Theo Guardian, nhà vua Thụy Điển cho rằng chính sách không phong tỏa chống Covid-19 của đất nước đã thất bại, trong bối cảnh các bệnh viện ở khu vực Stockholm cảnh báo rằng họ sắp lâm vào tình trạng quá tải vì số ca nhiễm tăng đột biến.
Không chỉ vậy, các thăm dò cho thấy chỉ số tín nhiệm của dân chúng với chính phủ hiện tại đang thấp kỷ lục.
"Người dân Thụy Điển đã phải chịu đựng rất nhiều trong điều kiện khó khăn. Tôi nghĩ chúng ta đã thất bại. Chúng ta có một số lượng lớn các ca tử vong, và điều đó thật tồi tệ", Vua Carl XVI Gustaf nói với đài truyền hình nhà nước SVT trong cuộc phỏng vấn nhân dịp cuối năm.
Lời chỉ trích hiếm hoi từ hoàng gia được đưa ra sau khi hai vùng đông dân nhất Thụy Điển là Stockholm và Skane thông báo sẽ hoãn cung cấp tất cả hoạt động y tế không khẩn cấp, vì các bệnh viện đang phải căng mình để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 2.
"Chúng tôi sẽ đáp ứng nhu cầu chăm sóc khẩn cấp, chúng tôi sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị Covid. Nhưng điều đó sẽ phải trả giá bằng việc ngừng các dịch vụ y tế khác", ông Alf Jonsson, người đứng đầu cơ quan y tế vùng Skane, cho biết hôm 16/12.
Ông Jonsson cũng cho biết có tới 25% xét nghiệm Covid-19 trong vùng cho kết quả dương tính.
Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển cho rằng nước này đã "thất bại" trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân. Ảnh: Shutterstock. |
Trong khi đó, giám đốc sở y tế Stockholm cho biết toàn bộ các dịch vụ y tế không khẩn cấp sẽ bị tạm hoãn ít nhất là cho đến ngày 31/1 năm tới.
"Nhiệm vụ của tôi lúc này là làm tất cả những gì có thể để giảm tải và giúp đỡ các nhân viên y tế. Họ đã phải làm việc liên tục nhiều tuần, nhiều tháng rồi", ông Bjorn Erksson nói.
Một thăm dò của Ipsos với độc giả của báo hàng ngày Dagens Nyheter hôm 17/12 cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với Anders Tegnell, nhà dịch tễ học đứng sau chiến lược chống dịch khác biệt của Thụy Điển, đã giảm 13 điểm phần trăm, xuống còn 59%.
Niềm tin vào Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển cũng giảm từ 68% xuống còn 52%. Tín nhiệm của chính phủ thì giảm xuống mức kỷ lục là 34%.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình gần đây, ông Tegnell vẫn quả quyết rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu chiến lược của Thụy Điển có thất bại hay không.
"Rất nhiều quốc gia đang phải vật lộn với điều này", nhà dịch tễ học nói nhưng cũng thừa nhận rằng tình hình đã bắt đầu chạm đến "điểm bùng phát" tại một số khu vực.
Với chính sách chống phong tỏa chặt chẽ và dựa chủ yếu vào sự tự ý thức của người dân, Thụy Điển tới nay ghi nhận 7.802 ca tử vong, với 500 ca trong tuần trước và hơn 1.800 ca kể từ đầu tháng 11.
Số ca tử vong trên 1 triệu dân ở nước này là 766,2 cao hơn 10 lần so với các nước láng giềng như Na Uy và Phần Lan, và gấp 5 lần Đan Mạch, nhưng vẫn thấp hơn một số nước đã áp dụng chính sách phong tỏa chặt chẽ như Pháp, Tây Ban Nha, Italy hay Anh.