Khi bắt đầu công việc marketing tại một công ty dược phẩm ở thủ đô Seoul, Ashley Park có thành tích đại học gần như hoàn hảo, vốn tiếng Anh tuyệt vời và quan hệ tốt với đồng nghiệp. Song tất cả những điều này không còn ý nghĩa gì khi cô mang thai.
Chín tháng sau khi vào làm việc, cô nói với AFP: "Cấp trên nói thẳng vào mặt tôi rằng ở đây không có chỗ cho bà mẹ một con, vì thế tôi phải nghỉ việc". Cô chợt nhận ra nhân viên nữ tại công ty đều là những người độc thân hoặc không có con, và hầu hết đều dưới 40 tuổi.
Nhiều phụ nữ Hàn Quốc bị nhà tuyển dụng từ chối vì đã có con. Ảnh: Reuters. |
Bị phân biệt đối xử vì có con
Trường hợp của cô Park là ví dụ điển hình giải thích vì sao phụ nữ Hàn Quốc hiện nay trì hoãn kết hôn và sinh con, khiến tỷ lệ sinh vốn đã ở mức thấp trên thế giới của nước này ngày càng sụt giảm.
Hồi đầu tháng 12, Seoul công bố một loạt biện pháp mới nhằm cứu vãn tỷ lệ sinh đang xuống thấp, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sẽ không có tác dụng vì nguyên nhân của tình trạng này nằm ở các vấn đề sâu xa hơn.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc không muốn tuyển dụng phụ nữ có con vì nghi ngờ mức độ cam kết của họ và lo ngại các bà mẹ sẽ không thể dành nhiều thời gian cho công việc theo yêu cầu. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng không muốn phải trả lương cho nhân viên nữ trong thời gian nghỉ thai sản như pháp luật quy định.
Khi cô Park không chấp nhận nghỉ việc, cấp trên liên tục có những hành động bắt nạt cô tại nơi làm việc, như cấm cô tham gia các cuộc họp và phớt lờ cô ở văn phòng "như thể tôi là một bóng ma vô hình". Thậm chí, họ còn đe dọa sẽ sa thải chồng cô Park cũng đang làm việc ở công ty này.
Sau khi chiến đấu suốt 6 tháng, cô Park cuối cùng cũng mềm lòng, gửi đơn từ chức và sinh con gái một tháng sau đó. Hậu thai sản, bà mẹ một con làm việc tại một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong khoảng thời gian ngắn. Song vì doanh nghiệp này không cho phép thời gian làm việc linh hoạt như đã hứa, cô đã nghỉ việc và ở nhà cho tới nay.
Nhiều phụ nữ ở Hàn Quốc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và sinh con. Ảnh: AFP. |
"Tôi đã học hành và làm việc rất vất vả nhiều năm trời để có được một công việc trong khi tỷ lệ người trẻ thất nghiệp rất cao. Tôi cũng rất thích công việc của mình... và giờ hãy xem điều gì xảy đến với tôi đây", cô Park nói với AFP.
Ở tuổi 27, bà mẹ một con bị nhiều nhà tuyển dụng từ chối mời phỏng vấn ngay khi họ biết cô đã có con. Cô Park giờ đây từ bỏ việc ứng tuyển và thay vào đó cố gắng tự điều hành công việc kinh doanh của riêng mình.
"Chính phủ tiếp tục kêu gọi phụ nữ hãy sinh thêm con. Nhưng bằng cách nào mới được khi sống ở một đất nước như thế này", cô nói.
Chính sách giải quyết "mờ nhạt"
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc, con số phản ánh số trẻ em mà phụ nữ nước này muốn sinh, đã giảm xuống mức 0,95 trong quý ba năm 2018. Đây là lần đầu tiên con số này rơi xuống dưới mức 1,0 và thấp hơn rất nhiều mức cần thiết là 2,1 để có thể duy trì tình trạng bình ổn.
Kết quả của xu hướng được mệnh danh như "cuộc đình công sinh nở" là dân số 51 triệu người của Hàn Quốc hiện nay được dự đoán bắt đầu giảm từ năm 2028.
Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra bao gồm chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ cao, thời gian làm việc kéo dài và các bà mẹ bị hạn chế trong việc chăm sóc con vào ban ngày. Ngay cả khi vừa làm việc vừa nuôi con, phụ nữ cũng chịu áp lực gấp đôi vì phải làm việc nhà.
Kết quả khảo sát của chính phủ Hàn Quốc cho thấy tư tưởng gia trưởng vẫn ăn sâu trong tiềm thức của người dân nước này. Gần 85% đàn ông Hàn Quốc phản đối việc phụ nữ đi làm, nhưng chỉ 47% phản đối vợ họ có một công việc.
Tỷ lệ nam giới và nữ giới đã kết hôn tham gia vào thị trường lao động là hoàn toàn khác nhau, con số tương ứng là 82% so với 53%. Hiện nay khoảng ba phần tư phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 cho rằng không cần thiết phải kết hôn.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức 0,95 trong quý 3 năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Kể từ năm 2005, chính phủ nước này đã chi 136 nghìn tỷ won (121 tỷ USD) cho các biện pháp tăng tỷ lệ sinh, chủ yếu thông qua các chiến dịch khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con, nhưng không thành công.
Đầu tháng 12, Seoul công bố một loạt biện pháp mới, bao gồm tăng mức trợ cấp cho trẻ em lên 300.000 won/tháng, và cho phép cha mẹ có con nhỏ hơn 8 tuổi được phép làm việc ít giờ hơn mỗi ngày để chăm sóc con cái.
Nước này cũng xây dựng thêm các trung tâm trông trẻ ban ngày và trường mẫu giáo. Nam giới được phép nghỉ 10 ngày, thay vì 3 ngày như trước đây, để chăm sóc vợ con mới sinh. Tuy nhiên, các biện pháp mới không có ràng buộc pháp lý, doanh nghiệp cũng không phải chịu phạt nếu không cho người lao động được hưởng những khoản phúc lợi như đã cam kết.
Người Hàn Quốc không đánh giá cao các nỗ lực này của chính phủ. "Chính sách của chính phủ dựa trên giả thuyết đơn giản rằng 'nếu cho thêm tiền, người dân sẽ sinh thêm con'", Hiệp hội Lao động nữ Hàn Quốc nêu trong tuyên bố.
Đầu tiên Seoul nên giải quyết "vấn đề phân biệt giới tính đang diễn ra tại nơi làm việc và giảm bớt gánh nặng công việc lẫn việc nhà" cho phụ nữ, hiệp hội này nhận định.
Tờ Korea Times cũng đặt câu hỏi liệu những chính sách "mờ nhạt" như thế này có thực sự thay đổi được tình hình hay không, trừ khi chính phủ giải quyết được các nguyên nhân sâu xa khiến phụ nữ trốn tránh việc kết hôn và sinh nở.
"Không khoản trợ cấp nào của chính phủ có thể thuyết phục được phụ nữ có con, trừ khi họ thay đổi được những điều kiện khắc nghiệt này", Korea Times nhận định.