Nạn cờ bạc hấp dẫn người ta, mà cũng là làm khuynh gia bại sản nhiều gia đình. Lương Đức Thiệp trong Xã hội Việt Nam lý giải nguyên nhân gây ra cái nạn này bởi “cờ bạc vẫn gieo những ảo tưởng giàu sang vào đám dân chúng rời rạc”. Trong khi ấy nơi Việt Nam phong tục thống kê đủ loại cờ bạc như xóc đĩa, tài bàn, đánh bất…
Vẫn Việt Nam phong tục chỉ rõ cái hại của vấn nạn này ở chỗ “chớ ra đâm ham mê, lấy nghề cờ bạc để làm sinh nhai thì chưa thấy mấy người khỏi được hại”. Hại ấy hoặc là tán gia bại sản, bán vợ đợ con, là túng quá làm liều ăn cắp ăn trộm nên dân gian răn dạy “cờ bạc là bác thằng bần”, “cờ bạc rạc rày” hay “tiền cờ bạc gác ngoài sân” hẳn không phải vô lý. Cứ nhìn thời xưa ta hẳn rõ.
Cờ bạc khiến văn hóa suy đồi, nguy cơ mất nước
Về cái tệ này, Việt sử lược có ghi lại vào năm Kỷ Hợi (1179) thời vua Lý Cao Tông đã “Cấm việc đem cá, muối và các đồ dùng bằng sắt lên tận đầu nguồn để trao đổi nhau mà đánh bạc” cho thấy dạo ấy tệ cờ bạc đã làm cho người ta đắm đuối lắm . Sang thời Trần, Hưng Đạo vương trong Hịch tướng sĩ từng cảnh báo đánh bạc là một trong những cái tệ có thể khiến từ quân tới tướng sao nhãng việc binh bị, giảm lòng yêu nước: “Có kẻ lấy việc chọi gà làm thú, kẻ thì lấy việc đánh bạc làm vui, có kẻ chăm ruộng vườn để nuôi dưỡng gia đình, có kẻ vì quyến luyến vợ con mà sinh ra ích kỷ, chăm chú sản nghiệp mà quên việc nước…”.
Quan lại nhà Trần dẫu luật nước trị tội rất nghiêm đối với hành vi đánh bạc với mức án tử, nhưng không phải ai cũng lấy đó làm khiếp sợ. Có quan to như Trần Khắc Chung Đại Việt sử ký toàn thư cho hay rất nhờn luật: “Thường hay đánh bạc với học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, có khi đến hai, ba ngày, đánh thâu đêm suốt sáng, ngồi ngay trên giường đánh bạc mà húp cháo, không nghỉ lấy một chút. Được thua chỉ một hai quan tiền mà dụng tâm khổ sở như vậy”. Nhà Trần dùng hình phạt rất nghiệt với tội đánh bạc là thế, nhưng sau này chính vua Trần phạm vào, nêu gương xấu ngay từ người trị nước đến nỗi tệ đánh bạc lan tràn trong thiên hạ. Ấy là năm Nhâm Dần (1362) đời vua Trần Dụ Tông, “Vua lại tập hợp số người nhà giàu có trong thiên hạ như ở Đình Bảng thuộc Bắc Giang, làng Nga Đình thuộc Quốc Oaivào cung đánh bạc làm vui. Một lần đặt là 300 quan, ba lần đã gần nghìn quan rồi” khiến đời sau Phan Phu Tiên phê phán “Phép nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc như vậy mà đến đời Dụ Tông còn công nhiên buông thả, chiêu nạp những người nhà giàu vào cung đánh bạc. Về sau người trong nước bắt chước không thể cấm được”. Mà nào chỉ thế, tệ đánh bạc, ham chơi của vua không chỉ làm hư phong hóa, mà nó còn góp phần “rút cuộc vì tệ đánh bạc mà dẫn đến mất nước [ý chỉ mất ngai vàng - Người dẫn chú]”.
Chơi bài tam cúc. |
Thời Lê sơ khi vua Lê Tương Dực ở ngôi, có Hình bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Nguyễn Vũ, người Từ Liêm nơi đất Thăng Long, dẫu làm quan to nhưng lại có tật xấu là thích trò đỏ đen, hay đánh bạc và uống rượu ở ngay trong nội điện nên bị người đời coi khinh. Sau này dạo Lê Trung hưng vào năm Mậu Dần (1698), lúc ấy trong nước, mà cụ thể là Đàng Ngoài, quan dân nhiều kẻ đánh bạc kiểu “ý tiền” (lối chơi này con bạc đặt tiền kín). Tệ ấy phổ biến nơi thành thị và ngày càng trở nên thịnh. Thấy thực trạng ấy triều đình ra lệnh dò xét. Nơi Đàng Trong, Nguyễn Nhạc vốn trước khi nổi lên ở Tây Sơn có làm chức Biện lại, cũng vì đánh bạc mà tiêu mất tiền công.
Năm Ất Dậu (1825) thời Nguyễn, Tế tửu Quốc tử giám là Phan Bảo Đĩnh cho rằng cái tệ ham đỏ đen khiến cho “từ Thanh Nghệ trở ra Bắc, quan sinh ra tham nhũng, lại sinh ra gian giảo, học trò đều bỏ học, dân đều thất nghiệp làm cướp làm giặc, phần nhiều bởi đó mà ra”. Trong 10 điều giáo huấn năm Giáp Ngọ (1834), vua Minh Mạng chỉ rõ “gần đây, những lũ vô lại hoặc dẫn đạo bằng tà giáo, hoặc dụ dỗ uống rượu, đánh bạc”. Thâm chí đến người mô phạm làm thầy cũng không làm gương cho trò, như trường hợp năm Canh Thìn (1820), Đốc học Gia Định Cao Huy Diệu cùng học trò đánh bạc khiến vua chê trách “sư phạm mà như thế thì mong thành tựu được nhiều người chẳng cũng khó lắm sao!”
Các triều đại nghiêm trị tội đỏ đen
Để nghiêm trị tội ham mê trò đỏ đen, các triều đại đều có chế định luật lệ. Cứng rắn nhất là thời Trần dùng biện pháp nặng đối với tội này đến mức xử tử. Bằng cớ được Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết là tháng 3 năm Bính Thân (1296), Thượng phẩm Nguyễn Hưng vì phạm tội đánh bạc mà bị đánh trượng đến chết vì làm quan nhưng không nêu gương tốt.
Khi triều đại mới được lập, vua Lê Thái Tổ tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1429) đã lệnh ngăn cấm cờ bạc bởi những kẻ du thủ du thực thường hay tụ tập hoặc uống rượu, hoặc đánh bạc làm hại đến phong tục. Thấy hiện trạng đó, Cương mục có ghi vua liền ra lệnh “đánh bạc, bị chặt ba đốt ngón tay, đánh cờ vây, bị chặt một đốt”. Vẫn thời Lê sơ, Toàn thư cho hay năm Kỷ Tỵ (1449), con Thiếu úy Lê Lan là Lê Nhân Lập cùng với người bọn Lê Thọ Vực đánh bạc và trộm cướp. Sau vì sợ bị phát hiện liền dụ đồng đảng đến nhà rồi giết người diệt khẩu. Nhưng lưới trời lồng lộng, việc bị phát giác, cả bọn đều bị giam vào ngục và sau đó đem ra chợ Tây kinh thành Thăng Long xử tử. Riêng Thiếu úy Lê Lan làm quan không biết dạy con, bị phạt biếm chức. Về sau vua Lê Thánh Tông định ra Quốc triều hình luật. Luật này Chương Vi chế (Làm trái pháp luật) có Điều 92 và 93 quy định tội đánh bạc phạt 70 trượng, phạt ba quan tiền, quan thì bị biếm ba tư. Người tổ chức, kẻ tái phạm tăng phạt một bậc. Tiền đánh bạc sung công. Đánh cờ tướng mà đánh bằng tiền tội cũng như tội đánh bạc.
Sau này thời Lê Trung hưng, Đại Việt sử ký tục biên ghi việc năm Quý Mão (1663), vua Lê Huyền Tông cấm quan lại và nhân dân không được đánh bạc. Hai năm sau lệnh này được nhắc lại. Năm Mậu Dần (1698) có lệnh kẻ nào chứa đánh bạc và con bạc đều bị phạt nặng bằng tiền. Số tiền phạt tùy vào phẩm trật của quan viên mắc tội: Tam thái, Tam thiếu, tả hữu đô đốc, Thượng thư, Đô đài, Ngự sử là những chức to chứa người đánh bạc phạt 500 quan; con bạc phạt 500 quan. Quân và dân nếu chứa thì phạt 30 quan, đánh bạc phạt 20 quan.
Các chúa Nguyễn ở Đàng Trong dẫu chưa có luật nhưng cũng cấm đánh bạc, như Đại Nam thực lục cho biết năm Bính Ngọ (1726), chúa Nguyễn có lệnh cấm. Nguyễn Ánh trong thời gian bôn ba và chiến tranh với Tây Sơn, nhiều lần răn cấm quan quân không được đánh bạc.
Hoàng Việt luật lệ phạt trượng kẻ đánh bạc, sung công tang vật. |
Thời Gia Long dù có Hoàng Việt luật lệ, nhưng vua chỉ rõ “đánh bạc mà mở sòng đánh được thua to thì có tội, còn khi nhân lúc rỗi đánh chơi làm vui thì pháp luật cũng không cấm”. Hoàng Việt luật lệ trong Chương Tạp phạm có Điều 3 ghi về tội cờ bạc. Theo đó tội đánh bạc ăn tiền phạt 80 trượng, tiền, đồ vật bắt được, thậm chí nhà cửa dùng làm nơi đánh bạc cũng sung công. Riêng quan chức đánh bạc mức nặng hơn với cái lý “Quan chức mà đánh bạc thì làm sao trị được người nên xử tăng một mức, phạt 90 trượng”. Quốc triều chánh biên toát yếu cho hay vua Gia Long năm Giáp Tuất (1814) ra lệnh ở Nam Kỳ, ai mở sòng bài sẽ có tội vì cho rằng nạn cờ bạc sinh ra nạn trộm cướp. Trước đó năm Kỷ Tỵ (1809) Lưu thủ Quảng Nam là Tôn Thất Huyên dung túng cho quân đánh bạc bị giáng chức làm Cai cơ.
Các đời vua Nguyễn sau nhiều kẻ phạm tội đánh bạc bị nghiêm trị, thậm chí có cả án lệ như thời vua Thiệu Trị năm Nhâm Dần (1842) có tên lính ở dinh Vũ Lâm là Phạm Văn Đạt mở sòng dụ người đánh bạc, lại cãi nhau với người, đương đêm hò la, đã bị xử tội giảo giam hậu (tội chết xử treo cổ nhưng còn giam lại chờ thi hành). Năm Nhâm Thân (1872), Tôn Thất Dao hay lêu lổng, uống rượu đánh bạc, răn dạy cũng không chừa liền bị xóa tên trong sổ Tôn thất, đổi theo họ của mẹ.