Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vua YouTube' bị kiện

Hình tượng “người tốt” trên mạng của MrBeast đã bị hủy hoại vì vụ kiện pháp lý liên quan đến chương trình thực tế sắp ra mắt.

MrBeast trước đây từng nói “Beast Games” là “chương trình thực tế lớn nhất trong lịch sử” với nhiều thí sinh nhất và giải thưởng tiền mặt lớn nhất. Ảnh: MrBeast.

MrBeast, tên thật Jimmy Donaldson, là ngôi sao lớn nhất trên YouTube với 300 triệu người hâm mộ, khối tài sản trị giá hàng triệu USD và một đế chế kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay cả khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, anh đang phải đối mặt với một khủng hoảng chưa từng có: một vụ kiện dài 54 trang.

Lời cáo buộc chấn động đằng sau trò chơi "triệu đô"

5 nữ thí sinh tham gia chương trình thực tế sắp ra mắt Beast Games trên Prime Video đã đệ đơn kiện công ty sản xuất của MrBeast (MrB2024) và Amazon tại Los Angeles.

Đây được coi là cuộc thi thực tế lớn nhất từng có, với 1.000 thí sinh cạnh tranh để giành giải thưởng trị giá 5 triệu USD. Tuy nhiên, vụ kiện đã đẩy chương trình Beast Games vào tình trạng khủng hoảng, đặt hàng loạt nghi vấn liệu nó có được phát sóng hay không.

Trong số nhiều trang bị bôi đen, tài liệu pháp lý bao gồm những cáo buộc cho rằng các thí sinh phải chịu đựng môi trường làm việc "dung dưỡng văn hóa kỳ thị giới và phân biệt đối xử với phụ nữ". Những cáo buộc này đánh vỡ hình ảnh của MrBeast, thường được xem là một trong những người tử tế nhất trên Internet.

Theo những gì được tiết lộ trong đơn kiện, người tham gia bị "thiếu ăn và kiệt sức" bởi các bữa ăn chu cấp “không thường xuyên và ít ỏi". Điều này "đe dọa sức khỏe và phúc lợi" của thí sinh.

Họ còn cáo buộc môi trường "tạo ra, cho phép tồn tại và nuôi dưỡng một nền văn hóa quấy rối tình dục” dưới hình thức một nơi làm việc đầy tính thù địch.

'Vua YouTube' bi kien anh 1

James Donaldson, hay còn được biết đến với cái tên MrBeast, đang phải đối mặt với một vụ kiện do các thí sinh trong chương trình trò chơi thực tế của anh đệ đơn. Ảnh: Steven Kahn.

Vào tháng 8, tờ New York Times đã phỏng vấn hơn chục thí sinh tham gia chương trình và cho biết đã có "nhiều người phải nhập viện" trên trường quay. Một số người nói rằng họ đã bị bỏ đói trong hơn 20 giờ. Các thí sinh cáo buộc họ không nhận được thuốc đúng thời gian quy định.

Nguồn tin cho biết một số người chơi phải rời sân đấu trên cáng. Họ chứng kiến ​​tình trạng nôn mửa, nhiều người bất tỉnh hay “nhiều lần phải nhập viện”.

Hiện tại, MrBeast và Amazon vẫn chưa đưa ra phát ngôn nào về những cáo buộc này. Câu hỏi đặt ra là liệu vụ kiện này có làm tổn hoại đến độ nổi tiếng của "vua YouTube" hay không?

Đây không phải là lần đầu tiên MrBeast phải đối mặt với tranh cãi trong năm nay. Vào tháng 7, anh đã thuê điều tra viên sau khi cựu đồng nghiệp Ava Kris Tyson bị cáo buộc dụ dỗ một thiếu niên. Ava đã phủ nhận cáo buộc nhưng xin lỗi vì "hành vi trong quá khứ" là "không thể chấp nhận được". MrBeast nói rằng anh "kinh tởm" trước "những cáo buộc nghiêm trọng" này.

Một số lần từ thiện của MrBeast như xây dựng giếng nước ở Châu Phi và trả tiền phẫu thuật cho những người khiếm thị, khiếm thính cũng bị chỉ trích. Một số người cho rằng các hoạt động này mang tính lợi dụng, giống như "kích thích cảm xúc".

"Những người khiếm thính như tôi xứng đáng được đối xử tốt hơn, thay vì trở thành đối tượng cho sự giả tạo của MrBeast”, một người nói với tờ Independent vào năm ngoái.

Liệu MrBeats có bị soán ngôi vua YouTube?

Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động từ thiện khác như tặng nhà cửa, tiền mặt và xe hơi đã giúp anh xây dựng hình ảnh một "người tốt" trên Internet. Theo website chính thức, anh đã cung cấp hơn 25 triệu bữa ăn cho người nghèo khắp thế giới. Cứ thế, đế chế của MrBeast vẫn tiếp tục phát triển.

Trước khi đơn kiện được công khai, anh đã công bố một dự án hợp tác mới với KSI và Logan Paul - một dòng thực phẩm mới nhằm cạnh tranh với thương hiệu Lunchables. Những video của MrBeast nổi tiếng với chi phí sản xuất lớn, trong đó có video tái hiện trò chơi "Squid Game" của Netflix ngoài đời thực với giải thưởng trị giá 456.000 USD. Có hơn 652 triệu lượt xem, đây là một trong những video nổi tiếng nhất của anh.

Vào tháng 6, anh đã đạt đủ số lượng người đăng ký để biến kênh YouTube của mình trở thành kênh lớn nhất thế giới. Theo Socialblade, trong 30 ngày qua, MrBeast đã thu hút thêm 5 triệu người đăng ký mới, bất chấp những tranh cãi đang diễn ra.

Thực tế cho thấy không ít YouTuber nổi tiếng khôi phục hình ảnh sau khủng hoảng rất nhanh. Logan Paul đã từng phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội vào năm 2018 sau khi đăng tải một video cho thấy thi thể của một người tự tử. Sau khi xóa video đó, Logan chỉ cần đưa ra một lời xin lỗi ngắn gọn và hiện có 23 triệu người theo dõi.

'Vua YouTube' bi kien anh 2

Những năm gần đây, mỗi video của MrBeast đều dễ dàng vượt mốc 100 triệu lượt xem, có thời điểm thậm chí còn cán mốc nửa tỷ. Ảnh: ABC.

Các YouTuber khác như PewDiePie, James Charles và Jeffree Star cũng từng vướng phải những cuộc tranh cãi lớn và tiếp tục sự nghiệp của mình sau video xin lỗi. Gần đây hơn, Herschel "Guy" Beahm, còn được biết đến với cái tên Dr Disrespect, đã thừa nhận gửi tin nhắn cho một thiếu niên vào năm 2017.

Anh nhấn mạnh rằng "không có gì bất hợp pháp xảy ra, không có hình ảnh nào được chia sẻ, không có tội ác nào được thực hiện". Dr Disrespect vẫn là streamer được xem nhiều thứ 2 ở Mỹ trong năm nay.

Với những tiền lệ này, có thể thấy rằng người dùng YouTube thường dễ dàng tha thứ cho những người sáng tạo nội dung mình thích, ngay cả sau những cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, vụ kiện lần này có thể sẽ đặt ra một thách thức lớn cho MrBeast.

Theo James Lunn, Giám đốc chiến lược tại Savvy Marketing, ngôi sao này đang "ở một vị trí rất độc đáo" với một thương hiệu "đa diện" trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp. "MrBeast cần có một cách tiếp cận chủ động, giải quyết các vấn đề một cách minh bạch và đảm bảo trách nhiệm giải trình để bảo vệ thương hiệu của mình”, chuyên gia nói.

Catherine Shuttleworth, một chuyên gia về thương hiệu, cho rằng độ nổi tiếng của MrBeast có thể là một lá chắn, chống lại phản ứng tiêu cực. Nhưng vụ kiện lần này có thể gặp nhiều khó khăn hơn.

"Khi nói đến các doanh nghiệp của anh ấy, đặc biệt là những doanh nghiệp nhắm vào đối tượng gia đình và trẻ em - như thanh chocolate Feastables hoặc Lunchly - đó là một câu chuyện khác. Cha mẹ, những người thường nắm quyền mua sắm, thường ít khoan dung hơn đối với các tranh cãi liên quan đến an toàn, công bằng và đạo đức”, chuyên gia nhận định.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm