Một chủng vi khuẩn hiếm được tìm thấy trong thuốc nhỏ mắt bị thu hồi liên quan đến hàng chục ca nhiễm trùng, các trường hợp giảm thị lực và phẫu thuật cắt bỏ khác. Trong tuần này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã báo cáo thêm 2 trường hợp tử vong - trong tổng số 3 trường hợp - liên quan đến nhiễm khuẩn.
Global Pharma Healthcare vào tháng trước đã thu hồi thuốc nhỏ mắt nhân tạo do EzriCare và Delsam Pharma phân phối, đồng thời cảnh báo mọi người không sử dụng thuốc này trong bất kỳ trường hợp nào.
Thuốc nhỏ mắt nhân tạo Lubricant Eye Drops bị thu hồi. Ảnh: CNN. |
Kể từ ngày 21/3, CDC đã xác định được 68 người ở 16 tiểu bang bị nhiễm một chủng Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc hiếm gặp chưa từng được ghi nhận ở Mỹ. Hầu hết bệnh nhân được ghi nhận đã sử dụng thuốc nhỏ mắt nhân tạo, CDC cho hay, và EzriCare là nhãn hiệu được nhắc đến nhiều nhất.
Các tác dụng phụ được phản ánh bao gồm nhiễm trùng giác mạc, tuần hoàn, hô hấp và tiết niệu. Đã có 8 ca mất thị lực và 4 ca phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu.
Những trường hợp mới nhất
Vào ngày 22/3, hai báo cáo được công bố trên JAMA Ophthalmology cung cấp thêm thông tin về trường hợp mới.
Một trong những báo cáo mới nhất mô tả một phụ nữ 72 tuổi bị mất thị lực mắt trái sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt EzriCare một tuần trước.
Một phụ nữ 72 tuổi bị mất thị lực mắt trái sau khi sử dụng Thuốc nhỏ mắt nhân tạo của EzriCare. Ảnh: CNN. |
Tiến sĩ Ahmed Omar, bác sĩ nhãn khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Bệnh viện Cleveland, phụ trách ca bệnh của phụ nữ nói trên, chia sẻ: “Người phụ nữ này bắt đầu nhận thấy mắt trái hơi mờ. Ban đầu không có dấu hiệu đau nhức, nhưng bệnh nhân và gia đình phát hiện chất dịch màu vàng trên gối vào một buổi sáng nọ. Đó là lúc bệnh nhân nhận ra rằng mắt mình có những thay đổi bất thường”.
Người phụ nữ lập tức đến phòng cấp cứu, và các bác sĩ đã phát hiện một vết loét lớn trên giác mạc bên trái của bà, bao phủ gần như toàn bộ mắt. Bà nhập viện trong 3 tuần, phải dùng kháng sinh loại VI, thuốc nhỏ mắt kháng sinh và nhiều can thiệp y tế khác. Ca bệnh này rất phức tạp do đã bong màng huyết thanh, tích tụ chất lỏng bất thường dẫn đến mắt trái mất thị lực.
Một trường hợp khác là một người đàn ông 72 tuổi bị viêm giác mạc do Pseudomonas aeruginosa. Ông đã đến Viện mắt Bascom Palmer, Miami, để kiểm tra sau một ngày đau nhức và khó nhìn bên mắt phải. Trước đó, ông không gặp vấn đề gì về mắt cho đến khi sử dụng EzriCare.
Tiến sĩ Marissa Shoji, bác sĩ nội trú tiếp nhận điều trị bệnh nhân, cho hay: “Khi chúng tôi kiểm tra mắt phải của nam bệnh nhân này, giác mạc đã bị nhiễm trùng nặng. Ông ấy chỉ có thể nhìn thấy lờ mờ do vết loét nghiêm trọng cản trở tầm nhìn”.
Tiến sĩ Naomi Gutkind, một bác sĩ nội trú khác hỗ trợ điều trị nam bệnh nhân, chia sẻ rằng trường hợp của bệnh nhân này phải kê liều kháng sinh mạnh.
Một trường hợp khác, người đàn ông 72 tuổi bị nhiễm trùng nặng ở mắt. Mặc dù tình hình có tiến triển một tháng sau đó, ông vẫn gặp vấn đề thị lực. Ảnh: CNN. |
“Chúng tôi hy vọng sẽ cải thiện tình hình ở một mức độ nào đó, nhưng hai ngày sau, bệnh tình ông ấy trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi đã trao đổi chi tiết hơn về thuốc nhỏ mắt EzriCare, vì chúng tôi biết những trường hợp nhiễm trùng kháng thuốc không thể xử lý bằng kháng sinh cực mạnh”, vị bác sĩ nói.
Các mẫu xét nghiệm từ giác mạc người đàn ông và EzriCare phát triển cùng một chủng vi khuẩn Pseudomonas kháng thuốc.
Thị lực của người đàn ông tại cuộc hẹn tái khám sau hai tháng là 6/120, tức là có thể nhìn thấy ở khoảng cách 6 m so với những người khỏe mạnh có thể nhìn thấy ở khoảng cách 120 m.
Tiến sĩ Guillermo Amescua, bác sĩ nhãn khoa tại Viện mắt Bascom Palmer, nói với CNN: “Bệnh này có thể đã mất thị lực vĩnh viễn. Hiện tại, ông ấy bị mù tạm thời với thị lực 6/120 và có sẹo giác mạc, nhưng sau khi được cấy ghép, tình trạng sẽ được cải thiện”.
Tiến sĩ Shoji lấy đây là ví dụ điển hình cho những ảnh hưởng của viêm giác mạc do Pseudomonas. Chỉ trong thời gian ngắn, người bệnh sẽ gặp đau nhức khủng khiếp, giảm thị lực và có nguy cơ bị loét mắt khiến nhiễm trùng lan rộng.
“Về lâu dài, ngay cả khi hết nhiễm trùng, vẫn có nguy cơ phải phẫu thuật ghép giác mạc hoặc xử lý sẹo, những phẫu thuật này sẽ ảnh hưởng ít nhiều thị lực”, tiến sĩ Shoji cho biết thêm.
Lưu ý về nhiễm trùng
Phía EzriCare công bố rằng sau khi biết về cuộc điều tra của CDC về nhiễm trùng Pseudomonas vào ngày 20/1, công ty đã “ngay lập tức hành động để ngăn chặn phân phối hoặc mua bán Thuốc nhỏ mắt nhân tạo EzriCare. Chúng tôi đã liên hệ với khách hàng trong phạm vi lớn nhất có thể, để thuyết phục họ dừng sử dụng sản phẩm”.
Các bác sĩ tham gia vào các nghiên cứu mới hy vọng rằng phân tích những trường hợp này sẽ giúp những người dùng khác tránh khỏi vấn đề tương tự.
Tiến sĩ Shoji khuyến cáo không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt EzriCare hoặc Delsam khi các xét nghiệm vẫn đang được tiến hành.
“Nếu có bất kỳ triệu chứng nào về mắt, chẳng hạn đau mắt, đỏ mắt, giảm thị lực, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa gần nhất để kiểm tra”, vị bác sĩ lưu ý. “Khi đến, hãy mang theo bất cứ thứ gì có khả năng gây nhiễm trùng, đặc biệt là thuốc nhỏ mắt, kính áp tròng hoặc hộp đựng kính áp tròng”.
Theo CDC, các triệu chứng có thể bao gồm dịch vàng, xanh lục hoặc trong suốt tiết ra từ mắt; đau mắt hoặc khó chịu; đỏ mắt hoặc sưng mí mắt; cảm giác có gì đó trong mắt; nhạy sáng hơn; và tầm nhìn mờ.
Các bác sĩ lưu ý mọi người cần thận trọng hơn khi dùng thuốc nhỏ mắt. Ảnh: Insider. |
“Đôi lúc, mọi người không nghĩ đến việc thuốc nhỏ mắt hay cả những thứ như kính áp tròng cũng là công cụ y tế. Có lẽ họ chỉ coi đó là loại thuốc bán tự do không cần kê đơn như kem dưỡng da hay thứ gì đó tương tự”, bác sĩ Christina Prescott, một chuyên gia nhãn khoa tại NYU bình luận. Bà cũng nêu bật lên những báo cáo về nguy hiểm tiềm tàng của một số loại thuốc nhỏ mắt nhân tạo lành tính.
Bà Prescott khuyến nghị mọi người nên bảo quản thuốc nhỏ mắt cẩn thận. Tránh để thuốc nhỏ mắt nhiễm khuẩn khi chạm vào đầu chai bằng tay, da hoặc mắt; không dùng chung với người khác; và không sử dụng sản phẩm quá hạn.
Mọi người cũng nên thận trọng với thuốc nhỏ mắt không chất bảo quản vì có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng. “Bất cứ thứ gì tiếp xúc với mắt cũng có nguy cơ gây nhiễm trùng vì mắt rất dễ bị tổn thương”, vị bác sĩ nhấn mạnh.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.