“Hiến pháp liên bang nêu rõ rằng chỉ nhà vua mới có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ các sắc lệnh khẩn cấp”, đại diện gia đình hoàng gia, ông Ahmad Fadil Shamsuddin, cho biết trong một tuyên bố hôm 29/7.
Trước đó vào đầu tuần, cả cung điện và quốc hội Malaysia đều bất ngờ khi nội các của Thủ tướng Muhyiddin thông báo tình trạng khẩn cấp vì đại dịch sẽ chấm dứt từ ngày 21/7. Do đó, nhiều sắc lệnh khẩn cấp bị hủy bỏ đột ngột, thay vì được mang ra thảo luận.
Thủ tướng Malaysia phát biểu trong một phiên họp quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Ahmad Fadil, động thái này và những tuyên bố mà ông cho là sai lệch trong quốc hội sẽ làm suy yếu hiến pháp.
“Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, nhà vua tin rằng ông có nghĩa vụ tham vấn và chỉ trích bất kỳ hành động vi hiến nào … đặc biệt từ những người được nhà vua giao phó quyền thực thi quyền lực”, ông Ahmad Fadil cho biết.
Các sắc lệnh bị bãi bỏ bao gồm việc cho phép chính phủ tiếp quản bất kỳ cơ sở hay bệnh viện tư nào để xử lý đại dịch, tăng tiền phạt và án tù đối với những người không tuân thủ các quy tắc phòng dịch hay phát tán "tin giả" trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Sau quyết định bất ngờ từ chính phủ, quốc hội Malaysia đã trở nên hỗn loạn. Lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin và Bộ trưởng Luật, Các vấn đề Quốc hội Takiyuddin Hassan phải từ chức. Ông Ibrahim buộc tội họ không trung thành với nhà vua.
“Thủ tướng và bộ trưởng đã đánh lừa các thành viên quốc hội và người dân tại đất nước này”, ông Ibrahim nói. “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu họ từ chức ngay lập tức”.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp ở Malaysia. Đến nay, nước này có tổng cộng hơn 1 triệu ca mắc và 8.551 ca tử vong vì Covid-19, theo Worldometers.