Công ty Cổ phần Hùng Vương vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ tài chính 2018-2019 từ ngày 1/4 đến 30/6. Doanh nghiệp thủy sản gắn liền với biệt danh "vua cá" tiếp tục nối dài chuỗi ngày thua lỗ.
Trong 3 tháng vừa qua, Công ty Hùng Vương đạt doanh thu thuần 527 tỷ đồng, thấp hơn đến 64% so với cùng kỳ năm trước. Việc giảm doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng được lý giải do doanh nghiệp đã thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bã nành, bắp, lúa mì).
Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu trong quý vừa qua giảm gần 2 lần từ 34.000 xuống 18.000 đồng/kg khiến giá xuất khẩu cũng giảm sâu. Hùng Vương cho biết đây là lý do khiến công ty bị âm lợi nhuận gộp 32 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong tháng 4-6 vừa qua của Hùng Vương cũng giảm mạnh 129 tỷ xuống còn 5 tỷ đồng vì cùng kỳ năm trước, công ty do ông Dương Ngọc Minh làm Chủ tịch kiêm CEO có thu nhập tài chính một lần phát sinh từ việc thoái vốn Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng.
Trong khi doanh thu giảm, chi phí tài chính của Hùng Vương lại tăng thêm 9 tỷ đồng chủ yếu do phân bổ lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăn nuôi gồm Công ty TNHH Giống chăn nuôi Việt Thắng An Giang và Công ty TNHH Giống chăn nuôi Việt Thắng Bình Định.
Điểm tích cực hiếm hoi trong báo cáo tài chính của Hùng Vương là doanh nghiệp lãi 22 tỷ từ hoạt động của các công ty liên kết, liên doanh so với khoản lỗ 23 tỷ một năm trước đó.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm tổng cộng 19 tỷ đồng sau khi Hùng Vương thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Hùng Vương Sông Đốc và Công ty Cổ phần Địa ốc An Lạc.
Dù vậy, Hùng Vương vẫn chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 143 tỷ và lỗ sau thuế 129 tỷ. Trung bình mỗi ngày trong quý vừa qua, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 1,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2018-2019, "Vua cá" Hùng Vương thu về 3.264 tỷ đồng, bằng phân nửa doanh thu cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế của Hùng Vương sau 9 tháng đã là 257 tỷ. Tuy nhiên, số lỗ đã cải thiện so với cùng kỳ là 311 tỷ đồng.
Niên độ tài chính của Hùng Vương kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau. Đồ họa: Việt Đức. |
Tại kỳ báo cáo tài chính bán niên tự lập gần nhất, tưởng chừng Hùng Vương đã thoát khỏi những ngày đen tối khi hạch toán lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 33 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 28 tỷ. Tuy nhiên, sau khi kiểm toán, doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh tiếp tục báo lỗ ròng 134 tỷ.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Hùng Vương là 6.524 tỷ đồng, giảm 154 tỷ sau 9 tháng. Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp từ hơn 400 tỷ đầu năm tài chính giờ chỉ còn 80 tỷ. Trong khi đó, nợ phải trả từ 6.441 tỷ đầu niên độ tài chính tăng lên 7.030 tỷ , trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ 97%, đạt mức 6.842 tỷ đồng.
Hiện cổ phiếu của Hùng Vương được giao dịch ở mức giá chưa đến 3.000 đồng và đang bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM duy trì diện kiểm soát đặc biệt.