉ những gia đình không có người nối dõi mới quyết định mua con trai, nhưng họ cũng thường lựa chọn trẻ sơ sinh.

Trong cơn tuyệt vọng, Guldasta nói có thể sẽ có một gia đình muốn mua đứa con trai 8 tuổi của bà.

Không chỉ bán con, nhiều người Afghanistan bắt đầu phải bán nội tạng để sinh tồn. Tại một khu định cư gần Herat, một phụ nữ tên Chinar nói cô đã phẫu thuật cắt bỏ thận để bán lấy tiền nuôi gia đình.

Chồng của Chinar ốm nặng, không có khả năng lao động. Quả thận của Chinar là tài sản cuối cùng giúp gia đình có tiền nuôi 4 đứa con.

Hàng triệu người Afghanistan sắp chết đói mà không được trợ giúp

Thảm họa toàn diện tại Afghanistan đẩy hàng triệu người tới bờ vực chết đói, trong khi cứu trợ nhân đạo gặp nhiều trở ngại bởi các lệnh cấm vận quốc tế và mùa đông khắc nghiệt.

Thảm cảnh của người Afghanistan

AP nhận định Taliban đã thất bại trong quản lý đất nước khiến nền kinh tế Afghanistan đang rơi tự do, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ chết đói.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm