5h sáng ngày 25/11, cảnh sát nhận thông báo về vụ trộm ở Hầm Xanh, thuộc Bảo tàng Dresden, Đức. 5h04, xe cảnh sát đầu tiên tới hiện trường, nhưng bằng cách ngoạn mục, băng trộm đã biến mất, mang theo hàng loạt báu vật với giá trị ước tính 1 tỷ euro.
"Chúng tôi xác nhận có một vụ đột nhập vào Hầm Xanh. Các điều tra viên đang ở hiện trường còn thủ phạm đã trốn thoát", phát ngôn viên cảnh sát Thomas Geithner nói trong khi hàng chục xe cảnh sát đang bao vây Bảo tàng Dresden hôm 25/11.
Green Vault, hay Hầm Xanh, thuộc một trong những bảo tàng lâu đời nhất ở châu Âu, được thành lập bởi August the Strong, người cai trị xứ Saxon và sau này là vua Ba Lan.
Hầm Xanh được người dân và giới mộ điệu nhớ đến như ngôi nhà cho hơn 4.000 báu vật lịch sử và văn hóa của nhân loại. Nhiều vật phẩm trưng bày ở Hầm Xanh được coi như “vô giá”, “không thể bán được” vì tính độc nhất và giá trị phi vật chất của chúng.
“Hôm nay là một ngày cay đắng cho di sản văn hóa Saxon. Những tên trộm đánh cắp kho tàng văn hóa có giá trị vô cùng, đó không chỉ là giá trị vật chất mà còn là giá trị tinh thần vô hình đối với bang Saxon, giá trị không thể ước tính được”, Roland Wöller, chính trị gia bang Saxon, nói.
“Đây chắc chắn là một trong những vụ trộm lớn nhất trong lịch sử. Như thể ai đó đột nhập vào Bảo tàng Louvre và lấy đi bức tranh Mona Lisa vậy”, Vivienne Becker, nhà sử học tại London, nhận định với Wall Street Journal.
Điều tra ban đầu của cảnh sát ước tính hơn 100 vật phẩm ở Hầm Xanh bị đánh cắp trong vụ trộm táo tợn hôm 25/11. Tuy nhiên sau đó, Bảo tàng Dresden xác nhận gần 20 vật phẩm đã biến mất.
“Tôi vẫn không thấy nhẹ nhõm hơn tí nào”, Giám đốc Bảo tàng Dresden Dirk Syndram nói trong buổi họp báo hôm 26/11. “Nó giống như một bãi chiến trường. Giờ chúng tôi phải xem có thể phục chế được bao nhiêu vật phẩm và làm thế nào để trả lại cho chúng vẻ huy hoàng như trước”.
Trong số báu vật bị đánh cắp, đáng chú ý hơn cả là Saxon White, viên kim cương trắng lớn nhất trong bộ sưu tập ở Hầm Xanh, nặng 49 carat, ước tính có giá trị lên tới 12 triệu USD. Saxon White được gắn vào một cầu vai trang sức cùng với hai viên kim cương khác nặng 21,01 carat và 39,53 carat, chế tác từ năm 1782-1789.
Ngoài ra, những báu vật nổi tiếng biến mất trong vụ trộm hôm 25/11 thuộc ba bộ trang sức quý từ thế kỷ 18, bao gồm thanh gươm nạm 9 viên kim cương lớn và 770 viên nhỏ hơn; huân chương Đại bàng trắng Ba Lan làm từ kim cương, hồng ngọc, vàng và bạc; cầu vai của hoàng gia Dresden bao gồm 200 viên kim cương giác cắt hoa hồng theo mô típ vòng kép; trâm cài hình nơ của Nữ hoàng Amalie Auguste đính 51 viên kim cương lớn và 611 viên kim cương nhỏ… cùng gần như toàn bộ vật phẩm trong bộ trang sức kim cương, ngọc trai của Nữ hoàng Amalie Auguste đều bị đánh cắp.
May mắn là Dresden Green 41-carat, viên kim cương xanh tự nhiên lớn nhất và tinh khiết nhất trên thế giới, không xuất hiện ở Hầm Xanh vào thời điểm xảy ra vụ trộm mà được viện bảo tàng Metropolitan Museum of Art ở New York, Mỹ, mượn trưng bày.
Bernhard Pacher, quản lý của nhà đấu giá nghệ thuật Hermann Historyica, nói với tờ Bild rằng nếu những vật phẩm bị đánh cắp có giá 1 tỷ euro như ước tính ban đầu của cảnh sát, thì “ngay cả khi bị cắt nhỏ hay nấu chảy, chúng vẫn có giá trị từ 100-200 triệu euro, vẫn rất đáng giá để đánh cắp”.
Trong khi đó, Marion Ackermann, Giám đốc Cục sưu tập nghệ thuật của thành phố Dresden, cho rằng những báu vật bị cướp đi là “vô giá”. “Chúng tôi không thể đưa ra mức giá vì chúng là vô giá. Giá trị vật chất không phản ánh ý nghĩa lịch sử”, giám đốc này nhận định.
Lên tiếng về tội ác ở Hầm Xanh hôm 25/11, Thủ hiến bang Saxon Michael Kretschmer cho rằng băng trộm không chỉ đánh cắp “bộ sưu tập nghệ thuật của nhà nước mà còn của người dân Saxon".
"Những báu vật trong Hầm Xanh là do người dân vất vả giành được trong nhiều thế kỷ. Người ta không thể hiểu được lịch sử của đất nước chúng ta, của nhà nước tự do của chúng ta, nếu không có Hầm Xanh và bộ sưu tập nghệ thuật này”, Thủ hiến Kretschmer nói, theo Newsweek.
Volker Lange, chỉ huy cảnh sát Dresden, cho biết hai tên trộm đã đập vỡ cửa sổ và uốn cong thanh chắn để đột nhập vào Hầm Xanh. Camera an ninh ở hiện trường ghi lại được hình ảnh hai tên trộm tiến vào Phòng Trang sức, sử dụng đèn pin và ngay lập tức nhắm vào một tủ trưng bày. Một trong hai tên trộm dùng rìu đập liên tục vào lớp kính bảo vệ.
Đây là tội ác “có chủ ý và được lên kế hoạch trước”, theo ông Lange, bởi hai tên tội phạm chỉ hướng đến tủ trang sức, kim cương và đá quý mà không động tới những vật phẩm cồng kềnh khác như tranh vẽ.
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh ZDF, bà Ackermann cho biết băng trộm không lấy được hết toàn bộ vật phẩm của ba bộ trang sức trong tủ mà chúng nhắm đến. Những báu vật này được khâu vào mặt tủ, vì vậy một số vẫn còn sót lại ở bảo tàng.
Hai tên tội phạm chỉ mất vài phút để lấy đi kho báu 1 tỷ euro. Nhân chứng mô tả băng đảng sau đó chạy thoát trên chiếc Audi A6 chờ sẵn, được cho là chiếc xe sau đó bốc cháy trong một gara dưới lòng đất ở đường Kötzschenbroder cách bảo tàng không xa. Trước khi vụ trộm diễn ra, hộp điện ở cây cầu Augustus gần đó cũng bị phá hoại khiến đèn đường tắt.
Cảnh sát ngay lập tức lập rào chắn trên các tuyến đường nối bảo tàng với đường cao tốc quanh thành phố nhằm ngăn chặn nghi phạm tẩu thoát. Tuy nhiên, do Hầm Xanh nằm gần xa lộ nên đã góp phần giúp băng trộm nhanh chóng trốn thoát. Dù video an ninh chỉ ghi lại được hình ảnh hai tên trộm, đến hôm 27/11 cảnh sát cho biết họ tin rằng băng nhóm này có tất cả bốn tên.
“Tôi bị sốc vì mức độ táo tợn của vụ trộm này”, bà Ackermann nói.
“Thật kinh khủng. Những tên tội phạm này không để tâm chút nào đến việc đây là những vật phẩm văn hóa quý giá đối với người Saxon và thế giới. Đây là những tên côn đồ vô lương tâm. Chúng ăn cắp từ chính mẹ của mình”, Christoper Marinello, Giám đốc điều hành của Art Recovery International, công ty chuyên thẩm định và phục chế các tác phẩm nghệ thuật, trả lời OCCRP.
Yếu tố gây sốc nhất là những báu vật ở Hầm Xanh vẫn được bảo vệ gần như nguyên vẹn sau hai cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt. Nhưng 1 tỷ euro lại dễ dàng “bốc hơi” trong vụ trộm chỉ kéo dài vài phút hôm 25/11.
“Không thể hiểu được. Điều mỉa mai là khoảng 10 năm trước đây, giám đốc điều hành của bảo tàng từng tuyên bố rằng vụ trộm như vậy không thể xảy ra ở đó”, Dror Wahrman, giáo sư Lịch sử tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, nói với tờ Haaretz.
Thực tế, năm 2010, Martin Roth, cựu giám đốc Bảo tàng Dresden, nói với tờ Die Welt rằng Hầm Xanh “được bảo vệ như kho vàng Fort Knox” bất khả xâm phạm của Mỹ. Quan chức bang Saxon cũng cho biết Bảo tàng Dresden có “hệ thống an ninh hiện đại, cao cấp theo tiêu chuẩn bảo tàng trên toàn thế giới”.
Bảo tàng hiện bao gồm hai khu vực, khu vực Hầm Xanh cũ và mới. Băng trộm đã đột nhập vào Phòng Trang sức thuộc khu Hầm Xanh cũ hôm 25/11. Khu triển lãm bao gồm 9 phòng, ngoài Phòng Trang sức còn có Phòng Ngà, Phòng Bạc…
Đây là nơi trưng bày khoảng 3/4 báu vật của bảo tàng. Khách tham quan phải đặt lịch trước và Hầm Xanh cũng giới hạn nghiêm ngặt số khách ra vào mỗi ngày.
Cảnh sát Đức đã thành lập một ủy ban đặc biệt để tiếp tục điều tra vụ việc và cho biết đã thu được hơn 200 manh mối khác nhau. Họ cũng tuyên bố trao thưởng 500.000 euro cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được những tên trộm ở Hầm Xanh.
Đến cuối ngày 25/11, khoảng 20 chuyên gia tội phạm bắt đầu tham gia điều tra nhưng chưa nghi phạm nào bị bắt giữ. Ông Wöller, chính trị gia ở Saxon, tuyên bố “chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình không chỉ để mang kho báu văn hóa trở lại, mà còn để bắt được thủ phạm”.
Ông Marinello cho rằng cảnh sát đang phải chạy đua với thời gian, bởi băng nhóm tội phạm sẽ nhanh chóng tìm cách bán lại những báu vật bị đánh cắp.
“Khi lấy được trang sức, chúng sẽ muốn thu lại tiền càng nhanh càng tốt”, ông Marinello nói và cho biết thêm có thể các vật phẩm sẽ bị tách ra để bán lẻ. “Mỗi giờ trôi qua, những tên tội phạm này đang tìm cách cắt nhỏ chúng ra”.
Giám đốc điều hành của Art Recovery International cho rằng cảnh sát Đức cần coi vụ trộm là vụ bắt giữ con tin. Hình phạt cho những tên tội phạm cần căn cứ vào mức độ nguyên vẹn của các vật phẩm bị đánh cắp. “Ngay bây giờ, chúng ta nên tập trung vào việc tìm ra thủ phạm và lấy lại những báu vật đó”.
Nhiều chuyên gia lo ngại số vật phẩm vô giá này có thể bị phá hủy hoặc biến mất vĩnh viễn. Julian Radcliffe, Chủ tịch Art Loss Register, tổ chức chuyên về các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, cho rằng những báu vật này rất dễ nhận biết nên băng trộm khó có thể công khai rao bán chúng.
“Nếu bọn tội phạm tháo dỡ số báu vật, chúng có thể bán lẻ số kim cương”, ông Radcliffe nói và cho biết thêm dù vậy, vẫn rất khó để tháo rời số đá quý. “Vì đây là những vật phẩm chế tác từ thế kỷ 18 nên không thông dụng hiện nay. Khá nguy hiểm nếu muốn cắt rời chúng ra. Loại trang sức này không bao giờ xuất hiện trên thị trường, và do đó không ai biết chúng sẽ có giá bao nhiêu”.
Arthur Brand, điều tra viên người Hà Lan, cho rằng kịch bản tồi tệ nhất là những tên tội phạm chỉ muốn đánh cắp số báu vật vì giá trị vật chất của chúng. Do đó, “có thể chúng sẽ nung chảy vàng và bạc, rồi tháo rời kim cương và bán lẻ. Một khi các vật phẩm bị phá hoại, chúng sẽ biến mất mãi mãi”.
Giả thuyết khác là số trang sức này có thể được bán cho một nhà sưu tập tư nhân, hoặc những tên trộm có thể đòi tiền chuộc để trả lại nguyên vẹn các báu vật.
Cho tới nay, vụ trộm ở Hầm Xanh hôm 25/11 được coi là vụ trộm lớn nhất trong lịch sử, vượt qua phi vụ tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston, Mỹ, năm 1990. Khi đó, hai tên trộm hóa trang thành cảnh sát đã giả vờ trả lời cuộc gọi gây rối và bước vào bảo tàng. Chúng trói toàn bộ nhân viên an ninh lại và trong vòng một tiếng đồng hồ, hai tên tội phạm trốn thoát cùng 13 bức tranh được định giá ở mức 500 triệu USD.
Trước đó, châu Âu từng chứng kiến không ít cuộc đột kích ngoạn mục khác của các băng đảng nhằm vào báu vật lịch sử. Năm 2018, giữa ban ngày, băng trộm ở Thụy Điển đã đập vỡ hộp kính trưng bày trong một nhà thờ và cướp đi kho báu hoàng gia từ thế kỷ 17, ước tính trị giá 7 triệu USD.
Chúng ăn cắp xe đạp để tẩu thoát và sau đó trốn lên thuyền máy ở phía tây Stockholm. Hai vương miện và một quả cầu quý sau đó được phát hiện trong thùng rác phía bắc Stockholm. Hai người đàn ông đã bị kết án và bỏ tù vì tội trộm cắp.
Vào tháng 1/2018, Cung điện Doge ở Venice, Italy, cũng bị trộm “ghé thăm” và cướp đi nhiều đồ trang sức của Ấn Độ, bao gồm mặt dây chuyền đính kim cương 10 carat. Camera an ninh ghi lại được cảnh một tên trộm bình tĩnh mở cửa tủ trưng bày, bỏ vào túi số đá quý và rời đi.
Chuông báo động kêu một phút sau đó nhưng băng trộm vẫn đủ thời gian tẩu thoát. Cảnh sát Croatia về sau bắt giữ bốn nghi phạm, một trong số đó được cho có liên quan đến nhiều vụ trộm lớn ở châu Âu và Pink Pinkherher, nhóm trộm cướp đa quốc gia khét tiếng.
Tuy nhiên, theo nhà sử học Becker, khác với các bộ sưu tập trang sức nổi tiếng khác được tích lũy trong nhiều năm tại các bảo tàng như Victoria và Albert ở London, bộ sưu tập ở Hầm Xanh là độc nhất vô nhị vì đã được hoàng gia ở Saxon tập hợp cùng một lúc.
“Không ở đâu trên thế giới có được một bộ sưu tập giống như thế này ở cùng một địa điểm. Đây là biểu tượng cho thành tựu cao nhất của nhân loại thời kỳ đó. Nó còn hơn cả đồ trang sức”, bà Becker nhận định.
Giám đốc Cục sưu tập nghệ thuật của thành phố Dresden cho rằng sau vụ trộm được lên kế hoạch tỉ mỉ hôm 25/11, cần phải xem xét lại an ninh tại các bảo tàng của nhà nước. “Sự cố như thế này tự nhiên sẽ đặt ra câu hỏi là cần phải cải thiện những gì trong tương lai. Tuy nhiên, không có gì là có thể đảm bảo 100%”, Giám đốc Ackerman nói, theo AFP.