Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ xà beng đâm xuyên đầu: Phút sinh tử qua lời kể

Rất may, anh Tú được đưa đi cấp cứu kịp thời và sau hơn 1 giờ phẫu thuật, anh đã thoát khỏi cơn nguy kịch.

Đang thi công hệ thống đường ray tại Bà Nà (Đà Nẵng), anh Phạm Văn Tú (SN 1982, Ngọc Lặc, Thanh Hóa) không may bị trượt chân, và bị một chiếc xà beng dài 1,4m, đường kính 2,5 cm đâm xuyên từ cằm hàm lên đến thái dương. 

Ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã vào bệnh viện, được người nhà anh Phạm Văn Tú và êkíp phẫu thuật kể lại vụ tai nạn hy hữu và những điều kỳ diệu đến với nạn nhân sau cơn hoạn nạn.

Phút sinh tử qua lời kể của những người chứng kiến

Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng anh Tú vẫn chưa thể nói chuyện. Anh đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Khi chúng tôi đến, dù đã có dấu hiệu tỉnh nhưng anh Tú vẫn chưa thể nói chuyện vì toàn bộ khuôn mặt và đầu vẫn đang phải băng bó kín mít.

Trong buồng bệnh của khoa hồi sức, anh Phạm Minh Tuấn (anh trai của anh Tú) vẫn trầm ngâm. Sau một phút định thần, anh Tuấn nghẹn ngào kể: "Gia đình anh có 7 anh em, sống cảnh nghèo khó. Để có tiền trang trải cuộc sống, từ đầu năm 2013, hai anh em rủ nhau đi vào nam tìm việc". Sau nhiều tháng lang thang, “đụng đâu làm đó”, hai anh em quyết định dừng chân tại Đà Nẵng. Họ làm công nhân cho công ty CP xây dựng thương mại và dịch vụ Tân Trường Thịnh với mức lương khoảng 120.000 đồng/ngày. Công việc của hai người là đào đất, lật đá… sửa chữa đường ray tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Sau cơn bão 11 và 14 vừa qua, hai anh em anh Tuấn và hàng chục công nhân khác được điều đến sửa chữa, gia cố một số điểm hư hỏng.

7h sáng ngày 13/11, anh Tú cùng 7 người trong tổ leo lên đồi để đào đất, lật đá… Nhưng vì những ngày qua, Đà Nẵng liên tục có mưa, rêu mọc lên nhiều nên khi anh Tú đang loay hoay bẩy tảng đá thì bất ngờ trượt chân ngã. Và không may, anh Tú bị chiếc xà beng (dài 1,4m, đường kính 2,5 cm) ở phía trước cắm thẳng vào cằm bên trái rồi xuyên một đường ngược lên thái dương.

Anh Minh (làm cùng tổ với nạn nhân) kể lại: “Tôi đang đào đất cách đó chừng 7m thì nghe Tú thét lên một tiếng. Vứt luôn cái xẻng đang cầm trên tay, tôi chạy lại thì thấy Tú đã nằm gọn dưới rãnh mương đang thi công sâu chừng 2m. Trời ơi, một chiếc xà beng đâm xuyên đầu Tú. Sợ quá, tôi la lên, các anh em khác liền chạy đến. Nhưng lúc đó ai cũng sợ và lúng túng chẳng biết làm thế nào. Còn Tú thì máu me be bét và la khóc thảm thương”. Anh Minh kể tiếp: "Sau khoảng 10 giây định thần, chúng tôi vội gọi xe cấp cứu và dùng áo bịt vết thương và giữ cố định chiếc xà beng rồi khiêng Tú lên chỗ cao chờ bác sĩ. 20 phút sau, xe cấp cứu đến và Tú lập tức được đưa đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Khi tại nạn ập đến với em mình, anh Tuấn đang làm cách đó chừng 15m. Đến giờ, anh Tuấn vẫn không muốn nhắc lại giây phút kinh hoàng ấy. Tâm sự của anh trĩu nặng hình bóng quê nhà. Anh Tuấn kể: “Dù đã lập gia đình nhưng nhà nó (tức anh Tú - PV) rất nghèo. Một vợ và hai đứa con còn thơ ấu. Vì nghèo nên anh em mới rủ nhau đi làm kiếm thêm chút tiền để cho con cái ăn học. Nào ngờ chưa gửi về được đồng nào thì Tú lại phải vào viện với vết thương “không thể tin được” như thế này. May mà phẫu thuật thành công chứ nếu không" Nói chưa dứt lời, anh Tuấn lại nhìn về phía người em đang rên thảm thiết trên giường bệnh.

Sự may mắn đến diệu kỳ

Đến 15h chiều nay, khi tiếp xúc với chúng tôi, các bác sĩ thuộc ekip phẫu thuật cho anh Phạm Văn Tú vẫn chưa hết bàng hoàng.

Là người trược tiếp chỉ đạo kíp mổ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Bá (Phó giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng) cho biết: "Khi bệnh nhân nhập viện, một chiếc xà beng dài vẫn còn nằm trong đầu. Lập tức, một đội ngũ bác sĩ gồm 6 người và 5 điều dưỡng viên thuộc các khoa: gây mê, tai mũi họng, thần kinh, răng hàm mặt… được triệu tập. Một cuộc hội chẩn được tiến hành ngay và chúng tôi quyết định gây mê, phẫu thuật cho cho bệnh nhân”.

Là trưởng kíp mổ và cũng là người trực tiếp rút chiếc xà beng từ đầu nạn nhân ra, bác sĩ Nguyễn Văn Minh cho biết: “Bệnh nhân bị tổn thương thần kinh mặt, tuyến mang tai do dị vật đi sát hộp sọ. Đến khoảng 10h30 cùng ngày, chúng tôi đã phẫu thuật lấy dị vật ra. Trường hợp này, nếu chiếc xà beng đi chệch vào trong hàm chỉ một tí nữa hoặc đi vào hộp sọ thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân là rất cao”.

Với hàng chục năm kinh nghiệm và đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân, nhưng cả bác sĩ Bá và bác sĩ Minh đều chưa bao giờ gặp phải ca phẫu thuật hy hữu như thế này. Bác sĩ Bá thừa nhận bệnh nhân Tú rất may mắn. May là bởi, một chiếc xà beng dài đến hơn 1m, đường kính đến hơn 2cm nhưng khi nó đâm từ cằm lên đến thái dương lại không chạm phải bất kỳ mạch máu lớn nào, hộp sọ cũng không bị ảnh hưởng. May mắn nữa là khi xảy ra tai nạn, những người sơ cứu cho nạn nhân cũng đã làm rất tốt khi giữ cố định được chiếc xà beng để nó không làm tổn thương thêm. Và cái may mắn cuối cùng là bệnh nhân được đưa đi cấp cứu kịp thời và ekip phẫu thuật đã phối hợp rất tốt để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khi đó, bác sĩ Minh cho biết, cái khó nhất khi thực hiện ca mổ này là lúc rút chiếc xà beng trong đầu bệnh nhân ra, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ là xà beng có thể làm đứt mạch máu hoặc va vào hộp sọ. Khi đó sẽ rất nguy hiểm.

Hiện anh Phạm Văn Tú đã được chuyển về phòng hồi sức để tiếp tục theo dõi và đang được các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực.

Theo Khám Phá

Bạn có thể quan tâm