Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa công bố báo cáo tài chính bán niên hợp nhất đã soát xét. Doanh nghiệp có biệt danh "vua tôm" sụt giảm lợi nhuận hơn một nửa so với cùng kỳ khi nhiều khoản chi phí tăng thêm.
Chi phí bán hàng tăng cao, lợi nhuận giảm một nửa
Nửa đầu năm 2019, Minh Phú đạt doanh thu thuần 7.517 tỷ đồng, cao hơn 14% so với 6 tháng đầu năm 2018. Bắc Mỹ là thị trường đóng góp doanh thu quan trọng nhất cho Minh Phú với hơn 3.900 tỷ đồng, theo sau là Nhật Bản (1.340 tỷ đồng), châu Âu (1.002 tỷ đồng), và Hàn Quốc (429 tỷ đồng). Thị trường Việt Nam chỉ chiếm 64 tỷ đồng trong tổng doanh thu công ty.
Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận gộp của "vua tôm" lại sụt giảm 10% so với cùng kỳ, đạt mức 797 tỷ đồng khi tốc độ tăng trưởng của giá vốn hàng nhanh hơn doanh thu.
Trong khi đó, chi phí bán hàng của Minh Phú tăng thêm 82 tỷ đồng sau một năm, lên mốc 448 tỷ đồng. Trong đó, chi phí vận chuyển cao hơn 48 tỷ đồng và phí hoa hồng tăng 23 tỷ đồng là hai khoản mục tăng mạnh nhất so với cùng kỳ.
Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 10 tỷ đồng trong khi phần tăng doanh thu từ hoạt động tài chính tương đương phần tăng chi phí tài chính. Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Minh Phú sau 6 tháng đạt 179 tỷ đồng, bằng phân nửa so với con số 366 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2018.
Sau khi hạch toán kết quả thu nhập, chi phí khác và chi phí thuế, "vua tôm" thu lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng hai quý đầu tiên. Trong khi 6 tháng đầu năm 2019, Minh Phú thu lãi ròng lên tới 328 tỷ đồng.
Sau 6 tháng, tổng tài sản của Minh Phú là 9.042 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng, nhờ việc phát hành thêm 60 triệu cổ phần trong tháng 5.
Đồ họa: Việt Đức. |
Lùm xùm lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ
Trong quý II, Minh Phú dính vào cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ. Đầu tháng 6, nghị sỹ Mỹ Darin LaHood gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ tiến hành điều tra Minh Phú về cáo buộc "vua tôm" Việt Nam nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam.
Minh Phú sau đó cho biết chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc trên. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của công ty vẫn diễn ra bình thường.
Về nội dung cáo buộc, Minh Phú không phủ nhận việc nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú.
"Không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản mà trong nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào", phía Minh Phú cho hay.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Minh Phú, vợ chồng Chủ tịch HĐQT Lê Văn Quang - Chu Thị Bình chiếm hơn 38,7% cổ phần. Số cổ phiếu này có giá thị trường gần 2.900 tỷ đồng, trong đó khối tài sản bà Chu Thị Bình đứng tên có giá trị gần 2.000 tỷ đồng.
Bà Bình cũng là một trong 10 người phụ nữ giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/8, giá cổ phiếu của Minh Phú giao dịch ở vùng giá 28.300 đồng. So với hồi đầu năm, cổ phiếu của Minh Phú đã mất hơn 20% giá trị.
Biến động giá cổ phiếu của Minh Phú từ đầu năm 2019. Ảnh: VnDirect. |