Quyết định mới đây của chính phủ Hàn Quốc về việc nới lỏng quy định nhập cư đối với dân 11 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, là biểu hiện rõ ràng cho sự thiếu hụt lao động và chính sách hướng tới xã hội đa chủng tộc của nước này.
Trước đó, người lao động nhập cư nước ngoài chỉ được cư trú tối đa 4 năm 10 tháng. Giờ đây, công dân Việt Nam có hộ khẩu tại ba thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sẽ được cấp thị thực 5 năm để nhập cảnh vào Hàn Quốc.
Theo Korea Times, tính tới tháng 9, khoảng 2,3 triệu người nước ngoài chiếm khoảng 4% dân số tại Hàn Quốc. Hầu hết trong số họ là lao động nhập cư từ Trung Quốc hoặc các nước Đông Nam Á.
Mặc dù tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở nước này vào khoảng 10%, những công việc được liệt kê vào nhóm 3-D (bẩn thỉu, nguy hiểm và khó khăn) vẫn thiếu người làm. Các chương trình truyền hình Hàn Quốc thường ghi lại hình ảnh công nhân gần tuổi nghỉ hưu của nước này được vây quanh bởi nhiều người lao động nhập cư trẻ tuổi.
Hàn Quốc đang hướng tới một xã hội đa chủng tộc bằng việc điều chỉnh chính sách nhập cư. Ảnh: Korea Times. |
Quốc gia đa chủng tộc
Với tỷ lệ sinh giảm xuống dưới mức một trẻ em/phụ nữ trong năm nay, độ tuổi của lực lượng lao động Hàn Quốc đang già đi nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế phát triển nào khác.
Theo ước tính, gần 40% dân số nước này sẽ già hơn 65 tuổi vào năm 2050. Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực cấp thị thực lao động tạm thời để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực, chủ yếu là trong lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp.
Các chuyên gia tin rằng giờ đây việc Hàn Quốc trở thành một đất nước đa chủng tộc là không thể tránh khỏi, và có lẽ đó là cách duy nhất để cứu nền kinh tế cũng như hệ thống phúc lợi của quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng nếu chỉ nâng tỷ lệ sinh của người dân nước này như chính sách gần đây được áp dụng là không đủ và không thích hợp.
Tuy nhiên rất khó để tưởng tượng ra được một xã hội Hàn Quốc đa chủng tộc, nơi những người nhập cư và con cái họ có thể chiếm tới 15% dân số, giống như những quốc gia phát triển khác như Na Uy và Thụy Điển đã mở cửa chấp nhận người nhập cư từ vài thập kỷ qua.
“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận người nhập cư. Đó là chính sách mà các nước châu Âu đã áp dụng khi tỷ lệ sinh bắt đầu giảm xuống. Giờ tới lượt Hàn Quốc”, ông Kim Joon Sik, thành viên ban điều hành Asian Friends, một tổ chức phi chính phủ hướng tới người nghèo và các gia đình đa chủng tộc tại Đông Nam Á, nói với Korea Times.
Câu hỏi được đặt ra là liệu người Hàn Quốc có thể được giáo dục sớm để tự hào về “dòng máu Hàn Quốc” của mình và đồng thời là về “sự đồng nhất văn hóa”, chấp nhận người nhập cư như đồng hương hay không?
Biểu đồ cư dân nước ngoài tại Hàn Quốc. Đồ họa: Korea Times. |
Theo ông Kim, người Hàn Quốc có “ý thức phản kháng mạnh mẽ” đối với người nước ngoài. Chính phủ nước này đã tài trợ cho nhiều chiến dịch tuyên truyền nhằm gia tăng hiểu biết về xã hội đa chủng tộc nhưng không hiệu quả.
Những chiến dịch như vậy thường tập trung vào các gia đình của 150.000 “người nhập cư đã kết hôn”, chủ yếu là phụ nữ trẻ từ Đông Nam Á và con cái mang nửa dòng máu Hàn Quốc của họ. Hình ảnh nhiều bà mẹ trẻ tìm cách thích nghi với lối sống Hàn Quốc và gia đình nhà chồng đã trở thành một chủ đề phổ biến của truyền thông nước này.
Seol Dong Hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học Jeonbuk, tin rằng quá trình thay đổi nhận thức đối với người nhập cư có thể sẽ bắt đầu bằng việc làm mất đi tư tưởng “người Hàn Quốc thuần túy”. Ông chỉ ra rằng khoảng 8,4% dân số Hàn Quốc ở triều đại Goryeo (tồn tại từ năm 918 đến năm 1329) là người nước ngoài.
“Nếu quan sát các đặc điểm thể chất của người Hàn, có thể nhận thấy rõ ràng sự kết hợp đặc điểm từ cư dân ở nhiều vùng miền Nam và Bắc (của châu Á)”, giáo sư Seol nói với Korea Times.
Rào cản pháp lý
Khoảng 278.000 lao động nhập cư, chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á, đang làm việc ở Hàn Quốc thông qua Hệ thống Cấp phép Việc làm (EPS), chương trình cung cấp thị thực lao động chính của Hàn Quốc cho phép người lao động lưu trú ở nước này trong thời hạn 4 năm 10 tháng.
Theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, chỉ những người có thời gian sinh sống tại đây từ 5 năm trở lên mới có thể xin được giấy phép cư trú vĩnh viễn.
Tuy nhiên, vì thị thực này được thiết kế đặc biệt để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, nó cũng đi kèm với những điều kiện được cho là “một dạng nô lệ thời hiện đại”. Người lao động thường xuyên báo cáo về tình trạng lạm dụng tình dục qua thể xác hoặc lời nói từ cấp trên của mình.
Việc gia hạn thị thực đối với 11 nước châu Á, bao gồm Việt Nam, cho phép người lao động có giấy phép cư trú dài hạn hơn và có cơ hội được sinh sống vĩnh viễn. “Người Hàn Quốc coi nhập cư chỉ là quá trình diễn ra bên ngoài. Giờ đã đến lúc để cân nhắc cả những thay đổi bên trong.
Nếu Hàn Quốc trở thành quốc gia nơi lao động nhập cư trẻ tuổi và người tị nạn từ nhiều nước đến để theo đuổi ước mơ, tôi nghĩ rằng tương lai của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tươi sáng hơn”, ông Kim nói.
Báo cáo từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết đến cuối tháng 6 số lao động VN làm việc tại nước này theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) là 38.331 người. Số lao động theo chương trình thuyền viên tàu cá gần bờ là 7.067 người, và số lao động có chuyên môn - kỹ thuật (visa E7) là 1.788 người.
Năm 2018, Hàn Quốc tuyển chọn 6.300 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.600 lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp.
Hiện cũng có khoảng 40.000 phụ nữ Việt Nam đang làm dâu tại Hàn Quốc, chiếm hơn 73% số phụ nữ nước ngoài làm dâu tại nước này trong thời gian từ 2014-2016.