Nếu không đọc kỹ sử sách, hẳn chúng ta không biết rằng, vua Lê Tương Dực tuy là một vị vua bạo ngược, nhưng lúc mới lên ngôi cũng là người ham đọc sách sử và có công lao trong việc sửa sang giáo dục, biên chép sử sách.
Khi sử quan Vũ Quỳnh dâng sách Đại Việt thông giám thông khảo, chép từ thời đại Hồng Bàng đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi (1428), dài 26 quyển, vua Tương Dực muốn nhặt những điều cốt yếu để làm tổng luận cho tiện đọc, cho nên sai học sĩ Lê Tung soạn cuốn Đại Việt thông giám tổng luận, rút gọn chỉ có 1 quyển.
Bên cạnh các vị vua Lê, thì các chúa Trịnh, chúa Nguyễn cũng chăm đọc sách. Điển hình như chúa Trịnh Sâm, khi còn là thế tử có làm một tập thơ, đến khi lên ngôi vương mới chép lại thành tập đặt tên là Tâm thanh tồn dụy tập gồm 4 quyển, tự làm bài tựa, trong đó cũng kể về việc ông đọc sách thế nào:
“Ta lúc trẻ xem thơ Đường, thấy thơ của các danh gia đại để là để ý đến thanh âm niêm luật khéo hay vụng. Nhân đọc bài tựa Kinh Thi của Chu Tử có nói: 'Thơ là do cảm xúc trong lòng người mà hình ra lời nói. Lòng cảm xúc có tà có chính nên hình ra lời nói có phải có trái', bấy giờ ta mới biết được mấu chốt của việc học Kinh Thi”.
Vua Lê Hiển Tông, trong bài tựa ngự chế cho tập Hoàng Lê ngọc phả mà Trịnh Viêm và Nguyễn Hài soạn, cũng nói về chuyện đọc sử của mình: “Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến dấu nghĩa của các triều trước, không ngày nào quên, từng biên chép thành sách, để hằng ngày xem đọc. Gần đây thấy bản chép cũ của các hương thân, so với những điều trong bản chép của ta thấy có hơi khác nhau, nên ta giao cho bọn gia thần khảo cứu biên chép lại, cốt cho đầy đủ hoàn toàn...”.
Bình luận